17h50: HĐXX bắt đầu tuyên án
Căn cứ vào tài liệu của vụ án, tranh luận tài phiên tòa, HĐXX có đủ cơ sở kết luận: Hành vi của bị cáo Tường gây bức xúc cho dư luận. Mặc dù thì thể của nạn nhân đã được tìm thấy nhưng không còn nguyên vẹn. Hành vi của Tường cần mức án cao, nghiêm khắc mang tính răn đe.
HĐXX cũng xác định việc truy tố bị cáo Tường hai tội danh "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo điều 242 Bộ luật Hình sự và tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" theo điều 246 Bộ luật Hình sự là phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.
Đối với bị cáo Khánh, phạm tội tại ở thời điểm đang ở độ tuổi vị thành niên, tài sản trộm cắp giá trị không cao nên HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Theo đó HĐXX tuyên phạt Tường 14 năm về tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", 5 năm tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", tổng hình phạt 19 năm tù giam. Cấm hành nghề 5 năm sau khi thực hiện xong hình phạt tù.
Đào Quang Khánh bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt", 9 tháng tù về tội "Trộm cắp tài sản", tổng hợp hình phạt 33 tháng tù giam.
Về dân sự buộc Tường bồi thường thêm số tiền gần 400 triệu đồng (trước đó vợ Tường đã bồi thường cho gia đình bị hại 200 triệu đồng); cấp dưỡng cho hai con của bị hại hơn 1 triệu đồng/tháng.
Đối với vụ án này, tòa cho rằng cũng có phần trách nhiệm của Sở Y tế trong quản lý các cơ sở y tế. Do đó tòa kiến nghị Sở Y tế cần phải có nhiều biện pháp thanh kiểm tra các cơ sở y tế trên địa bàn.
17h05: HĐXX bắt đầu nghị án.
17h: Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng các ý kiến đối đáp của các luật sư không có gì mới. VKS giữ nguyên quan điểm luận tội đối với hai bị cáo.
6h40: Đến lượt luật sư Vũ Gia Trưởng đối đáp quan điểm của VKS. Ông Trưởng nói rằng, mục đích của Tường là vì “kinh tế”, nhiều hành vi giết người cũng vì mục đích kinh tế. Ớ đây, Tường đã có hành vi bỏ mặc, phớt lờ trước cái chết của nạn nhân. Cho nên ông Trưởng vẫn giữ quan điểm của mình là bị cáo Tường phải bị quy kết tội Giết người.
16h30: Đối với tội Trộm cắp tài sản của bị cáo Khánh, luật sư Tạ Anh Tuấn lý luận: Chị Hoa – nhân viên được giao tài sản quản lý tài sản của chị Huyền nhưng sau đó đã “vứt” đi. Chị Hoa đã không bảo quản tài sản của chị Huyền nữa nên không thể nói Khánh trộm cắp tài sản. Khánh chỉ nhặt được chiếc điện thoại này.
16h20: Đối đáp lại quan điểm luận tội của VKS, luật sư Trang Vân tiếp tục khẳng định phải xác định được nguyên nhân chết của chị Huyền thì mới xác định đúng với tội danh quy định tại điều 242 BLHS.
Đồng thời bị cáo tại tòa cũng không quanh co chối tội, việc cáo buộc hành vi bị cáo không ăn năn như của VKS là dựa trên quan điểm buộc tội.
“Đối với việc bồi thường 200 triệu cho gia đình bị hại Tường trao đổi qua với luật sư để đến được với vợ. Tường không hiểu việc “tác động” nên mới nói tại tòa là không trực tiếp tác động và không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này", vị luật sư cho biết.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét một phần giá trị tài sản chiếc xe ô tô chở chị Huyền để gia đình nạn nhân có thêm điều kiện đền bù thiệt hại.
16h15: Theo hồ sơ xác định, chiếc ô tô là tài sản của bị cáo Tường nên VKS vẫn đề nghị tịch thu sung công. “Đây là phương tiện phạm tội”, Kiểm sát viên nêu ý kiến.
16h10: Đối với bào chữa của luật sư Vũ Gia Trưởng, Kiểm sát viên khẳng định, quá trình điều tra cũng như đấu tranh tại phiên tòa cho thấy, mục đích của bị cáo là về kinh tế. Vì mục đích này không đủ căn cứ để quy kết tội Giết người. Bị cáo Tường lại không có động cơ mục đích tước đoạt tính mạng của người khác.
Kiểm sát viên: “Luật sư đưa ra quan điểm Tường không muốn bị hại tử vong, nên VKS thấy rằng, luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra tội Giết người là không có căn cứ”.
Với quan điểm của luật sư Trưởng cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm khi có ý định chiếm đoạt chiếc xe máy và túi xách, kiểm sát viên khẳng định: thực tế chiếc xe máy không bị chiếm đoạt, tài sản không bị thất thoát, nên VKS cho rằng không có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
VKS cũng bác yêu cầu bồi thường của luật sư Phạm Thị Hương Giang trong phần bào chữa của mình.
16h00: Đủ cơ sở kết luận chị Huyền bị co giật trong khi phẫu thuật
Trong phần tranh tụng, đại diện VKS nói: “Việc bị cáo Tường không thừa nhận chị Huyền co giật trong quá trình phẫu thuật là việc của bị cáo, song VKS dựa vào lời khai của 3 y tá và các chứng cứ nên có đủ cơ sở xác định chị Huyền bị co giật khi bị cáo đang tiến hành phẫu thuật”.
Thứ hai, bị cáo cùng luật sư cho rằng việc thay đổi khung hình phạt đối với bị cáo là không có cơ sở. Luật sư của bị cáo cho rằng bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ nhưng VKS không chấp nhận, chỉ chấp nhận 1 tình tiết giảm nhẹ. Trong phiên tòa từ hôm qua đến hôm nay, bị cáo chỉ nhận vứt xác chị Huyền xuống sông Hồng chứ không nhận mình gây ra cái chết cho chị Huyền.
Quá trình đánh giá cho thấy, trước khi vào TMV chị Huyền là người khỏe mạnh, không hề có bệnh tật, đến khi chị Huyền tử vong tại TMV Cát Tường, với tài liệu như vậy, có đủy cơ sở kết luận, chị Huyền chết do bác sĩ gây ra, do quá trình phẫu thuật hút mỡ gây ra. Như vậy, bị cáo Tường khai báo hành vi nhưng không ăn năn hối cải nên không đồng ý cho bị cáo Tường được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Về khoản 200 triệu đồng bồi thường, luật sư cho rằng Tường phải được hưởng tình tiết giảm nhẹ, nhưng qua thẩm vấn, VKS khẳng định bị cáo không có tác động gì đến khoản này nên không cho bị cáo Tường được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
VKS vẫn giữ quan điểm rằng, việc thực hiện hút mỡ nâng ngực chỉ được phép thực hiện ở bệnh viện.
Ngoài ra, bác sĩ Tường không tiến hành các thủ tục cần thiết khi tiến hành phẫu thuật, như không thử máu đông, máu chảy, không thử test và phản ứng thuốc… Vi phạm quy trình khám chữa bệnh của Bộ y tế. Như vậy đủ cơ sở xác định bị cáo bị truy tố về tội danh Vi phạm quy định khám chữa bệnh.
Toàn tiếp tục sau khi giải lao
Chị Hằng – vợ Tường muốn xin lại chiếc ô tô để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho gia đình nạn nhân.
15h40: Tòa nghỉ giải lao 10 phút
15h35: Bố Khánh xin giảm án cho con trai
Tường trình bày tiếp: Trước đó, bị cáo cũng đã khai, khi đưa xác đến BV Bưu Điện, chỉ khi nghe Khánh đề xuất như thế bị cáo mới nghĩ đến, chứ không hề có ý định vứt xác từ trước như cáo buộc.
“Bị cáo nói chỉ muốn làm rõ vấn đề, chứ khộng có ý định quanh co chối tội” – bị cáo Tường nói.
Khi HĐXX hỏi, bị cáo Đào Quang Khánh cho biết không có bất cứ điều gì bổ sung.
Còn ông Tiến – bố của Khánh - cho rằng, mức án với con trai nặng nên đề nghị xin giảm nhẹ án cho con trai.
15h30: Bị cáo Tường cúi đầu nhưng không nhận tội
Khi được HĐXX cho phép trình bày, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cho biết chưa đồng ý với một số điểm.
Cụ thể, Tường nói không có chuyện chị Huyền co giật liên tục, cũng không có chuyện khi chị Huyền co giật mà bị cáo vẫn tiếp tục hút mỡ, còn các y tá vẫn giữ người chị Huyền. Nếu chứng kiến trong quá trình đó, thì đây là một điều vô lý.
Tường cho rằng, sau 13 tháng, các y tá khai không nhớ chính xác thì tại sao luật sư lại căn cứ vào đó để nói bị cáo phạm tội. Ngoài ra, không có chuyện khi ra phòng hậu phẫu, chị Huyền cứ co giật 3 phút một lần, làm gì có chuyện như thế. Bản thân chị Thư khai trong quá trình phẫu thuật đã ra ngoài 2-3 lần, mỗi lần 15-20 phút mà bảo chứng kiến chị Huyền co giật liên tục là không hợp lý.
Còn việc cáo buộc bị cáo cố ý là không đúng. Không có một bác sĩ nào cố ý khi thấy bệnh nhân của mình như thế cả. Khi chị Huyền co giật thì bị cáo cũng đã xử lý, sau đó bị cáo còn ở lại ăn cơm, vậy tại sao lại nói bị cáo bỏ đi ngay.
Còn việc cho rằng bị cáo bỏ mặc nạn nhân, có xảy ra chuyện gì đâu mà bảo bị cáo bỏ mặc?
