Dư luận đặt câu hỏi: Một khi gom được mớ cổ phiếu thì những người quản lý di tích văn hóa có... "cúng dường tam bảo" hay đút vào túi riêng?
Thượng tuần tháng 7/2012, ban quản lý di tích Phổ Ðà sơn đã biến ngôi chùa cổ kính này thành một sản phẩm kinh doanh khi lần đầu tiên niêm yết lên thị trường chứng khoán với kế hoạch thu 750 triệu nhân dân tệ (118 triệu USD).
Nổi tiếng với tượng Quan Âm Bồ Tát khổng lồ và là địa điểm hành hương quen thuộc của phật tử bốn phương, quần thể chùa cổ Phổ Ðà sơn với dân Trung Quốc chẳng khác nào là thánh tích. Nó thuộc một trong bốn ngọn núi thiêng mà người Trung Quốc gọi là "Tứ đại Phật giáo danh sơn" hoặc "Tứ linh sơn" (gồm Phổ Ðà sơn ở Chiết Giang, Nga Mi sơn ở Tứ Xuyên, Cửu Hoa sơn ở An Huy và Ngũ Ðài sơn ở Sơn Tây).
Lần lượt chùa cổ lên sàn chứng khoán
Ðây không phải lần đầu tiên một di tích văn hóa lịch sử được đưa lên sàn chứng khoán. Năm 1997, khoảng một năm sau khi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, ngọn Nga Mi với những danh thắng như Vạn Phật Ðính, Báo Quốc tự, Thanh Âm các, Cửu Lão động... cũng đã được đưa "lên sàn" với "tên giao dịch" là "Công ty Nga Mi Sơn".
"Sản phẩm chứng khoán" Nga Mi Sơn đã mang về 9,81 triệu nhân dân tệ trong ba tháng đầu năm 2012, tăng 6% so với năm trước. Năm 2011, Công ty du lịch Nga Mi Sơn đã đón 2,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 145 triệu nhân dân tệ...
Lần lượt sẽ còn nhiều di tích văn hóa bị thương mại hóa. Năm 2013, có thể ngôi chùa cực cổ Pháp Môn tại Tây An (Thiểm Tây) có khả năng được ưu ái cho "lên sàn" (vụ này nếu không gặp làn sóng phản đối thì đã xong từ tháng 5/2012 - theo China Securities Journal). Với Cửu Hoa sơn, danh thắng mà Lý Bạch từng hạ bút viết: "Diệu hữu phân nhị khí/ Linh Sơn khai cửu hoa" (Diệu hữu phân trời đất/ Linh Sơn nở chín hoa), số phận có thể được định đoạt vào sang năm, tương tự Ngũ Ðài sơn...
"Một ngôi chùa là tài sản công chúng, thuộc về cả nước chứ không phải nằm trong tay mấy ông quản lý hay chính quyền địa phương" - viên chức phụ trách tôn giáo Lưu Uy nói (China Daily 3/7/2012).
Đạo đức chẳng thấy, chỉ thấy "kinh"!
Không chỉ di tích lịch sử, người ta còn đang tạo ra "di tích" để kinh doanh. Theo Tân Hoa xã (15/6/2012), một ngôi đền Thần Tài mới xây bây giờ đang là một trong những tài sản kinh doanh dưới sự quản lý của Công ty Trường Tín (được niêm yết tại thị trường chứng khoán Thượng Hải) với sự phối hợp của Tập đoàn du lịch văn hóa Tây An Khúc Giang (Tây An Khúc Giang văn lữ tập đoàn).
Việc hợp tác làm ăn đã bắt đầu từ ngày 31/5/2012. Doanh thu chủ yếu là bán vé, "biểu diễn nghệ thuật" và hàng lưu niệm. Vụ này là một phần của dự án to hơn thuộc "Lâu Quan Ðài tài thần văn hóa khu", trong đó có ngôi đền khổng lồ được xây từ xa xưa để thờ năm vị thần tài.
Cần biết, ngôi đền Lâu Quan Ðài tại làng Tháp Dục thuộc huyện Chu Chí (Thiểm Tây) này là nơi Lão Tử từng ngồi ngẫm nghĩ soạn Ðạo Ðức kinh. Bây giờ đạo đức chẳng thấy, chỉ thấy "kinh"!
Vụ việc khiến người ta nhớ lại hồi năm 2009, nếu không bị phản đối gay gắt, di tích Thiếu Lâm tự đã được "đưa lên sàn". Dù mất cơ hội trở thành "sản phẩm chứng khoán", Thiếu Lâm tự không vì thế mà mất giá - xét theo nghĩa kinh doanh.
Từ khi nằm dưới sự quản lý của trụ trì Thích Vĩnh Tín vào năm 1999, ngôi chùa trên đỉnh Tung Sơn huyền thoại này đã trở thành một "thương hiệu" hốt bộn bạc (hèn chi báo chí Trung Quốc gọi Thích sư phụ là "nhà sư CEO"!).
Theo tờ báo Trung Quốc Kinh Tế Quan Sát (31/1/2012), mỗi năm Thiếu Lâm tự thu hút 1,5 triệu lượt khách. Với mỗi vé là 100 nhân dân tệ, chỉ riêng tiền vé đã gom được 150 triệu nhân dân tệ/năm. Khu vực thị xã Ðăng Phong quanh đó cũng kiếm được bộn, với khoảng 500 triệu nhân dân tệ/năm, từ các võ đường Thiếu Lâm mọc lên như nấm. Ngoài ra, chưa kể chừng 200 doanh nghiệp thu được khoảng 100 triệu nhân dân tệ từ việc bán đồ nghề võ thuật, hàng lưu niệm...
Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, Lưu Uy - viên chức thuộc Cơ quan Quản lý tôn giáo Trung Quốc - đã lên tiếng chỉ trích gay gắt cơn sốt “buôn thánh bán thần”. “Nhìn ra thế giới mà coi, có nước nào người ta đóng gói văn hóa và bán như chúng ta?” - họ Lưu nói. Lưu còn cho biết theo điều 24 luật bảo vệ di sản văn hóa của Trung Quốc, không địa điểm nào thuộc nhà nước quản lý - được bảo vệ bởi giá trị văn hóa lịch sử và được phép sử dụng như địa điểm du lịch - mà có thể trở thành tài sản cho hoạt động kinh doanh.