Trẻ nông thôn giết người, cướp của vì “thế giới ảo”

Hiện nay, công tác phổ cập giáo dục và phổ biến kiến thức xã hội đã được cải thiện rất nhiều.

Nông thôn Việt Nam vì thế cũng có những thay đổi mới. Hội nhập là xu thế chung của xã hội, thế nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc nhiều tệ nạn sẽ theo đó mà xâm nhập.

Giết người, cướp của vì game

Có một thực tế rằng, khi kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa ồ ạt tiến về nông thôn thì không ít một bộ phận lao động trẻ đứng trên bờ thất nghiệp. Phần lớn họ phải loay hoay tìm hướng đi cho mình sau khi rời khỏi cái cày, con trâu. Cũng có một bộ phận trong giới trẻ tìm đường ra thành phố để kiếm tìm cơ hội nhưng vì không được đào tạo bài bản, không trình độ dẫn đến không có nghề nghiệp ổn định, họ lại phải sớm quay về nơi xuất phát. Nhàn cư vi bất thiện, thói ăn chơi, đàn đúm cũng bắt đầu nảy sinh. Rất nhiều tội lỗi, rất nhiều đứa trẻ trở nên hư hỏng và đã tự khép cánh cửa cuộc đời mình từ những vốn sống lệch lạc hấp thụ qua những ngày tháng lông bông đó.

Trong khoảng mười năm trở lại đây, internet đã có sự phát triển mang tính bùng nổ, tạo nên một "thế giới ảo" từ khắp thành thị đến nông thôn mà đối với không ít người, thế giới đó đã trở thành một nhu cầu thực. Nhưng, xét từ những hệ lụy mà internet đưa tới, người ta không còn coi đó chỉ là "thế giới ảo". Bởi, thời gian gần đây, có quá nhiều vụ án mà thủ phạm là những thanh thiếu niên nông thôn tuổi đời còn rất trẻ, chúng nghiện game, nghiện chát chít rồi một lúc nào đó “nổi hứng” lao đầu vào tội ác.

Chỉ cần dạo qua vài vòng các hàng game, quán net ở các khu đông dân cư, gần trường học mới thấy sức hút ma mị của internet nó lớn đến nhường nào. Gần như quán nào cũng chật cứng những “con nghiện” sẵn sàng ăn, ngủ, nghỉ cùng các nhân vật trong game. Những hình tượng anh hùng, những nhân vật trong cái “thế giới ảo diệu” đó đã nghiền những học trò ngoan ngoãn chăm chỉ thành những kẻ “người không ra người, ngợm không ra ngợm”, quần áo tóc tai bù xù, xộc xệch, chơi quên ngày quên tháng.

Và tất cả các con nghiện dù cổ điển hay hiện đại, dù nghiện độc dược, cờ bạc hay internet với những trò chơi siêu tốc ảo thì đều đứng bên bờ vực của sự vong thân. Bởi vì khi đã miên man rơi vào chứng nghiện ngập, con người chỉ còn lại nhu cầu thúc bách của cơn say bản năng, người ta sẽ dám làm tất cả những gì có thể, thậm chí là gây tội ác.

Cách đây ít lâu, TAND TP Hà Nội đưa một vụ án giết người, cướp của mà thủ phạm toàn là những “game thủ” đích thực ra xét xử. Chỉ vì mê game mà Ngô Đăng Thức (30/12/1996) và Nguyễn  Quang Huỳnh (2/7/1994), cùng ở Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội, đã ăn cắp tiền của bà nội rồi “chuyển nhà ra quán net”. Sau khi hết tiền, chúng đến thuê phòng tại nhà nghỉ Quốc Triệu 2 để tính đường đi cướp. Thấy bà Đặng Thị Thân (SN 1960), người trông coi nhà nghỉ, chỉ ở có một mình, bọn chúng đã xuống tay một cách dã man, tàn độc. Khi phạm tội, Ngô Đăng Thức mới vừa qua tuổi 15, còn Huỳnh mới gần 18. Nhìn hai gương mặt còn búng sữa đứng run lẩy bẩy trước vành móng ngựa, ít ai nghĩ rằng chúng có thể phạm tội tày trời như thế.

Hoặc như trước đó vài ngày, cũng một đệ tử của “game online” phải hầu tòa và lĩnh án tử hình, đó là Lưu Văn Thắng (SN 1986), kẻ đã cầm dao hạ sát chính bố mẹ đẻ của mình chỉ vì không cho hắn tiền chơi game.