15h20: Đề nghị tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Tường
Luật sư Phạm Hương Giang – người bảo vệ quyền lợi cho chị Lê Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: “Việc chị Lê Thị Thanh Huyền mất đi là một nỗi đau không thể bù đắp đối với gia đình nạn nhân, khiến 2 con thơ bơ vơ mất mẹ, hai bố mẹ già đau ốm liên miên, và khoản bồi thường dù có lớn thế nào cũng không thể bù đắp nổi nỗi đau mất mát này”.
“Trách nhiệm bồi thường của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đối với gia đình nạn nhân phải ở mức cao hơn so với bị cáo Đào Quang Khánh” – luật sư Phạm Hương Giang đề nghị.
Luật sư Phạm Hương Giang nhấn mạnh thêm rằng: “Đề nghị HĐXX tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Vì nếu để bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường còn tồn tại trong xã hội thì sau này sẽ không còn biết bao nhiêu nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền”.
Luật sư Phạm Hương Giang cho rằng, cái chết của chị Huyền là mất mát không gì bù đắp được và đề nghị tịch thu vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Tường.
15h15:
Bà Nguyễn Thị Hiền và ông Nguyễn Văn Viễn - bố mẹ đẻ của chị Huyền khi nghe luật sư Trưởng nói về nỗi mất mát của gia đình thì nghẹn ngào rơi nước mắt, trước mặt vẫn luôn đặt di ảnh của người con gái thân yêu.
Bố, mẹ chị Huyền nghẹn ngào khi nghe Luật sư trình bày về mất mát của gia đình.
15h00: Phải xem xét tội danh của người tư vấn gian dối cho chị Huyền
Luật sư tiếp tục: Bên cạnh đó, còn một số hành vi vi phạm pháp luật của Tường và một số nhân viên TMV Cát Tường, trước tiên là hành vi tư vấn gian dối, mà việc tư vấn gian dối này, thì chưa ai chịu nhận mà vẫn đang đổ lỗi cho nhau.
Hành vi này cần phải xem xét ở 1 tội danh, cụ thể là lừa dối chị Huyền, khiến chị Huyền mới đồng ý nộp tiền thực hiện dịch vụ này, hoặc xem xét ở vai trò đồng phạm, một người dụ khách hàng, còn một người thực hiện. Vì vậy cần phải xem xét nếu không sẽ dễ bỏ lọt tội phạm.
Hành vi thứ 2 là chiếm đoạt xe máy và túi xách của chị Huyền để vứt đi tại đường Cổ Linh (Long Biên – HN).
Khi chị Huyền mất, chiếc điện thoại do Khánh lấy thì Khánh đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, còn chiếc xe máy thì các đối tượng đã di dời khỏi vị trí của chủ sở hữu, tức là các đối tượng này đã chiếm đoạt cái xe để đem vứt đi. Mục đích của Tường đã chiếm đoạt xong rồi, còn mục đích là gì thì không quan trọng, mà hành vi và mục đích chiếm đoạt mới là quan trọng.
Vì vậy, mong HĐXX xem xét đến hành vi này, trả hồ sơ về, nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm.
14h45: Tường phải là người chủ mưu trong mọi việc
Trong phần bào chữa của mình, luật sư Vũ Gia Trưởng khẳng định: “Người chủ mưu trong việc phi tang xác chị Huyền xuống sông không thể là Khánh, mà đó là Nguyễn Mạnh Tường”.
Thứ nhất, Khánh không có động cơ, mục đích phi tang xác chị Huyền xuống sông, vì Khánh là nhân viên bảo vệ, làm công ăn lương nên Khánh không có trách nhiệm gì trong việc sống chết của khách hàng. Vậy thì việc gì Khánh phải nghĩ ra việc ném xác chị Huyền xuống sông, chị Huyền chết là lỗi của Tường, Tường phải chịu trách nhiệm thì tại sao Khánh phải nghĩ đến việc phi tang?
Khánh chỉ nghĩ rằng làm sao để giúp được anh Tường mà thôi. Tường và một số nhân viên trong TMV Cát Tường đã có ý định phi tang xác chị Huyền, phi tang một số đồ đạc cá nhân của chị Huyền từ trước.
Trong tất cả các lời khai của Tường cho thấy, Tường rất sợ bị ảnh hưởng sau khi để sự việc này xảy ra, sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của TMV Cát Tường. Tường phi tang xác chỉ phục vụ cho mục đích che giấu hành vi phạm tội của mình.
Phương án xử lý xác chị Huyền cũng đã được Tường và một số nhân viên TMV Cát Tường bàn bạc trước trong phiên họp ở tầng 2 TMV Cát Tường và ở quán café Mộc.
Các đối tượng đã nghĩ đến việc mang xe máy của chị Huyền ra kéo lê tạo vết xước để dựng lên hiện trường giả của vụ tai nạn giao thông.
Tường và một số nhân viên TMV Cát Tường có hành vi khuất tất, vì nếu đàng hoàng ra, khi đưa xác chị Huyền vào thì phải công khai, sao phải đi vào lúc nửa đêm. Đáng ra, đàng hoàng đưa xác chị Huyền vào viện rồi gọi gia đình đến, tại sao lại vứt quăng quật xác chị Huyền như thế. Nếu minh bạch thì tại sao phải cho người đến nhà chị Huyền để dò xét làm gì? Tại sao khi chồng chị Huyền gọi điện đến không thông báo ngay sự việc? Bao nhiêu hành vi của các đối tượng toàn là những hành vi khuất tất.
“Qua những dẫn chứng vừa rồi, tôi khẳng định, mục đích phi tang xác chị Huyền, mục đích làm giả Tai nạn giao thông hay mang xác chị Huyền vào việc chỉ là che giấu cho mục đích phi tang xác thực sự mà tôi, chứ không có mục đích báo người nhà, tôi phản bác việc Tường cho rằng đưa xác vào viện để báo cho gia đình nạn nhân” – luật sư Trưởng nêu quan điểm.
Về việc vứt xe, Khánh đều phải do sự chỉ đạo của Tường, vì Khánh chỉ là người làm thuê, chỉ đáng tuổi con của Tường, làm sao dám tự ý vứt cả chiếc xe trước mặt Tường như thế. Như vậy, việc Tường khai Khánh chủ động làm những việc đó là không đúng.
Mong HĐXX xem xét, với hành vi phi tang xác nạn nhân, ném xác chị Huyền xuống sông Hồng, thì phải xác định vai trò Tường là người chủ mưu, là người quyết định ném xác. Chính vợ Tường cũng đã nói Tường là người quyết định, làm sao đổ cho thằng bé như Khánh được.
14h30: Luật sư đề nghị chuyển tội danh của Tường sang "Giết người”
Luật sư Trưởng nêu quan điểm: Tường đã bỏ mặc chị Huyền tử vong. Khi thấy tình trạng như thế mà mấy lần không tiến hành cấp cứu cho chị Huyền, như vậy thì có phải giết người hay không. Tôi cho rằng, như thế là giết người. Vì vậy, tôi đề nghị trả hồ sơ bổ sung, chuyển tội danh của Tường sang tội “Giết người”.
14h15: Luật sư Trưởng lập luận: Hành vi của Tường phải bị truy tố tội danh Giết người. Tường không thuộc chủ thể của tội danh 242. Tường không phải làm nghề khám bệnh chữa bệnh về phẫu thuật thẩm mỹ vì chưa được cơ quan chức năng công nhận. Tường mới chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề về phẩu thuật ngoại khoa.
Tường không có chuyên môn, tay nghề về phẫu thuật thẩm mỹ. Tường không được cấp chứng chỉ về phẫu thuật thẩm mỹ thì không phải là chủ thể của tội danh này.
Đối với trung tâm TMV Cát Tường không có đầy đủ giấy phép hành nghề về phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ có giấy phép hành nghề về chuyên khoa ngoại.
“Đây là cơ sở giả mạo, bác sĩ giả mạo về hút mỡ bụng, nâng ngực”, ông Trưởng nói gay gắt.
14h5: Bắt đầu phần bào chữa cho gia đình bị hại, luật sư Vũ Gia Trưởng cho rằng không đồng tình với quan điểm của luật sư đồng nghiệp. Luật sư cũng biểu hiện sự thất vọng khi bản kiến nghị dài hơn 30 trang của luật sư về chuyển tội danh đối với Tường không được xem xét.
14h: Đối với hành vi Trộm cắp tài sản của Khánh, luật sư đề nghị làm rõ quyền quản lý tài sản của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền là ai. Có như vậy mới làm rõ hành vi Trộm cắp tài sản.
Theo ông Tuấn, mục đích lấy điện thoại là do Khánh mới vào làm việc, đang đến kỳ nhận lương thì TMV Cát Tường xảy ra sự việc. Mục đích lấy điện thoại của Khánh là vì muốn trừ vào khoản lương tháng đầu tiên của mình.
Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra ở TMV Cát Tường
Ngoài ra, thời điểm lấy, điện thoại được chị Hoa nhận quản lý đã không được chị này làm hết trách nhiệm. Ông Tuấn phấn tích, việc quy kết tội Trộm cắp tài sản không đúng bản chất của tội danh này vì Khánh không có hành vi lén lút. Ông Tuấn đề nghị chuyển tội danh của Khánh từ Trộm cắp tài sản sang tội Cố ý chiếm giữ tài sản mới đúng hành vi của bị cáo.
13h50: Đối với tội “Xâm phạm thi thể mồ mả”, ông Tuấn lập luận, Khánh chỉ là người làm thuê. Tường cũng rất quý Khánh. Hành vi của Khánh chỉ là giúp Tường che giấu hành vi phạm tội.
Động cơ mục đích của Khánh không thỏa mãn điều 246, BLHS. – “phạm vi của tội danh này là phạm tội độc lập”, ông Tuấn phân tích.
13h40’: Phiên tòa xét xử vụ án xảy ra ở TMV Cát Tường tiếp tục với phần bào chữa của luật sư Tạ Anh Tuấn.
