Tranh cãi gay gắt về câu chuyện cô gái Việt khuyên bạn phá thai

"Đứa bé không phải là kết quả của tình yêu, vậy không nên giữ lại", đây là lý do đầu tiên mà Mỹ Linh đưa ra để ủng hộ cô bạn mình phá thai.

Mới đây, Võ Thị Mỹ Linh, cô gái Việt sống sót tại Nepal sau vụ bão tuyết vào tháng 10/2014, đã chia sẻ quan điểm của mình về chuyện phá thai.

Mỹ Linh cho biết có một người bạn "lỡ dại ngủ chung với đàn ông đểu nên có bầu, cô bạn muốn giữ lại cái thai". Tuy nhiên, Mỹ Linh đã tư vấn người bạn này 4 lý do để phá thai. Quan điểm có phần táo bạo này đã dấy lên những luồng tranh cãi trái chiều gay gắt.

Trong bài viết, Mỹ Linh cũng chia sẻ: “Mình cứ thấy xã hội lên án chuyện phá thai nhưng với mình phá thai là một điều tốt khi mà đó không phải là kết quả của tình yêu thực sự và người làm cha làm mẹ cũng không chắc chắn về tương lai của họ thì việc có một đứa trẻ ra đời không phải là lòng nhân đạo mà rút cuộc chỉ là góp phần làm một mảnh đời khác tiếp tục phải chịu khổ. Dĩ nhiên, mình còn "zin" nên đừng bạn nào vào làm thánh phán bảo là cô này chắc phá thai rồi mới ủng hộ chuyện phá thai nhé!”

Quan điểm xung quanh chuyện “phá thai” gây tranh cãi trên mạng xã hội.

4 lý do mà Mỹ Linh đưa ra như sau:

"Một là: Đứa bé không phải là kết quả của tình yêu, vậy không nên giữ lại.

Hai là: Làm mẹ đơn thân cũng tốt, tuy nhiên, xét về điều kiện và hoàn cảnh của cô bạn thì không cho phép: tuổi đang còn quá trẻ, chưa có sự nghiệp ổn định, nhà đang ở trọ, bố mẹ cô bạn ở quê gia đình cũng túng thiếu.

Đứa trẻ ra đời cô bạn có thể nuôi nổi đấy, nhưng lớn lên trong cảnh túng thiếu ít nhiều nó vẫn chịu thiệt thòi. Nếu nó là đứa có tính nết ngoan biết chịu khổ cùng mẹ thì không vấn đề gì. Nhưng nếu nó là đứa trẻ thấy khổ nên bỏ đi bụi đời như những đứa trẻ khác, thì là một hiểm họa.

Ba là: Đứa trẻ sinh ra sẽ làm khổ 4 đời: 

- Đời nó vì nó phải lớn lên trong cảnh ôm trong lòng một mối hận rằng vì sao cha mình lại rũ bỏ mình.

- Đời mẹ nó vì mẹ nó khó có thể hạnh phúc trong cuộc hôn nhân kế tiếp và cũng rất vất vả nếu sống 1 mình để nuôi nó.

- Đời ông bà ngoại nó vì ông bà ngoại sẽ bị dèm pha là con gái chửa hoang. Họ chắc chắn không thể bỏ con gái mình nên cũng phải loay hoay tìm cách giúp con gái.

- Đời bố nó vì bố nó có thể không nhận nó nhưng sau này về già chắc cũng chẳng sung sướng gì, nhất là từng rũ bỏ đi giọt máu của mình và vợ của anh ta mà biết thì cũng rùm beng chuyện.

Đó là chưa kể đến một đời khác là đời cha dượng nó nếu mẹ nó kết hôn với người khác. Cha dượng có thể thương nó thật lòng đấy nhưng miệng đời thị phi, cha ghẻ cứ là cha ghẻ dù cha ghẻ nuôi con và cha ruột thì rũ bỏ con.

Bốn là: Thông thường phụ nữ quyết giữ lại con để chứng tỏ mình nhân hậu, không chối bỏ con như cách mà người cha đã làm. Mình ghi nhân cô bạn mình sẽ là người mẹ nhân hậu, thương con và sẽ dành trọn cuộc đời làm lụng vất vả để nuôi con.

Nhưng cuộc đời của một đứa trẻ không phải là thứ để chúng ta mang ra thử nghiệm khả năng chúng ta đương đầu với thử thách hoặc chứng tỏ với ai đó.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ thiếu ăn, thiếu mặc, hoặc bị kì thị, bị lệch lạc về nhận thức? Chúng ta bảo đứa trẻ có quyền được sống. Nhưng chúng ta có bao giờ hỏi được đứa bé muốn sống như thế nào?

