"Chưa trình" không có nghĩa là không tăng
Hôm 11/5, nhiều kênh thông tin bắt đầu loan truyền về 3 phương án giá điện mà "EVN đang tính toán", cụ thể giá điện sẽ tăng trên dưới 5%, phương án thứ hai tăng khoảng 10% và phương án còn lại nằm ở mức 5% đến 10%. Thông tin này được một số kênh truyền thông dẫn nguồn từ cuộc trao đổi bên lề với báo chí tại Bộ Tài chính về vấn đề xăng dầu.
Tuy nhiên, hôm 15/5, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên, đồng thời nhấn mạnh, EVN chưa trình phương án giá điện nào tới Bộ Tài chính và có thể, sẽ điều tra xem kênh nào đã tung tin như vậy.
Tiếp đó, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá cũng bất bình không kém về nguồn tin này. Ông khẳng định: "Tôi đã nói rất rõ ràng với báo chí là chúng tôi chưa nhận được phương án giá điện nào của EVN".
Liên quan vấn đề giá thành điện, ông Thỏa xác nhận, tính tới tháng 5, các yếu tố đầu vào của giá điện đều đã có biến động, làm giá thành sản xuất điện tăng khoảng 3,29%, tương đương 42,85 đồng/kWh. Trong đó, tỷ giá tăng khoảng 0,6%, giá nhiên liệu khí tăng 10,4%, dầu madut tăng hơn 40%, riêng nhiên liệu than giảm 0,3%.
Trên thực tế, giá điện bị đồn đoán sắp phải tăng như mấy ngày qua cũng đã trở thành chuyện cũ nói lại, lâu lâu lại dấy lên một đợt gây ồn ào dư luận rồi lại chìm xuồng sau một vài tuyên bố của chính EVN.
Đơn cử như cuối năm 2011, tại cuộc họp báo công bố giá thành điện ngày 19/11 của Bộ Công Thương, các câu hỏi về giá điện có tăng hay không đã bị từ chối khéo. Lãnh đạo Bộ Công Thương khi đó bày tỏ, đây là chuyện Chính phủ quyết, Bộ không thể công bố gì lúc này và khi nào tăng thì biết thôi. Đây là giai đoạn mà cơ chế điều chỉnh giá điện tự động theo 3 thông số đầu vào bắt đầu được áp dụng.
Tròn 1 tháng sau đó, ngày 19/12/2011, đột ngột, bất ngờ, EVN gửi thông cáo tăng 5% giá điện bình quân, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.304 đồng/kWh.
Đầu tháng 3/2012, dư luận lại xôn xao "EVN đang tính tăng giá điện" trích dẫn từ một cuộc hội thảo kinh tế trong Nam. "Vô tình hay hữu ý", ngày 14/3, Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính mở hội thảo về quản lý điều hành giá điện ở Việt Nam. Ngay lập tức, sự kiện này được nhìn nhận như một động thái lobby dư luận chuẩn bị cho việc tăng giá điện. Và chỉ 2 ngày sau, 16/3, EVN lại ra thông cáo dẹp loạn thông tin với lời khẳng định chắc nịch "chưa hề có đề xuất tăng giá điện".
Lần này, câu chuyện loạn thông tin giá điện cũng diễn biến tương tự như vậy. Nhưng tâm lý e sợ, lo lắng giá điện tăng vẫn cứ hiện hữu trong nhân dân. Bởi thế, dù EVN chưa trình phương án điều chỉnh giá điện nào tới Liên bộ Tài chính - Công Thương thì điều này đâu có nghĩa rằng, giá điện trong 7 tháng nữa của năm 2012 sẽ không một lần tăng?
Lỗ ngàn tỷ đồng sẽ phân bổ vào giá điện
Thấp thỏm lo giá điện tăng! Vì rằng, ba lý do cơ bản đã được xác nhận: Một là giá thành điện năm 2012 đã tăng tới 3,29%, hai là có hàng chục nghìn tỷ đồng lỗ, chi phí phát sinh còn treo lại của năm 2010 chưa được phân bổ vào hai đợt tăng giá điện ở năm 2011, ba là thời gian kể từ khi tăng giá điện lần gần đây nhất tới nay đã qua 5 tháng, thừa 2 tháng so với giới hạn cách nhau tối thiểu 3 tháng giữa hai lần điều chỉnh giá điện.