Ông Tuấn cho rằng, việc truy tố bị cáo Đào Quang Khánh 2 tội danh vẫn chưa có cơ sở vững chắc, do chưa làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Huyền.
“Để quy kết một bị cáo hành vi phạm tội là phải có căn cứ khoa học cụ thể”, ông Tuấn nhìn nhận. Theo ông Tuấn, hành vi của Khánh liên quan đến trách nhiệm hình sự của Tường, trong khi việc định danh tội của Tường chưa vững chắc.
Luật sư Tuấn đề nghị trả hồ sơ để tìm rõ nguyên nhân gây chết người.
11h30: Tòa tạm nghỉ. Chiều 13h30, tòa tiếp tục phần bào chữa của các luật sư
11h20: Luật sư Nguyễn Anh Thơm bào chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh:
Luật sư Nguyễn Anh Thơm không đồng ý với tội danh mà VKS đề nghị đối với Đào Quang Khánh (Khánh bị truy tố về hai tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể, mồ mả).
“Về tội Xâm phạm thi thể đối với thân chủ của tôi là không có cơ sở. Về mặt chủ quan của tội phạm, phải có động cơ mục đích, nhưng trong vụ án này, phải xem xét động cơ mục đích của Tường và Khánh khi mang xác chị Huyền đi vứt là gì? Chắc chắn là Tường nghĩ mình làm chết nên mang đi phi tang để che giấu tội phạm. Còn Khánh đâu có động cơ gì?” – luật sư Thơm đặt vấn đề.
Về tội trộm cắp tài sản, theo luật sư Thơm thì trong vụ án này, bản thân bị hại là chị Huyền đã chết (chủ tài sản đã tử vong) nên hành vi lấy chiếc điện thoại của chị Huyền không có dấu hiệu “lén lút”.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm giải thích thêm: "Quá trình điều tra đã xác định Bùi Thị Hoa là y tá phụ giúp phẫu thuật cho Tường gây ra cái chết cho chị Huyền, và cũng là người xem như tạm thời quản lý tài sản trong trường hợp này là không hợp pháp. Bởi bản thân chị Hoa cũng có hành vi đồng lõa cùng Tường và các nhân viên khác không tố giác, che dấu tội phạm. Vậy người quản lý tài sản đã giúp sức cho bác sĩ Tường che dấu tội phạm (tẩu tán vật chứng, ..) và không tố giác tội phạm lại được coi là người quản lý hợp pháp tài sản của chị Huyền là không hợp pháp”.
Vì vậy, luật sư Thơm cho rằng, hành vi của phạm tội của Đào Quang Khánh không phải “Trộm cắp tài sản”.
11h10: Luật sư đề nghị HĐXX hoàn trả lại 1 nửa giá trị chiếc xe cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường
Luật sư Trang Vân bào chữa thêm: “VKS cho rằng bị cáo Tường quanh co chối tội, nhưng tôi cho rằng vì VKS đang buộc tội cho bị cáo nên mới có quan điểm thế, còn bị cáo Tường lại có một số quan điểm của mình. Bị cáo Tường trong tất cả các lời khai trước đây đều khai nhất quán. Vì vậy tôi đề nghị bị cáo Tường được áp dụng hình thức giảm nhẹ hình phạt vì thành khẩn khai báo, có ăn năn, hối cải về sự việc. Đồng thời, chiếc xe ô tô là tài sản của hai vợ chồng bị cáo nên đề nghị HĐXX hoàn trả lại 1 nửa giá trị chiếc xe để vợ bị cáo hoàn thành nghĩa vụ bồi thường đối với gia đình nạn nhân”
10h45: Luật sư bào chữa phản đối việc thay đổi khung hình phạt đối với Tường
Luật sư Chu Thị Trang Vân – người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường - sau khi trình bày chi tiết nội dung vụ án đã đặt ra câu hỏi đặt ra là “Thời điểm thực sự chị Huyền tử vong là khi nào?”
“Kết luận của cơ quan điều tra chưa làm rõ được điều đó, vì vậy không có căn cứ để kết luận bị cáo Tường đã gây ra cái chết của chị Huyền. Vì vậy, tôi phản đối kết luận trước đó của VKS. Việc thay đổi khung hình phạt của VKS đối với bị cáo Tường là không có cơ sở trong khi kết luận điều tra bổ sung không có gì khác so với bản cáo trạng trước đó” – luật sư Chu Thị Trang Vân nhấn mạnh.
VKS Nhân dân TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về tội
“Vi phạm qui định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”, theo Khoản 3 Điều 242 BLHS với mức 13-14 năm tù, và tội “Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt”, theo Khoản 2 Điều 246 BLHS với mức 4-5 năm tù, tổng cộng cho cả 2 tội danh là 17-19 năm tù”.
Đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Khánh với 2 tội danh, tổng cộng từ 48-60 tháng tù.
Bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân về tổn thất tinh thần là 60 tháng lương với số tiền 69 triệu đồng, chịu trách nhiệm nuôi con chị Huyền đến 18 tuổi, mỗi tháng 1 triệu đồng.
Đối với chiếc ô tô là phương tiện gây án, đề nghị HĐXX tuyên tịch thu để xung công.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên Tường tổng cộng mức án là 17-19 năm tù.
10h20: HĐXX kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận
Đại diện VKS kết luận: Sau hơn 1 ngày thẩm vấn, nay đã kết thúc. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường không nhận nguyên nhân chị Huyền chết là do mình gây ra, song bị cáo đã thừa nhận hút mỡ bơm ngực cho chị Huyền và đem xác chị Huyền đi vứt. Bị cáo Khánh cũng thừa nhận cùng Tường đem xác chị Huyền đi vứt xuống sông, sau đó Khánh còn về lấy điện thoại của chị Huyền.
Căn cứ lời khai của các bị cáo ở phiên tòa, cùng các vật chứng CQĐT thu thập, có đủ cơ sở kết luận, Nguyễn Mạnh Tường đã mở TMV Cát Tường để hoạt động hút mỡ, bơm ngực cho khách hàng khi chưa đủ điều kiện để hoạt động. Tháng 10, khi thực hiện phẫu thuật hút mỡ cho chị Huyền, bác sĩ Tường đã thực hiện không đúng quy trình nên gây ra cái chết cho chị Huyền.
Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh lặng lẽ đứng trước vành móng ngựa để nghe kết luận của VKS.
Bị cáo Khánh: Anh ấy bảo sẽ lo cho bị cáo về với bố mẹ
Tiếp theo, Luật sư Phạm Hương Giang – người bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân hỏi bị cáo Tường: “Bị cáo có biết bồi thường cho gia đình nạn nhân là tình tiết giảm nhẹ khi tòa nghị án hay không?”
Tường nói: “Tôi biết, nhưng bồi thường ở mức nào đó, chứ khoản gần 1,4 tỷ gia đình nạn nhân nêu nhiều khoản không hề có chứng từ hóa đơn”.
Luật sư Chu Thị Trang Vân – người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Mạnh Tường chất vấn bị cáo Khánh.
Khánh nói: “Bị cáo vẫn còn là một đứa trẻ, chưa đủ nhận thức để nhận ra sai phạm của mình. Anh Tường là chủ của bị cáo nên bị cáo nghe theo lời anh ấy. Anh ấy bảo sẽ lo cho bị cáo để bị cáo được về với bố mẹ, nhưng hơn 1 năm bị giam, bị cáo chưa được gặp bố mẹ lần nào. Bị cáo cũng chỉ mong anh Tường giữ lời với bị cáo thôi”.
10h15: "Có gì em cứ nhận tội đi, anh ở ngoài sẽ lo cho”
Luật sư Tuấn tiếp tục hỏi Khánh: “Sau khi bị giam, bị cáo có gặp anh Tường không? Tường có nói gì cho bị cáo không?”
Khánh nói: “Có gặp anh Tường, anh Tường nói, có gì thì cứ nhận đi, anh ở ngoài sẽ lo hết cho. Trong 1 lần gặp nhau ở trại giam số 3, anh Tường nhắc đi nhắc lại rằng, cứ khai rằng chị Hằng có khuyên can, nhưng anh vẫn làm. Nếu nhận tội, anh ở ngoài sẽ lo hết cho”.
Tuy nhiên, bị cáo Tường một lần nữa phản bác hoàn toàn lời khai của Khánh.
10h10: "Không ai nhận là chủ mưu ném xác chị Huyền"
Luật sư Tạ Anh Tuấn – người bào chữa cho bị cáo Đào Quang Khánh đề nghị được biết rõ quá tình phi tang xác chị Huyền, đồng thời xác định vai trò chủ mưu.
Khánh nói: “Chính anh Tường là người đề xuất “hay là đưa đi vứt?”, và bị cáo chỉ nghe theo thôi. Khi đó có chị Hằng – vợ anh Tường - đứng cách đó 3m, ngoài ra không có ai cả. Bị cáo có nói với anh Tường là mang đến cầu Vĩnh Tuy để vứt, nhưng anh Tường lắc đầu. Khi đến cầu Vĩnh Tuy, anh Tường không vứt vì đông quá, xong mới mang lên cầu Thanh Trì. Từ cầu Vĩnh Tuy, anh Tường là người đi trước. Khi đến đường Cổ Linh, anh Tường xi-nhan bên phải cho bị cáo, bị cáo đi về phía bên phải vào vỉa hè. Lúc để xe, anh Tường nói, em vứt xe máy ở đây, lên xe đi cùng anh, không anh đi 1 mình, anh chở, sợ quá”. Lúc đó chị Hằng cũng không nói gì”.
Luật sư Tuấn hỏi chị Hằng, trong quá trình đi ném xác chị có nói gì không?