Nếu nó lớn lên trong hận thù, nếu nó chịu đựng thiếu thốn, nếu nó ôm thiệt thòi so với những đứa trẻ khác, nếu nó mất niềm tin vào cuộc đời, nếu nó nhìn cảnh mẹ nó phải chịu khổ để nuôi nó, nếu nó gặp phải một ông bố ghẻ dì ghẻ ganh ghét nó…,chúng ta nghĩ nó sẽ muốn sinh ra trên đời hay không?

Mỹ Linh cũng tiết lộ thêm các thông tin về tác giả của “bào thai trong bụng cô bạn thân của mình” như sau:

Về phía anh chàng, sau khi mình nói chuyện với anh chàng ấy, anh bảo: "Cô này điên, việc quan hệ với cô ta là một mối nhơ trong cuộc đời anh ấy". Mình nghĩ cô này điên thì chắc chắn đúng rồi, vì chả hiểu tại sao cô bạn lại có thể ngủ được với loại đàn ông đi chửi bạn tình của mình là đồ điên như vậy.

Anh cũng bảo, lỗi là tại cô gái, không biết dùng biện pháp bảo vệ nên ráng mà chịu, anh chả có lỗi gì hết dù cô bạn thì bảo em dùng thuốc tránh thai rồi nhưng vẫn dính.

Mình nghĩ, cô bạn có ngu nên cô bạn mang hậu quả là bây giờ phải đối diện với 2 tình thế khó xử, một là bỏ con hai là giữ con. Nhưng anh ta là đàn ông đàn ang, dám chơi dám chịu, cùng lắm xin lỗi một tiếng và dắt cô bạn đi phá thai vì anh cũng góp phần tạo ra cái thai ấy.

Đằng này, nghe người ta có bầu thì giảy nãy lên chối trách nhiệm rồi nghi ngờ người ta gài hàng, rồi bảo đừng có nhắn tin làm phiền tôi vì chuyện cô có bầu. Anh không biết chính vì cái thái độ đó của anh nên người ta càng muốn giữ lại cái thai để chứng tỏ sự trong sạch.

Nói chung, sao càng ngày mình càng nghi ngờ về cái khả năng dám làm dám chịu của các bạn giai quá đê”.

Ngay sau khi được chia sẻ trên facebook, quan điểm cũng như lập luận cô gái nhanh chóng nhận được những ý kiến trái chiều của dân mạng. Nhiều người tỏ ra đồng tình với quan điểm này và cho rằng việc có thai ngoài ý muốn không phải hiếm gặp trong xã hội hiện đại, vì thế bản thân cha mẹ của đứa trẻ nên cân nhắc thật kĩ về tương lai của cái thai. Nếu như không đủ điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho đứa bé thì nên bỏ qua thị phi để làm những điều mà mình cho là đúng đắn nhất.

"Giờ mẹ đơn thân cũng nhiều, tình trạng hiếm muộn không còn của riêng ai và có thai ngoài ý muốn cũng không còn là chuyện còn mới. Đứa trẻ thật tội nghiệp khi có một người cha tồi tàn tệ bạc như thế, em gái hãy cân nhắc kỹ xem mình có đủ khả năng một mình đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho con không, bỏ qua thị phi, chỉ nghĩ đến năng lực tài chính trước đã, nếu đủ khả năng em hãy làm điều em muốn. Nuôi con có đủ cha đủ mẹ vất vả, cực nhọc muôn phần kể cả khi có cha cùng lo.

Hãy can đảm lên em nhé, giải pháp nào cũng phải đối diện với thách thức lớn cả. Mong em sớm vượt qua thách thức này. Em gái hãy cho mẹ biết để cùng chia sẽ và giúp em có thêm sức mạnh để vượt qua nhé. Mừng cho em có cô bạn gái Linh mạnh mẽ bên cạnh", một facebook-er đồng tình.

Rất nhiều những người phụ nữ từng trải và từng kết hôn cũng tham gia tranh luận và chia sẻ những câu chuyện của chính bản thân, bạn bè mình để chứng minh rằng nên cho đứa bé có một cuộc sống tốt nhất khi được đưa ra trên cõi đời này. 

“Làm mẹ đơn thân không phải dễ đâu. Trước hết phải có kinh tế là vấn để đầu tiên mà bạn em lại không có. Chị có chồng đây mà vẫn cảm thấy nuôi con khó khăn nữa là... Thứ 2 cái thằng mà chơi được, mở miệng ra nói bạn em như thế thì cho dù bạn em có khóc lóc van xin quỳ lạy hay là thậm chí tự tử thì hắn cũng không mảy may quan tâm đâu.

Nên nên đừng nghĩ là nó sẽ nhận đứa con trong bụng bạn em. Cái này không phải bạn em không muốn giữ đứa con đó mà là do thằng đó khốn nạn nên ông trời sẽ trừng phạt thằng đó thôi. Cuộc sống của bạn em sau này nên lấy đó là 1 vấp ngã và đừng bao giờ đi vào vết xe đổ đó nữa. Cố gắng lên em! Đàn ông tất cả điều giống nhau chỉ khác cái bộ mặt thôi", một phụ nữ có gia đình đã đồng cảm và cho rằng phá thai không hẳn là chuyện xấu.