Quyết định 24 của Thủ tướng đã cho phép EVN được quyền điều chỉnh giá trong phạm vi 5% mà chỉ cần thông báo tới Liên Bộ Tài chính - Công Thương. Nếu tăng trên 5%, EVN mới phải báo cáo Bộ Tài chính thẩm định và quyền quyết định thuộc cấp Thủ tướng.
Vì thế, giả sử có chuyện EVN đang tính toán tăng giá điện cũng là lẽ thường.
Tuy nhiên, nguyên tắc điều chỉnh giá điện tưởng chừng rất tường minh nhưng thực tế, dư luận vẫn bức xúc vì bản chất, cơ chế giá điện vẫn còn tù mù, thiếu minh bạch.
EVN và các cơ quan quản lý thường kín tiếng quá mức về giá điện khi mà tương lai "sẽ phải tăng" đã được tái khẳng định nhiều lần.
Đơn cử như, ngày 25/11/2011, Bộ Tài chính đã công khai cho biết, giá bán điện năm 2012 sẽ phải tăng trên 10% nhưng không tăng quá mức 15,28% của lần điều chỉnh hồi tháng 3/2011. Trong đó, giá điện sẽ được phân bổ một phần các khoản chi phí như số lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 do phát điện giá cao, chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2010, chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn từ 2010 trở về trước,..
Điều chưa rõ ràng ở đây là con số cuối cùng cho chi phí còn treo lại phải đưa vào giá điện là bao nhiêu? Năm 2012 và các năm sau đó, lộ trình các khoản này sẽ được tính vào giá điện ở mức bao nhiêu?
Thống kê lại thì thấy, các con số này rất khổng lồ. Đầu tiên, theo Kiểm toán Nhà nước, có tới 12.306 tỷ đồng chi phí treo lại của năm 2010 chưa được tính vào đợt tăng giá điện tới 15,28% ngày 1/3/ 2011. Nếu để bù đắp đủ chi phí này thì giá điện 2011 khi đó sẽ phải tăng thêm khoảng 143,63 đồng/kWh.
Công bố giá thành điện năm 2010 của EVN, Bộ Công Thương cho biết thêm, Tập đoàn còn bị treo cả khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tới 15.463 tỷ đồng. Đây cũng là năm EVN chịu lỗ kinh doanh điện lớn nhất lên tới 10.162 tỷ đồng.
Kế đến, Tập đoàn Than Khoáng sản chia sẻ, giá than bán cho điện mới chỉ bằng 50-60% giá thành và tương lai, sẽ phải tăng để bù đắp chi phí theo nguyên tắc thị trường hóa. Nếu tăng đủ, giá điện 2012 sẽ gánh thêm 8.500 tỷ đồng tiền mua than.
Sau tất cả các thông tin trên, giá điện mới chỉ tăng thêm 5% từ ngày 20/12/2011, lãnh đạo EVN cho biết chỉ ước thu thêm được 6.000 tỷ đồng.
Nếu áp dụng nguyên tắc không tăng quá mức 15,28% thì EVN hiện đang có dư địa tăng thêm 10,28% so với giá điện bình quân thực hiện năm 2011. Người dân đồn đoán tăng giá điện là hoàn toàn dễ hiểu.
Câu chuyện giá điện giờ đây còn khúc mắc thêm ở chỗ, không phải bây giờ thì khi nào thì EVN sẽ trình việc tăng giá điện? Thủ tướng sẽ quyết định khi nào giá điện tăng tiếp và tăng ở mức nào?
Thực tế, người ta có thể hiểu, khi rò rỉ thông tin tăng giá xăng dầu, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp đầu mối e sợ đầu cơ, găm hàng, ảnh hưởng tới lưu thông nên cố giữ kín thông tin tới phút chót. Nhưng với giá điện, nếu có công khai trước kế hoạch tăng thì các công ty điện lực cũng không thể... đầu cơ, găm hàng. Có chăng, tác động thiết thực nhất là cộng đồng doanh nghiệp có thêm thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, người dân bớt đi đồn đoán, lo âu. Phải chăng, sự lo ngại xáo trộn tâm lý tiêu dùng làm ảnh hưởng tới công tác điều hành kinh tế vĩ mô dường như là hơi thái quá so với thực tế có thể diễn ra?