Chị Hằng nói: “Tôi có khuyên can chồng tôi, bảo chồng tôi dừng lại. Khánh khai như thế thì có lúc Khánh đứng cạnh xe máy nên không để ý. Lần thứ 2 Khánh quay lại cho xe nằm nghiêng thì tôi lên xe ô tô trước và đã khuyên can chồng tôi. Tôi chỉ khuyên chồng không ném xác, chứ không khuyên can gì việc đừng để xe của chị Huyền ở vỉa hè”.
“Nếu chị phản ứng quyết liệt, phản đối bằng cách xuống xe, hoặc dùng lời lẽ nào đó để ngăn chặn, nếu chị quyết liệt thì sẽ không có chuyện 9 tháng mới tìm thấy xác chị Huyền. Tại sao lời nói của chị lại không đi đôi với hành động? – luật sư Tuấn đặt vấn đề.
Khánh khai thêm: “Lúc về anh Tường nói sẽ nâng lương lên gấp đôi cho bị cáo, còn chị Hằng nói, chuyện này chỉ có 3 người biết, không có người thứ 4”.
9h50: Chuyển sang phần thẩm vấn của VKS với các nhân chứng và bị cáo
VKS hỏi nhân chứng Mai: TMV chưa có văn bản quy định về việc quản lý tài sản của khách, chỉ thỏa thuận là khách hàng đến phòng nào thì nhân viên phòng đó chịu trách nhiệm quản lý?
Mai trả lời: Đúng như vậy.
VKS hỏi Hoa: Chị thấy chị Mai khai đúng không?
Hoa nói: Dạ đúng.
VKS hỏi: Vậy thì chị là người phải chịu trách nhiệm về tài sản của chị Huyền, đúng không?
Chị Hoa trả lời: Dạ đúng.
9h45:
Tiếp theo, Thẩm phán Lê Thị Hợp hỏi anh Huy: “Anh có nhớ hôm đi ra khỏi nhà chị Huyền mặc gì không?
Anh Huy trả lời: “Vợ tôi mặc quần đen, áo trắng họa tiết đen, đi giày cao khoảng 7 phân. Hôm có mặt ở bến đò Vân Đức, bản thân tôi không chắc chắn được đó có phải vợ tôi hay không nên gia đình tôi đã yêu cầu trưng cầu giám định”.
Về bồi thường thiệt hại, tòa hỏi, trong phần đó có 14 mục đã có hóa đơn, nhưng việc thuê thợ lặn thì ai thuê cho anh?
Anh Huy trình bày: “Trong gia đình còn rất nhiều họ hàng, chú bác của tôi. Gia đình chúng tôi chia ra từng nhóm để thuê thuyền và thợ lặn ở địa phương đó để thuê. Có những cái thiếu sót không thể lấy hóa đơn được, cũng không lấy giấy viết tay, vì có những người chúng tôi không thể liên hệ lại được vì người ta là dân sông nước”.
Anh Huy nói thêm: “Mọi người trong gia đình đều tự nguyện giúp đỡ, nhưng khi tự nguyện giúp đỡ đó, có những chi phí thì tôi phải đứng ra để đưa cho mọi người”.
HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Mạnh Tường: “Sau khi chị Huyền chết, cơ quan điều tra đã thu giữ gì của anh?” Tường trả lời: “Thu giữ xe ô tô, giấy tờ xe, chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh”.
HĐXX hỏi bị cáo Đào Quang Khánh: “Bị cáo bị thu gì, có biên bản không?" Khánh nói: “Bị cáo bị thu điện thoại Nokia, không có biên bản thu. Chỉ biết rằng khi bị bắt ở TMV, có 1 người đưa về lấy lời khai và không có biên bản thu”.
Anh Nguyễn Hữu Huy - chồng chị Huyền cho biết, theo tính toán, gia đình nạn nhân đòi bồi thường gần 1,4 tỷ đồng
9h40: "Tôi nghĩ chồng tôi là người quyết định vứt xác”
Luật sư Tưởng chuyển sang hỏi Nhân chứng Hằng – vợ bị cáo Tường. Khi được Luật sư hỏi, Hằng khai: “Tôi chỉ nghe thấy bàn vứt xác chị Huyền xuống sông nên tôi có can ngăn. Tôi nghĩ là chồng tôi là người quyết định vứt xác chị Huyền”.
Khánh khai thêm, trong quá trình đi xác thì bác sĩ Tường không hứa hẹn sẽ cho tiền bị cáo.
Luật sư Trưởng hỏi Thư, trong lần cấp cứu cuối cùng có tiêm cho chị Huyền không?
Thư khai do hoảng loạn nên không nhớ rõ.
Luật sư Trưởng hỏi bà Nguyễn Thị Hiền – mẹ chị Huyền, và anh Nguyễn Hữu Huy – chồng chị Huyền về tiền sử bệnh tật của chị Huyền, cả 2 đều khẳng định từ trước đến nay, chị Huyền hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bất cứ bệnh tật gì.
9h35: Có 2 vết mổ ở bụng, và 1 cái thảm che mặt chị Huyền”
Khi luật sư Tưởng hỏi Khánh chi tiết về lúc vứt xác chị Huyền, Khánh nói, khi bê xác trên cầu Thanh Trì có gió to, thổi tung áo chị Huyền nên bị cáo thấy có 2 vết mổ 2 bên thành bụng, không được băng lại. “Bị cáo cũng sợ quá không dám nhìn rõ, chỉ biết có 1 cái thảm phủ trên mặt chị Huyền” – Khánh khai.
Tường nói chen vào: “Làm gì có cái thảm nào trên mặt chị Huyền đâu”.
9h30: "Anh Tường đã tiến hành gập xác chị Huyền”
Công tiếp tục khai, anh Tường đã tiến hành gập xác chị Huyền. Một tay giữ cổ, một tay giữ chân để gập nhưng người chị Huyền đã lạnh cứng nên không gập được.
Khánh nói thêm, đúng như Công khai, anh Tường đã gập người chị Huyền lại nhưng do xác quá cứng và lạnh nên không gập được.
Tường phản bác: “Không đúng. Lúc bê xác lên, Khánh, Công, Long đứng đó nhưng không ai dám đứng ra trước cả nên bị cáo đã bê phần đầu. Xác cứng thì nó vẫn thế chứ làm sao mà bẻ gập được. Người đóng cửa xe thì chắc là Long, vì bị cáo ngồi trong xe thì đóng làm sao được”.
Luật sư hỏi Khánh và Công, cả 2 đều khẳng định Tường là người đóng cửa xe.
Tường nói: “Chắc chắn bị cáo không đóng cửa xe. Lời khai như thế là không đúng”.
Luật sư Trưởng nói: “Chị Huyền khi chết đã cứng rồi, nếu nằm thì dài hơn xe nên không thể đóng cửa xe được, chúng tôi đã thử và khẳng định như thế”.
Tường trình bày: “Xác cứng không giống như cái que, chân thừa ra 20cm thì vẫn có thể đóng cửa xe được”.
9h20: "Anh Tường đã lấy cửa xe để ép chân chị Huyền"
Luật sư hỏi: “Nếu muốn đem xác chị Huyền vào viện để thương lượng với gia đình thì tại sao không đưa luôn, phải lén lút nửa đêm?”
Bị cáo Tường nói: “Đi đêm cho mọi người đỡ nhìn, đỡ sợ, sợ mọi người biết chị Huyền chết ở TMV. Tâm lý khi đưa 1 cái xác đến là rất sợ rồi, mọi người xung quanh chắc sẽ tò mò. Bị cáo sợ mọi người hô hoán hay làm gì đó. Khi hoảng loạn, bị cáo không thể nghĩ được những điều tốt như thế”.
Tường nói, khi đưa xác ra xe thì không tác động gì đến xác chị Huyền. Trong khi đó, nhân chứng Công khai xác chị Huyền khi ấy đã cứng lạnh, nằm ngửa trên ghế sau của xe. “Do người chị Huyền không vừa chiều dài của xe nên anh Tường đã lấy cửa xe để ép chân chị Huyền” – Công khai.
9h15: “Bác sĩ Tường đổ hết lỗi cho nhân viên”
Sau khi phản bác lại lời Tường, Mai nói tiếp: “Em rất ngạc nhiên về anh Tường. Tại sao anh Tường lại đổ hết tội cho nhân viên và bảo vệ. Em đã giúp anh trong việc quản lý. Anh là người đứng đầu thì anh phải có trách nhiệm chứ”.
Tường quay lại và yêu cầu: “Những chứng cứ và lời nói hầu hết đều do Mai chỉ đạo. Bị cáo không hề biết gì, cứ đổ lỗi cho anh Tường thì chứng cứ đâu?” Tường còn khai thêm, bị cáo cũng không biết chỉ đạo đưa đi phi tang xác. Bị cáo chỉ muốn đưa xác chị Huyền vào viện để thông báo cho gia đình rồi thương lượng với gia đình mà thôi.
Luật sư hỏi tiếp Mai: “Nếu Mai là người có trách nhiệm, trong khi chị Huyền mất hết giấy tờ rồi thì định căn cứ vào cái gì để thương lượng với gia đình?”
Mai trả lời: “Tôi chỉ được anh Tường chỉ đạo là dọn đồ, còn đưa vào viện là do anh Tường, anh Tường bảo anh Tường sẽ có cách giải quyết”.
Tường giải thích: “Trong túi của chị Huyền có chứng minh thư và có địa chỉ. Đưa vào viện sau đó thương lượng với gia đình cũng được, còn việc tiêu hủy chứng cứ khác thì bị cáo không biết”.
9h00: "Tôi không hiểu vì sao anh Tường cứ nói không biết"
Luật sư Trưởng hỏi Tường, ai đã chỉ đạo thu dọn đồ đạc, ai đã chỉ đạo tháo camera? Tường trả lời: “Tôi không biết, tôi không chỉ đạo ai cả. Có lẽ là một số nhân viên đã tự động làm do quá hoảng sợ”.