Những bình luận đồng tình với bài viết của Mỹ Linh.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít người vẫn giữ quan niệm truyền thống là dù cho bất cứ hoàn cảnh nào, đứa bé cũng là sinh linh vô tội và không nên giết hại đứa bé. Nhiều người còn thẳng thắn cho rằng những quan điểm này hoàn toàn là suy nghĩ nông cạn của cô gái còn thiếu kinh nghiệm sống, và chia sẻ này vô tình sẽ cổ súy cho những hành động thiếu lý trí của các bạn trẻ.

"Khuyên người khác phá thai là hành vi vô đạo đức, mất nhân tính. Còn quá nhỏ, suy nghĩ nông cạn mà còn lên tiếng khuyên người khác. Nếu giới trẻ mà có suy nghĩ như bạn thì hỏng hết, trước khi post cái gì nên suy nghĩ hậu quả", lời cảnh báo của một người dùng mạng.

Nhiều ý kiến phản biện khác cũng gây nên những luồng tranh cãi trái chiều xoay
quanh quan điểm của cô gái này

Một nick facebook tên J.D thì kể rằng, 8 năm về trước, D. cũng là người tứ cố vô thân, nghề nghiệp không ổn định, tiền bạc không có, cái gì cũng không, chỉ duy nhất có một mầm sống trong người."Mình đã sinh đứa bé ấy ra. Mình sống nhờ cô bạn thân trong một năm, vay mượn thêm để sống. Sau đó gửi con cho ngoại và đi cày nuôi con, trả nợ. Con gái mình ngoan, thông minh, học giỏi nhất lớp. Mình luôn tự hào rằng mình đã không phá thai, đã không giết một mầm sống. Cuộc sống của mình cũng chưa gặp happy ending nhưng đời vốn không như cổ tích, vẫn phải sống tiếp, ngẩng đầu mà đi va làm những gì mà mình không phải hối hận", J.D chia sẻ.

Câu chuyện về quan điểm phá thai hay giữ thai của cô bạn này vẫn đang được cộng đồng mạng mổ xẻ mỗi ngày. Mỗi người đều có một quan điểm, góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, như một độc giả bình luận, dù chúng ta phân tích hay đến đâu, đưa ra những lý do thuyết phục đến đâu, thì lựa chọn giữ hay phá thai vẫn thuộc về người bạn của Mỹ Linh, có lẽ, chỉ có người làm mẹ mới biết điều gì là tốt nhất cho đứa con trong bụng mình.

Liên quan đến câu chuyện này, chuyên gia tâm lý - TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, về phía những chàng trai họ Sở hay họ Thiếu như trên cần xem lại chính bản thân mình. Nếu quyết định có hành vi tình dục, cần kiểm soát chính mình bằng sự an toàn tình dục khi chưa sẵn sàng có con hay làm cha. Và nếu không thực sự tôn trọng bạn tình hay người yêu của mình mà chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu sinh lý thì càng cần biết bảo vệ chính mình, đảm bảo kiểm soát hậu quả cũng như đừng làm người "không bình thường về nhận thức" ấy tổn thương hay tệ hại hơn nếu ta có lòng nhân, có sự bao dung và không phải là kẻ mang tên Sở khanh hoặc Thiếu trách nhiệm. Còn việc hậu quả, cần đối mặt thẳng thắn trao đổi và cùng chịu trách nhiệm thay vì lẳng lặng hoặc quá vô tư đến mức vô cảm...

"Về các cô gái, thật không may mắn khi gặp chàng trai như thế. Nhưng cũng cần biết bảo vệ chính mình, cần biết an toàn tình dục chứ không thể trách cứ hay buộc người ta chịu trách nhiệm. Chuyện gối chăn hay xác thịt là chuyện tự nguyện cả hai vì vậy cần nghiêm túc và cân nhắc cũng như có kỹ năng chứ không thể quá bản năng hay vô tư... Bên cạnh đó, cũng cần suy nghĩ về hoản cảnh và cũng cần dự trên đức tin, điều kiện để có sự quyết định thông minh, an toàn.

Còn việc một người bạm tư vấn như thế là không nên. Việc tư vấn không thể đơn giản là phân tích một đến bốn là quyết định. Các ràng buộc về tình cảm, tôn giáo, hệ lụy hãy để người trong cuộc cân nhắc và cần được nhìn nhận sâu hơn chứ không phải như thế. Việc bày tỏ hay chia sẻ công cộng cũng không nên vì đó là sự tác động tiêu cực dễ dẫn đến thương tổn khi ta gọi đó là bạn mình" - TS Sơn nói thêm.