Đốt đời trong “nét”

Điều dễ dàng nhận thấy là thời gian gần đây, những vụ án có liên quan đến các đối tượng thanh thiếu niên nông thôn ngày càng nhiều, quy mô và mức độ cũng tăng dần. Có những đứa trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà đã liều lĩnh ôm cả kilogam mìn đi cướp tiệm vàng, gây thương vong cho gần hai mươi người, ra tòa nó vẫn áo quần đồng phục, cặp mắt ngáo ngơ. Có đứa mới học lớp 9 đã biết lập mưu hèn kế bẩn, lừa bạn gái ra chỗ đồng không mông quạnh tâm tình rồi ra tay sát hại chỉ để lấy vài chục ngàn trả tiền “nợ nét”…

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có một điểm chung đấy là gia đình của các đối tượng trong các vụ án này đã quá xem nhẹ việc quan tâm, giáo dục con em mình. Trong mắt các bậc phu huynh, họ chưa bao giờ nghĩ rằng đứa con của mình lại trở thành tội phạm. Bởi đối với họ, chúng vẫn luôn là những đứa trẻ, vẫn luôn luôn bị kêu ca vì thói lười biếng, trây ỳ… Chỉ đến khi con dại đứng trước vành móng ngựa, đón nhận bản án nghiêm minh của pháp luật, họ mới nhận ra những lỗ hổng trong cách quản lý ruột rà máu mủ của mình.

Ngay như trong vụ án Ngô Đăng Thức giết người, cướp của nêu trên, mẹ của Thức khi nghe chính miệng con mình khai trước cơ quan điều tra, khai trước tòa, bà vẫn không dám tin đó là sự thật. Bởi trong mắt của người mẹ quê mùa, lam lũ ấy thì đối với bà, thằng Thức vẫn còn “ngây thơ, trong trắng” lắm, vẫn còn “không dám cầm dao cắt tiết một con gà, chắc ma xui, quỷ khiến thế nào nó mới đi giết người, cướp của?!”.

 “Thế giới ảo” luôn hấp dẫn giới trẻ

Không chỉ các nam thanh niên nông thôn phạm tội vì trót quay cuồng trong “thế giới ảo”, mà điều đáng lo ngại là số vụ án nghiêm trọng do thủ phạm là các thôn nữ cũng ngày càng nhiều. Nếu chỉ cách đây vài năm, nữ sinh nông thôn còn được nhắc đến với vẻ ngoan ngoãn, hiền lành, chất phác thì giờ đây trên mạng nhan nhản những video clip các “liễu yếu đào tơ” “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bạn của mình. Thậm chí, mức độ hung hãn và cách hành xử kiểu “giang hồ”, băng nhóm “xã hội đen” chả khác gì phim hành động.

Thế cho nên mới có chuyện một nữ sinh Lê Thị Hà Trang, tuổi mới 15 ở Mỹ Đức, Hà Nội cầm dao loạn đả với cả một “băng nhóm hotgirl” khác để rồi đẩy đời mình vào chốn lao tù. Cuộc đời của thiếu nữ đẹp, sáng trong văn vắt đó sẽ rất khó để nhúng chàm nếu không bị o ép, đưa đẩy vào bóng tối. Bởi trước đó, chỉ vì những xích mích nhỏ nhoi trong chơi bời, chát chít, cô bé ấy đã bị nhóm “hotgirl” kia săn đuổi, đánh đập hết trận này đến trận khác. Thậm chí cô đã chuyển lớp và cũng đang tính cả chuyện chuyển trường mà bọn chúng cũng không buông tha. Án mạng xảy ra, người mất, kẻ đi tù, áo trắng nhuốm màu nước mắt.

Trường hợp phạm tội của Trang khiến nhiều người tiếc nuối, bởi cô còn trẻ, chỉ vì một phút bồng bột không giữ được mình nên đã phạm sai lầm. Còn đối với trường hợp Đinh Thị Ngoan (SN 1992, ở Nho Quan, Ninh Bình) lại hoàn toàn khác. Ham mê chát chít, giao lưu kết bạn trên mạng, Ngoan trượt dài từ khi còn trẻ. Học chưa hết cấp 3, cô bỏ rồi vật vờ quán game, quán net. Rồi trong lúc túng quẫn, cô đã lừa chính em gái mình bán sang Trung Quốc lấy tiền chơi bời, mua sắm. Đối tượng dẫn dụ cô vào đường dây buôn bán người cũng chính là một kẻ “săn đầu người” siêu hạng trên mạng internet. Giờ đây, Ngoan phải nhìn thời thiếu nữ của mình trôi qua song sắt. Với bản án 9 năm tù, cô vẫn có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng điều quan trọng hơn cả là cô phải có đủ quyết tâm.

Vẫn biết, internet đóng một vai trò vô cùng to lớn trong sự phát triển của toàn nhân loại, thế nhưng, khi người ta chưa tự trang bị cho mình một vốn kiến thức, bản lĩnh sống nhất định thì sẽ dễ bề bị cuốn vào “thế giới ảo” mà khó tìm được đường ra. Thế cho nên, đối với giới trẻ ở nông thôn, điều cốt lõi là họ cần phải tỉnh táo trước những cám dỗ đến ma mị của cái thế giới ảo diệu đó, để không tự biến mình thành “nô lệ”, không đẩy cuộc đời mình vào bóng tối.