Luật sư Trưởng chuyển sang hỏi nhân chứng Mai, Mai có chỉ đạo không? Mai nói: "Tôi không hiểu sao từ hôm qua, anh Tường cứ nói không biết. Đương nhiên, tôi có chỉ đạo nhân viên, nhưng đó là tôi nghe theo chỉ đạo của anh Tường”.
Vậy ai đã là người chỉ đạo phi tang các máy tính và dữ liệu trong máy tính? Mai trả lời: “Ném ở đâu thì tôi không biết, nhưng chỉ đạo thì là do anh Tường”.
Khi nghe Mai khai thế, Tường phản bác lại ngay: “Tôi không đồng tình. Khi tháo dỡ máy vi tính, bị cáo còn nói tại sao lại phải mang những thứ đó đi vì nó có liên quan gì đâu. Còn chuyện tháo ổ cứng, tháo camera và tiêu hủy nó đi thì bị cáo không chỉ đạo. Bị cáo làm sao mà chỉ đạo được. Ngày hôm sau bị cáo còn đi về quê”.
Luật sư nói: “Hai người đổ lỗi cho nhau, nhưng sự thật chỉ có một thôi. Vậy tại tòa hôm nay, bị cáo Tường và nhân chứng Mai hãy giải thích rõ về việc này”.
Tường trình bày: “Thưa HĐXX, bị cáo nói rồi, khi đang cấp cứu thì đã có hiện tượng chuyển đồ đi rồi. Những người chuyển đồ đi thì có cả em của Mai, mà em của Mai không phải là người của TMV thì bị cáo làm sao chỉ đạo được. Hơn nữa, khi tháo camera và ổ cứng thì bị cáo không được gặp nhân viên nào cả. Mai nói do anh Tường, nhưng Mai có tất cả các quyền quản lý nhân sự, quản lý kinh doanh, và quyền đó được nói, được chỉ đạo. Nếu tôi chỉ đạo tôi đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên của mình chứ không qua chị Mai. Lúc đó vất vả cấp cứu thì chỉ đạo làm sao được”.
Mai tiếp lời Tường và phản bác lại: “Tôi khẳng định không có chuyện đang cấp cứu mà nhân viên đã chuyển đồ đi. Có thể hỏi tất cả các nhân viên trong TMV. Tôi thừa nhận tôi có chỉ đạo nhân viên, nhưng đó là tôi cũng nghe theo chỉ đạo của bác sĩ Tường. Tôi là người làm thuê, tôi không có quyền lợi hay nghĩa vụ gì trong việc này, tôi không ngờ bác sĩ Tường trả lời như thế trong khi mà các nhân viên đã giúp bác sĩ Tường mà vô tình làm sai pháp luật”.
8h50: Đối với việc phi tang đồ đạc ở Trung tâm TMV Cát Tường, trả lời luật sư, bị cáo Tường bác bỏ và cho rằng, mình không chỉ đạo việc thu dọn đồ đạc để xóa chứng cứ. “Ai chỉ đạo việc này thì tôi không biết”.
Trả lời luật sư, chị Thúy Mai thắc mắc: “Không hiểu sao từ hôm qua đến nay, anh Tường đều chối việc chỉ đạo dọn dẹp đồ đạc. Anh Tường không chỉ đạo thì chúng tôi sao dám lấy đồ đạc mang đi phi tang”.
8h35: Luật sư Vũ Gia Trưởng tiếp tục thẩm vấn bị cáo Đào Quang Khánh về kế hoạch phi tang xác chị Lê Thị Thanh Huyền.
Tiếp tục trả lời luật sư về kế hoạch dàn dựng vụ tai nạn giao thông, Khánh khai, được chị Lê Thị Thúy Mai – PGĐ Trung tâm TMV Cát Tường và nhân viên Lan Anh thông báo.
Nói về cuộc họp ở tầng 2 của Trung tâm TMV Cát Tường bàn về kế hoạch phi tang xác, Khánh khai: thời điểm Khánh lên tầng 2 nhận chỉ thị thì đã có bị cáo Tường ngồi đó trước.
Tuy nhiên lời khai này của Khánh bị Tường bác bỏ tại tòa và cho rằng, thời điểm Tường vào phòng họp ở tầng 2 thì đã thấy Khánh ngồi sẵn ở đấy rồi.
Đối chất lời khai của hai bị cáo chị Thúy Mai nói rằng: Không có cuộc họp bàn, vì lúc đó mọi người rất hoảng loạn. Lúc đó, bị cáo Tường cứ đi lên đi xuống. Tại thời điểm này có xuất hiện 2 người lạ mặt. Theo chị Mai, đấy là 2 người bạn mà chị này nhờ để giúp đỡ.
8h30: HĐXX bắt đầu làm việc.
8h25: Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh được dẫn giải vào phòng xét xử.
Sáng nay (5/12), phiên tòa xét xử vụ án xảy ra ở Thẩm mỹ Viện Cát Tường tiếp tục ngày xét xử thứ hai.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Ngày mai (5/12), phiên tòa sẽ tiếp tục từ 8h sáng.
16h40: Trả lời truy vấn của luật sư Trưởng về hai vết rạch trên bụng của chị Huyền, bị cáo Tường khai: "Do thấy biểu hiện chướng bụng nên nhờ anh Thành rạch bụng của nạn nhân. Sau khi rạch thì thấy dịch chảy ra".
Tuy nhiên, đối chất với bác sĩ Thành, bác sĩ này khẳng định: “Sau khi sự việc xảy ra thì tôi đã ra về ngay sau đó thì làm sao tôi có thể rạch bụng nạn nhân được. Vài tiếng sau tôi mới quay lại TMV. Lúc đến đó tôi chỉ hỏi “ca vừa rồi đã xử lý như thế nào?". Tôi không đến để bàn bạc việc xử lý thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền. Tôi không được trả tiền để làm chuyện đó".
"Tôi đến chỉ để hỏi thăm tình hình của đồng nghiệp” - bác sĩ Thành cho biết.
16h20: Tiếp tục thẩm vấn tại tòa, luật sư Vũ Gia Trưởng truy vấn về biểu hiện của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền trong và sau phẫu thuật.
Ông Trưởng thực hiện đối chất tại tòa lời khai của bị cáo Tường và lời khai của các nhân viên TMV Cát Tường.
Trả lời hàng loạt câu hỏi của ông Trưởng, nhiều nhân viên của TMV Cát Tường cho biết nhiều lời khai không còn nhớ vì sự việc diễn ra quá lâu.
Xoay quanh biểu hiện của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, bị cáo Tường cho rằng, nạn nhân có biểu hiện của bệnh động kinh. Tuy nhiên khi tiêm thuốc an thần thi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường.
16h15: Luật sư Trưởng tiếp tục hỏi Tường
Khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường, cách giải quyết như thế nào? Tường nói đã tiêm thuốc đúng cách, triệu chứng của chị Huyền là triệu chứng bệnh động kinh. Tường cho rằng: "Chị Huyền có thể bị bệnh động kinh".
'Co giật, sùi bọt mép, giật mí mắt là biểu hiện của bệnh động kinh', Tường nói. Vì vậy Tường tiêm thuốc động kinh rồi đi.
Luật sư hỏi: Có phải vì nghĩ là động kinh nên tiêm thuốc xong là bỏ đi, không cần quan tâm nữa đúng không? Tường cho biết, đã dặn nhân viên theo dõi tình trạng bệnh nhân rồi mới đi.
16h00: Tiếp tục “xoáy” vào quy trình phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực của bị cáo Tường, luật sư Trưởng đặt vấn đề: "Vì sao trong quá trình hút mỡ bụng, bị cáo không sử dụng phương pháp ly tâm?".
Tường cho rằng: Việc sử dụng phương pháp ly tâm là phương pháp cũ. Hiện phương pháp mới không cần dùng đến biện pháp ly tâm.
Trả lời luật sư về biểu hiện của chị Huyền khi bắt đầu phẫu thuật thẩm mỹ, Tường nói: “Sau khi tiêm, chị Huyền có biểu hiện đau và đấy là biểu hiện bình thường”.
Ngay lập tức, luật sư Trưởng đối chất với nhân viên TMV Cát Tường về lời khai tại cơ quan điều tra về biểu hiện của chị Huyền thời điểm đó “mắt trợn ngược, chảy dãi đờm, sùi bọt mép”.
Nhân viên TMV Cát Tường cũng cho hay: Thời điểm phẫu thuật, chị Huyền có biểu hiện co giật chân, tay.
15h40: Luật sư Vũ Gia Trưởng tiếp tục quy kết rằng, việc pha chế thuốc một cách hỗn hợp từ các loại thuốc dẫn đến nạn nhân bị tai biến. Và đây là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền.
Đáp lại, Tường cho rằng công thức pha chế ở đây đã được một số nơi sử dụng. Còn việc tai biến do thuốc thì trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể xảy ra.
15h15: Sau khi thẩm vấn Phó Giám đốc trung tâm TMV Cát Tường - Lê Thị Thúy Mai về việc quảng bá thông tin hút mỡ, nâng ngực, luật sư Vũ Gia Trưởng – bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình bị hại “vặn” bị cáo Nguyễn Mạnh Tường: “Ở đây anh đừng có lý luận giữa phẫu thuật và thủ thuật. Hành vi của anh là hút mỡ, nâng vòng 1”.
Bị cáo Tường tiếp tục phản bác lại lý luận của luật sư: “Thưa HĐXX, ở đây cần phải làm rõ khái niệm thì mới có thể xem xét hành vi của bị cáo”.
14h50: Luật sư Nguyễn Anh Thơm quay sang thẩm vấn bị cáo Đào Quang Khánh về việc lấy chiếc điện thoại Iphone5 của nạn nhân.
