Các nhà phân tích quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng, loại tên lửa này dường như mới hơn và có kích cỡ lớn hơn loại tên lửa đã được trưng bày trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích chưa thể nhận định chính xác đây có phải tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà Triều Tiên được cho là đang phát triển trong thời gian qua hay không. Giới chức quân sự chưa xác định được thiết kế chính xác của tên lửa.
Tên lửa mới của Triều Tiên.
Chuyên gia quân sự Nhật Bản Isaku Okabe nhận định: “Tên lửa này trông giống như một mô hình thử nghiệm của loại tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM”. Còn theo nhà khoa học tên lửa Hàn Quốc Sohn Young-hwan thuộc Viện Phân tích công nghệ và quản lý Seoul, tên lửa này có thể là tên lửa đạn đạo tầm trung, không phải ICBM. Tuy nhiên, chuyên viên Nick Hansen của Trung tâm Hợp tác và an ninh quốc tế tại Đại học Standord (Mỹ) phân tích rằng, việc Triều Tiên có ý định phát triển tên lửa lớn hơn là hoàn toàn có cơ sở.
Việc Triều Tiên trình diện loại tên lửa mới càng đẩy cao nghi ngờ về việc nước này đang phát triển loại tên lửa lớn hơn và mạnh hơn tên lửa Unha-3, vốn bị phóng hỏng vào tuần qua. Loại tên lửa này được đồn có lực đẩy mạnh với tầm xa tối đa lên tới hơn 10.000km, nên có thể vươn tới lục địa của Mỹ.
Ngày 14/4, Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe bày tỏ quan ngại rằng Triều Tiên có thể sẽ sớm tiến hành vụ thử hạt nhân mới sau thất bại vừa rồi. Ngày 15/4, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á Kurt Campbell tới Nhật Bản để tìm kiếm sự đồng thuận trong việc ngăn chặn “các hành động khiêu khích tiếp theo” của Triều Tiên. Ông Campbell sẽ tới Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ với sứ mệnh tương tự. Liên Hợp Quốc tuyên bố hành động phóng tên lửa trên của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và cho biết “sẽ tiếp tục tham vấn về một phản ứng phù hợp” đối với Triều Tiên trong thời gian tới.