Luật sư Thơm (ảnh: Khám phá)
Khánh khai: Lúc lấy điện thoại, mọi người đang tán loạn thu dọn đồ đạc trong phòng khám để tẩu tán. “Trong phòng lúc đó có rất nhiều người”, Khánh nói.
Nói về mục đích của việc giúp Tường vứt xác chị Huyền, Khánh tiếp tục khẳng định: “Đấy là lòng trung thành với sếp. Bị cáo không nghĩ nhiều hơn”.
Luật sư Tạ Anh Tuấn – bào chữa cho bị cáo Khánh, thẩm vấn nhân viên TMV Cát Tường về chiếc điện thoại Iphone5. Các nhân viên nói rằng: Việc quản lý đồ đạc của khách là theo thỏa thuận miệng, khách vào phòng nào thì người đó có trách nhiệm quản lý tài sản của khách.
14h45: Luật sư Nguyễn Anh Thơm tham gia thẩm vấn bị cáo Nguyễn Mạnh Tường về quy trình tiến hành phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực để làm rõ hành vi gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Tường vẫn cho rằng: “Bị cáo không dám khẳng định nạn nhân chết như thế nào? Bị cáo không biết có phải bị cáo là người gây ra cái chết cho chị Huyền hay không?”.
Tường cho rằng, việc truy tố tội danh của mình theo điều 242, Bộ luật Hình sự là không đúng. Bị cáo muốn làm rõ nguyên nhân cái chết của nạn nhân Huyền.
14h30: Tham gia xét hỏi, luật sư Chu Thị Trang Vân hỏi bị cáo Tường: "Hiện tượng co giật như y tá Thư (nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường - PV) nói là không đúng vì người này không tham gia quá trình phẫu thuật. Và không hiểu lý do gì mà chị này nói nạn nhân có biểu hiện co giật".
Trả lời luật sư Vân, bị cáo Tường cũng từ chối việc hứa hẹn tăng lương cho Khánh sau khi vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng.
Tiếp tục tham gia thẩm vấn nhân chứng của vụ án, luật sư Vân đặt câu hỏi với các nhân viên của TMV Cát Tường để làm rõ quy trình cấp cứu, quá trình biểu hiện trạng thái của nạn nhân Huyền sau khi tiêm thuốc.
14h20: Đại diện VKS cáo buộc: “Rõ ràng việc làm sai trái của bị cáo dẫn tới cái chết của chị Lê Thị Thanh Huyền”.
Bị cáo Tường phản bác lại quan điểm của đại diện VKS: "Hiện chưa làm rõ cái chết của chị Huyền thì làm sao có thể nói rằng bị cáo là người gây ra cái chết của nạn nhân. Việc chị Huyền tử vong tại Thẩm mỹ viện vẫn chưa được làm rõ. Khi bị cáo phẫu thuật xong thì chị Huyền vẫn còn sống. Khi bị cáo về thì chị Huyền đã chết rồi. Vậy đại diện VKS lấy cơ sở nào để quy kết bị cáo chính là người gây ra cái chết cho nạn nhân?".
Đại diện VKS khẳng định: "Dựa vào lời khai của nhân viên Thẩm mỹ viện Cát Tường, dựa vào tài liệu, chứng cứ thu thập được. Bị cáo đang quanh co chối tội”
14h15: Đối với công thức pha thuốc, Tường trả lời đại diện VKS rằng: Công thức pha chế thuốc là công thức chuẩn của Việt Nam.
Đại diện VKS cắt ngang: “Phải nói rõ với bị cáo rằng, công thức này Việt Nam chưa quy định và chưa cho phép thực hiện”.
Chuyển sang phương thức hút mỡ, bị cáo Tường thừa nhận không làm lắng mỡ qua máy ly tâm. “Trong công thức chung, hút mỡ không buộc phải dùng biện pháp ly tâm”, Tường nói.
Dẫn quy định của ngành y tế, đại diện VKS nói: “Bị cáo không sử dụng biện pháp lắng mỡ bằng ly tâm là sai quy trình”.
14h5: Trả lời câu hỏi của Kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn trong quá trình xét hỏi, bị cáo Tường thừa nhận những lời khai tại cơ quan điều tra là đúng. Đối với việc thành lập trung tâm thẩm mỹ chưa đầy đủ giấy tờ, thủ tục hành chính, Tường thừa nhận sai sót.
Đối với các thao tác tiến hành xét nghiệm, Tường cho hay: Việc tiến hành thủ tục để tiến hành phẫu thuật nâng ngực rất đơn giản. Bị cáo không thực hiện. “Chỉ cần kiểm tra máu chảy, máu đông. Trách nhiệm này của y tá. Việc kiểm tra phản ứng với thuốc kháng sinh cũng là trách nhiệm của họ”, Tường nói.
Sau khi y tá kiểm tra thì đến phần việc của Tường.
Nhìn nhận quá trình xét hỏi của bị cáo Tường, ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng: Từ sáng đến giờ bị cáo trả lời vòng vo. Bị cáo “cãi” HĐXX là việc nâng ngực, hút mỡ bụng chỉ là thủ thuật. “Thủ thuật là biện pháp đơn giản không nguy hiểm đến tính mạng. Bị cáo đã làm không đúng quy trình dẫn tới việc nạn nhân tử vong” - ông Đỗ Minh Tuấn nói.
Đại diện VKS tiếp tục thẩm vấn: "Việc phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực… phải thực hiện trong bệnh viện. Vì vậy, hành vi của bị cáo là trái với quy định của ngành y tế?".
Tường tiếp tục trả lời: Bị cáo chỉ làm thủ thuật hút mỡ bụng, chứ không làm phẫu thuật thẩm mỹ. Làm thủ thuật hút mỡ bụng là điều không cấm trong quy định của ngành y tế. Ngành y tế cũng không có quy định về làm thủ thuật hút mỡ bụng, nâng ngực”.
13h47: Tòa bắt đầu phiên làm việc buổi chiều. Cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục được HĐXX thẩm vấn.
Trả lời câu hỏi của HĐXX về phương pháp phẫu thuật, bị cáo Tường cho biết đâu là phương pháp lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. Đây là biện pháp mới.
Chủ tọa khẳng định: “Việc thực hiện phương pháp mới thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý ngành y tế. Rõ ràng trong việc này bị cáo có vi phạm”.
Đối với chứng chỉ hành nghề, Tường khai: Phẫu thuật tạo hình là ngành rộng, phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là ngạch nhỏ trong phẫu thuật tạo hình nên trong chứng chỉ hành nghề không cần phải khai về phẫu thuật thẩm mỹ.
Tòa quay sang hỏi gia đình nạn nhân về vấn đề bồi thường. Anh Nguyễn Hữu Huy – chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền nói: Tất cả các chi phí tổn thất về vật chất, tinh thần, quá trình tìm kiếm… đã được liệt kê, gia đình bị hại yêu cầu bồi thường gần 1,4 tỷ đồng. Hiện vợ của bị cáo Tường đã bồi thường cho gia đình 200 triệu đồng, và 50 triệu tiền đặt cọc phẫu thuật thẩm mỹ của chị Lê Thị Thanh Huyền.
Đối với vấn đề bồi thường, Tường đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tham gia thẩm vấn, Hội thẩm nhân dân truy xét vấn đề về việc tại sao bị cáo lại dùng 5 chai thuốc, thực hiện pha chế thuốc vượt quá tiêu chuẩn quốc tế hơn 1,5 lần.
Tường trả lời: “Chỗ này cơ quan điều tra không hiểu. Thực tế bị cáo chỉ dùng 3,5 chai. Việc sử dụng 3,5 chai là còn đề phòng trường hợp đổ vỡ”.
Đối với biểu hiện co giật của chị Huyền khi bị tiêm thuốc, Tường bác bỏ và cho rằng: “Chị Huyền không có biểu hiện co giật sau khi tiêm thuốc”.
11h20, kết thúc phiên tòa trong buổi sáng.
- Dự kiến 13h 30 phút, tòa tiếp tục
11h21
Vợ bị cáo Tường:
- Chị có đi theo xe ô tô của Tường không?
- Dạ, tôi có
- Chị đi đâu?
- Tôi ngồi trên xe cùng chồng tôi vứt xác chị Huyền.
- Biết chị Huyền chết rồi sao không báo công an?
- Lúc đó tôi rất hoảng sợ. Tôi có khuyên chồng tôi ra đầu thú nhưng chồng tôi không nghe
11h03
Chị Huyền đến mặc gì?
- Mặc màu đen
- Trước đó chị Huyền có đến không?
- Có ạ. Ngày 18/10
- Ngày 19/10, anh Tường nói với bị cáo những gì?
- Anh Tường nói đưa chị Huyền đi cấp cứu được không, bị cáo bảo là được
- Lúc đó bệnh nhân mất chưa?
- Dạ mất rồi
- Bị cáo nhắc lại lời Tường nói lúc đó như thế nào?
- Bây giờ anh nhờ em đưa xác chị sang kia cấp cứu (Bệnh viện Bưu Điện) ạ.
- Ai là người gợi ý?
- Tường nói với bị cáo
10h33
Sau nửa tiếng trả lời thẩm vấn, chủ tọa cho bị cáo Tường tạm ngồi xuống.
Sau bị cáo Tường, nhân viên Thẩm mỹ Cát Tường Nguyễn Thị Hoa đứng dậy trả lời.
- Ai là người phẫu thuật? - chủ tọa hỏi.
- Bác sĩ Tường - chị Hoa trả lời.
- Trong quá trình phẫu thuật chị Huyền có tỉnh không? - lời chủ tọa.
- Bình thường chưa tiêm thuốc tê thì tỉnh, sau đó là ngủ.
10h00
Người đầu tiên được tiến hành thẩm vấn là bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Khi chủ tọa hỏi bị cáo Tường về nội dung bản cáo trạng, bị cáo Tường mở lời đầu tiên là “Bị cáo xin lỗi gia đình nạn nhân”.
Chủ tọa Lê Thị Hợp buộc phải “nắn” Tường trả lời đúng chủ đề của câu hỏi. Tường nói rằng, bản cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về hoạt động kinh doanh. Tường khai rằng: Muốn đưa trung tâm vào hoạt động phải có đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận của Sở Y tế. Trong các thủ tục này, Tường thiếu giấy chứng nhận của Sở Y tế.
Dù chưa đầy đủ giấy phép nhưng Tường nghĩ rằng, trong quá trình hoạt động sẽ thực hiện hoàn thiện toàn bộ giấy tờ đăng ký hoạt động của Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường.
Tường khai, trước khi mở trung tâm đã có nghiên cứu Luật Khám chữa bệnh, quy định của Bộ Y tế. Đối với phẫu thuật tạo hình mà Tường đăng ký trong chứng chỉ hành nghề, Tường nói rằng, việc nâng ngực, hút mỡ là một thủ thuật trong phẫu thuật tạo hình. Tường cho rằng, việc nâng ngực hút mỡ không bị cấm.
Đối với trường hợp của chị Huyền, Tường nói rằng đã đích thân khám cho chị Huyền để biết tiền sử bệnh tật trước khi tiến hành nâng ngực, hút mỡ.
Đối với công thức pha chế thuốc tiêm cho chị Huyền, Tường nói là do mình hướng dẫn, còn ai là người pha chế, đến nay Tường vẫn không biết.
Tiếp tục trả lời chủ tọa, Tường nói rằng: Công thức được học từ giáo sư của Hàn Quốc. Đây là công thức mới được giới thiệu tại các hội thảo ở TP HCM và Thái Lan. Tường cũng thừa nhận, công thức này chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học chuyên ngành.
Chủ tọa hỏi Tường bản cáo trạng nêu hành vi của bị cáo là đúng hay sai?
+Tường: Đầu tiên cho phép bị cáo gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân…
-Chủ tọa: Xin lỗi để sau, bị cáo trả lời vào câu hỏi
+Cáo trạng có nhiều điểm không đúng
Chủ tọa hỏi Tường những thủ tục để xin cấp phép hoạt động Thẩm mỹ viện. Tường nói cần nhiều thủ tục.
Thủ tục hành chính phải có chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề của Sở Y tế, Chứng chỉ hành nghề. Tường khai bị cáo đang xin giấy phép hành nghề của Sở Y tế.
-Chủ tọa: Chưa đủ điều kiện vẫn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ có sai không?
+Trên giấy tờ chưa được phép, nhưng bị cáo nghĩ quá trình hoạt động có đủ điều kiện để làm thẩm mỹ.
Bị cáo khai đã có bằng thạc sỹ về ngoại khoa, y hoa, bằng sau đại học về phẫu thuật thẩm mỹ; hút mỡ chỉ là một thủ thuật, không phải là phẫu thuật và cho rằng hành vi của bị cáo không bị cấm.Tường khai: Thông thường các khách hàng đến phẫu thuật thẩm mỹ không có bệnh gì nên chỉ cần làm một số xét nghiệm kiểm tra máu đông.
-Hút mỡ nâng ngực có phải kiểm tra sức khỏe không?
+Không phải là phẫu thuật lớn, chỉ là một thủ thuật nên việc khám có thể qua kinh nghiệm của bác sỹ. Chính bị cáo đã khám và hỏi các tiền sử của chị Huyền.
-Công thức pha ai hướng dẫn?
+Bị cáo hướng dẫn các y tá làm.
-Các thuốc mua ở đâu?
+Bị cáo cho nhân viên đi mua ở các cửa hàng thuốc trước cổng Bệnh viện Bạch Mai.
-Công thức pha thuốc bị cáo lấy ở đâu?
+Công thức này bị cáo được học từ các giáo sư Hàn Quốc, mới du nhập vào VN.
-Đã được đưa vào giảng dạy ở các trường y của VN chưa?
+Chưa.
Tường khai sau 30 phút, chị Huyền có các biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép. Đây là các triệu chứng của bệnh lý động kinh. Bị cáo đã cho xử lý cắt cơn động kinh. Khi y tá gọi điện báo chị Huyền có các biểu hiện bất thường như tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, bị cáo chỉ đạo các y tá tiêm cho chị Huyền hai ống thuốc trợ tim và hai ống thuốc chống dị ứng đồng thời cho thở oxy.
-Lý do vì sao bị cáo không chuyển chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu?
+Bị cáo cũng chỉ đạo các y tá “đưa chị Huyền lên taxi đưa vào bệnh viện rồi anh về”.
-Tại sao không báo cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân.
+Sợ gia đình đến sẽ quấy nhiễu bệnh viện nên mới định đưa vào bệnh viện rồi dự định sẽ báo cho gia đình nạn nhân.
-Tại sao không đưa vào Bệnh viện Bạch Mai ngay gần đấy?
+Vì ở đó rất đông.
Tường khai là người lái xe ô tô chở xác chị Huyền đến Bệnh viện Bưu điện. Bị cáo đã đưa xác vào tận cổng. Ở đó cũng có rất nhiều người nên bị cáo quay ra, chờ vắng người. Đi lòng vòng chừng 12 phút quay lại vẫn thấy đông nên bị cáo lái xe đi tiếp.
-Đưa vào bệnh viện Bưu điện mục đích là đưa vào nhà xác hay đưa vào cấp cứu?
+Nạn nhân đã chết rồi không cứu được nữa nên mục đích là đưa vào nhà xác rồi gọi gia đình nạn nhân đến thương lượng.
-Vậy tại sao không làm vậy?
+Vì lúc đó bệnh viện đông quá. Bị cáo thì bối rối không nghĩ được gì.
-Ai là người quyết định vứt xác chị Huyền?
+Việc này không rõ ràng. Lúc trên xe Khánh cũng nói chuyện vứt xác nhưng bị cáo nói không được. Bị cáo lúc đó không nghĩ được gì cả. Lúc lái xe đi cũng không nghĩ là mang xác đi phi tang.
-Gợi ý vứt xác là do Khánh, quyết định do bị cáo?
+ Khánh là người nêu ra, bị cáo nghĩ Khánh có ý giúp mình, tốt với mình thôi. Lúc đó bị cáo hoảng loạn không nghĩ được gì cả.Đến đoạn cầu Vĩnh Tuy bị cáo mới quyết định sẽ phi tang xác.
Tường khai không đưa xác được vào bệnh viện nên không biết làm gì nên quyết định vứt xác vì “lúc đó quá hoảng sợ, thẩm mỹ vừa mở ra đã làm chết người”.
-Tại sao không nhờ vợ mà nhờ Khánh giúp?
+Vì vợ lúc đó quá hoảng sợ, ngồi co rúm trong xe.
09h55: VKS kết thúc phần công bố phần cáo trạng, tòa bắt đầu bước vào phần thẩm vấn.
9h50: Từ hành vi phạm tội nêu trong 15 trang cáo trạng, Viện Kiểm sát (VKS) quyết định truy tố trước tòa: Nguyễn Mạnh Tường đã phạm tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" và phạm tội "Xâm phạm thi thể". Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3, điều 242 và khoản 2 điều 246 Bộ luật Hình sự.
Đào Quang Khánh phạm tội "Trộm cắp tài sản" và tội "Xâm phạm thi thể". Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1, điều 138 và khoản 2, điều 246 Bộ luật Hình sự.
9h45: Về phần dân sự, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền kê khai chi phí cho việc tìm kiếm thi thể nạn nhân hết số tiền gần 640 triệu đồng bao gồm tiền thuê thuyền, thuê thợ lặn, thuê xe ô tô vận chuyển, chi nhân công tìm kiếm, chi phí tang lễ…
Vợ của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường mới bồi thường tổn thất về vật chất tìm kiếm thi thể và tổn thất tinh thần là 250 triệu đồng.
Ngoài ra, anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền) yêu cầu bồi thường tiếp về tổn thất và vật chất 161 triệu đồng.
9h30: Cáo trạng cũng nêu lên hành vi của một số người liên quan.
Đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hằng – vợ của cựu bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Chị Hằng biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi vứt xuông sông Hồng. Chị Hằng đã nhiều lần can ngăn. Sau khi hai bị cáo vứt xác nạn nhân, chị Hằng cũng không đến cơ quan chức năng để tố giác tội phạm. Tuy nhiên, theo điều 314 Bộ luật Hình sự, hành vi của chị Hằng không cấu thành tội. Cơ quan điều tra quyết định xử lý hành chính.
Đối với Nguyễn Trường Giang – bạn của Đào Quang Khánh - có hành vi cất giữ hộ chiếc điện thoại Iphone5 mà bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường trộm cắp. Tuy nhiên khi cất giữ, Giang không biết tài sản trộm cắp, đồng thời Giang cũng đã giao nộp lại cho cơ quan điều tra nên không bị đề cập, xử lý hình sự.
Ngoài ra, một số nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường biết việc Nguyễn Mạnh Tường thực hiện hút mỡ bụng và nâng ngực cho chị Huyền tại Thẩm mỹ viện Cát Tường gây hậu quả chị Huyền tử vong nhưng các đối tượng này không tố giác với cơ quan công an. Tuy nhiên, hành vi trên của các đối tượng này không cấu thành tội. Cơ quan điều tra quyết định xử phạt hành chính.
Đối với bác sĩ Nguyễn Quang Thành – bác sĩ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai được Tường gọi đến thẩm mỹ viện để giúp cấp cứu chị Huyền, nhưng nạn nhân đã tử vong. Sau khi chị Huyền tử vong, bác sĩ Thành không tố cáo với cơ quan chức năng. Tuy nhiên hành vi của bác sĩ Thành không cấu thành tội. Cơ quan điều tra không đề cập, xử lý là có căn cứ.
9h19:
Luật sư Vũ Gia Trưởng và Phạm Hương Giang (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong phiên tòa hôm nay, các luật sư sẽ làm rõ nhiều tình tiết bất ngờ chưa từng công bố trong vụ án.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, một trong 2 luật sư bảo vệ cho bị cáo Khánh cũng đã có những lời chia sẻ, động viên với chồng và bố mẹ đẻ chị Huyền trước giờ diễn ra phiên tòa.
Bà Nguyễn Thị Yến, mẹ bị cáo Khánh cho biết, sáng nay, hai vợ chồng bà đã đến tòa từ rất sớm nhưng đến gần giờ xử ông bà mới vào.
"Khánh còn quá nhỏ tuổi, không hiểu biết, lại chỉ là nhân viên đi làm thuê nên mới bị Tường xúi giục làm những chuyện đau lòng đến vậy.
Tôi sinh con tôi ra nên tôi biết rõ điều đó. Chúng tôi chỉ mong tòa xử đúng người, đúng tội", bà Yến nói.
9h12: Tòa bắt đầu phần xét hỏi. Mở đầu phần xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng truy tố trước tòa hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh.
Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng truy tố trước tòa
Theo kết luận của cáo trạng: Tháng 5/2013, Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ khoa Ngoại, bệnh viện Bạch Mai mở Thẩm mỹ viện Cát Tường tại số 45, đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để hoạt động hút mỡ, nâng ngực làm đẹp cho phụ nữ.
Mặc dù chưa được phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội, nhưng Tường vẫn tiến hành hoạt động thẩm mỹ.
Khoảng 11h ngày 19/10/2013, Tường tiến hành hút mỡ bụng rồi tiêm mỡ vào hai bầu vú để nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền dẫn đến hậu quả chị Huyền bị tử vong.
Sau khi chị Huyền tử vong, Đào Quang Khánh đã lợi dụng lúc Bùi Thị Hoa (nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường) - người quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài, để lấy trộm chiếc điện thoại Iphone5 của nạn nhân trị giá 12 triệu đồng.
Khoảng 23h30 ngày 19/10/2013, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh khiêng xác chị Huyền ra xe ô tô của Tường để chở đến Bệnh viện Bưu Điện.
Khi đến cổng bệnh viện, Tường thấy có nhiều người và xác chị Huyền bị cứng nên Khánh và Tường bàn nhau mang xác chị Huyền phi tang xuống sông Hồng.
Cơ quan giữ quyền công tố tại tòa xác định: Nguyễn Mạnh Tường mở Thẩm mỹ viện Cát Tường, hoạt động hút mỡ, nâng ngực, làm đẹp cho phụ nữ khi chưa được phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội, đã vi phạm khoản 3, điều 6, Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, hành vi của Tường vi phạm Thông tư số 41 ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hậu quả là đã gây nên cái chết đối với chị Lê Thị Thanh Huyền.
Sau khi chị Huyền tử vong, Tường và Khánh không đưa xác vào bệnh viện, không thông báo cho gia đình nạn nhân mà vứt xác chị Huyền xuống sông để trốn tránh trách nhiệm, che giấu hành vi phạm tội.
Hành vi phạm tội của Tường và Khánh đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với xã hội và gia đình nạn nhân, gây phẫn nộ trong dư luận nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh người thầy thuốc và uy tín của ngành y; gây tổn thất, thiệt hại to lớn về tinh thần và vật chất đối với gia đình nạn nhân và cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra vụ án, tìm kiếm thi thể nạn nhân.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, nhằm răn đe, giáo dục chung.
9h03: Trong quá trình kiểm tra căn cước tại phiên tòa đang diễn ra thì ông Hoàng Minh Hiển - Đại diện Sở Y tế Hà Nội, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế Hà Nội – đại diện của ngành y tế Hà Nội) bất ngờ xuất hiện tại phòng xét xử. Lý do chậm có mặt tại phiên tòa của đại diện Sở Y tế là “quên” không đem giấy giới thiệu, chỉ mang theo giấy mời.
Theo thông báo của thư ký phiên tòa, đại diện Sở Y tế Hà Nội không có mặt tại phiên tòa sáng 4/12. Sở Y tế Hà Nội là đơn vị mà cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị làm rõ quy trình khám chữa bệnh phẫu thuật thẫm mỹ tại Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường.
8h55: Tòa bắt đầu kiểm tra căn cước hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh; Kiểm tra căn cước của những người tham gia tranh tụng; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đại diện của gia đình bị hại…Hai bị cáo Tường và Khánh tại phiên tòa sáng 4/12
8h45: Tòa bắt đầu làm việc. Chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp bắt đầu đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
(Ảnh Anninhthudo.vn)
8h40: Xe thùng chở hai bị cáo Tường và Khánh được đưa đến phiên tòa. Hai bị cáo nhanh chóng được đưa lên phòng xét xử.
8h: Tòa bắt đầu làm thủ tục dự tòa.
7h45: Gia đình bị hại đã có mặt.
7h40: Người nhà bị cáo đầu tiên có mặt tại tòa là bà Nguyễn Thị Nguyệt - dì của bị cáo Đào Quang Khánh. Trả lời báo chí, bà Nguyệt mong tòa xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - dì của bị cáo Đào Quang Khánh
Bà Nguyệt cho rằng: "Khánh nó có biết gì đâu, nó chỉ là bảo vệ trông xe mà bảo nó xui khiến việc vứt xác. Nó còn quá trẻ con, chưa đủ nhận thức". Bà Nguyệt cũng cho biết, từ ngày Khánh bị tạm giam, mẹ Khánh buồn phiền đau ốm liên miên.
7h30: Tòa vẫn chưa làm thủ tục dự tọa. Xe dẫn giải hai bị cáo vẫn chưa đến tòa.
Luật sư Vũ Gia Trưởng (áo đen) có mặt từ rất sớm
6h30: Hàng chục phóng viên tập trung trước trụ sở Tòa án Hà Nội để bắt đầu đưa tin về phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường. Trong những người tham gia tranh tụng tại tòa, luật sư Vũ Gia Trưởng có mặt từ rất sớm.
Phiên tòa đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trước đó, có tới hàng trăm báo đài trung ương và địa phương đăng ký tham dự phiên tòa này. Dự kiến, 8h sáng phiên tòa mới bắt đầu, nhưng từ 6h30 sáng nay, đã có nhiều phóng viên đứng chờ sẵn để tác nghiệp.
Nguyễn Mạnh Tường bị truy tố về tội “vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Khánh bị truy tố tội "xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" và "trộm cắp tài sản".
Hôm nay, bà Hiền - mẹ nạn nhân đến tòa với vẻ mặt tươi hơn trước. Từ ngày tìm thấy xác con, bà đã bớt đau khổ, dằn vặt.
Luật sư Phạm Hương Giang bảo vệ bị hại
Trước đó, ngày 14/4, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Tuy nhiên phiên tòa phải dừng lại giữa chừng vì có một số vấn đề chuyên môn mà hội đồng xét xử không thể quyết định được. Tòa đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung.
Khi kết luận điều tra bổ sung lần 1 được công bố, gia đình bị hại cũng như luật sư đã gửi đơn dài 30 trang bày tỏ sự không đồng tình với nội dung đó. Theo luật sư và gia đình bị hại, cơ quan điều tra phải đề nghị truy tố bác sỹ Tường về tội "Giết người". Sau đó, VKS đã trả lại hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung.
Trong khi cơ quan cảnh sát đang tiếp tục điều tra thì thi thể của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền được tìm thấy. Nhiều người cho rằng, điều này có thể làm thay đổi nhiều trong nội dung vụ án.
Tuy nhiên, sau qua quá trình khám nghiệm, cơ quan điều tra vẫn không tìm ra cơ sở để xác định nguyên nhân chết của chị Lê Thị Thanh Huyền. Vì vậy, về cơ bản nội dung vụ án vẫn được giữ nguyên như trước.
Theo nội dung vụ án, trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Thẩm mỹ viện Cát Tường làm phẫu thuật nâng ngực. Sau khi phẫu thuật xong, Tường để chị Huyền nằm nghỉ rồi cùng bạn đến chùa Quán Sứ (Hà Nội) đi lễ.
Gần 18h cùng ngày, nhân viên của thẩm mỹ viện gọi điện báo cho Tường, chị Huyền có biểu hiện nguy cấp. Tường gọi điện cho ông Nguyễn Quang Thành, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (cùng khoa với Tường) đến thẩm mỹ viện Cát Tường để cấp cứu chị Huyền. Tường cùng ông Thành cấp cứu cho chị Huyền nhưng đã không thành công.
Đào Quang Khánh đã lợi dụng sơ hở, lấy trộm chiếc điện thoại iPhone 5 để trong túi xách bên cạnh xác của chị Huyền (nạn nhân của vụ án) trị giá 12.000.000 đồng.
Khoảng 23h30 cùng ngày, Tường và một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ô tô đến Bệnh viện Bưu Điện. Khánh cầm túi xách và đi xe máy của chị Huyền theo xe ô tô. Đến cổng bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người nên sợ không dám vào.
Khánh nói với Tường, không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông. Tường đồng ý và lái xe ô tô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy chở vợ Tường theo sau.
Các đối tượng đi theo đường Trần Khát Chân – Kim Ngưu – Lạc Trung – Minh Khai – cầu Vĩnh Tuy đến đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên (Hà Nội) thì dừng lại. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền lại vỉa hè rồi cùng Hằng lên ô tô. Tường tiếp tục lái xe đi ra quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì. Thấy không có người qua lại, Tường và Khánh khiêng xác chị Huyền thả xuống sông Hồng. Rồi cả 3 cùng đi về nhà.