Án mạng kinh hoàng tại nhà nghỉ ở Thái Bình
Ngày 28/7/2011, Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án giết người cướp tài sản xảy ra tại xã Minh Khai, huyện Hưng Hà và tuyên Nguyễn Thành Luân (SN 1987, trú tại xã Minh Hoà) tử hình về 2 tội giết người, cướp tài sản; Lê Thị Uyên (SN 1992, quê ở xã Hồng Minh - Hưng Hà) 6 năm tù giam về tội cướp tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 08/01/2011, Luân và Uyên từ Cửa Ông - Quảng Ninh về Hưng Hà, đến thuê phòng nghỉ tại nhà nghỉ Ngọc Giỏi thuộc địa bàn xã Minh Khai, do bà Nguyễn Ngọc Giỏi sinh năm 1962 làm chủ. Đến 23h cùng ngày, Luân đã khống chế, dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào bà Giỏi, khiến bà tử vong tại chỗ.
Sau đó Luân cùng Uyên đã cướp chiếc xe máy Airblade, 1 dây chuyền vàng, 1 nhẫn vàng, 1 điện thoại di động. Nguyễn Thành Luân và Lê Thị Uyên đã bị lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Thái Bình bắt khi đang lẩn trốn tại nhà người quen ở xã Đaksla, huyện Đak Min tỉnh Đắk Nông.
Mối tình bị ngăn cấm và án tử ở tuổi 24
Gặp và có được người mình yêu là điều hạnh phúc nhất đối với bất kì người thanh niên nào đang ở tuổi như Luân. Nhưng cái ngày mà Luân gặp và trúng "tiếng sét ái tình" với Uyên có lẽ lại là ngày mà cuộc đời Luân rẽ lối. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng giá như bậc sinh thành không bị quan niệm cổ hủ về tuổi tác chi phối để rồi phản đối đôi tình nhân thì có lẽ cuộc đời Luân không phải nhận án tử khi mới ở tuổi 24.
Trước khi án mạng xảy ra, Luân có một cuộc sống khá bình yên với hiệu sửa chữa điện thoại nhỏ nơi phố huyện Hưng Hà.
Một ngày tháng 5/2010, Uyên đến cửa hàng của Luân hỏi mua điện thoại di động, 2 người đã phải lòng ngay từ cái nhìn đầu tiên và đến với nhau như lẽ thường tình. Bố mẹ Uyên cũng là những người nông dân, lao động quanh năm chân lấm, tay bùn. Cô gái 19 tuổi ấy là chị cả của một gia đình có 3 người con gái. Bản thân Uyên cũng thôi học khi vừa hết lớp 9 rồi sớm ra Quảng Ninh lao động để hỗ trợ kinh tế gia đình.
Thế nhưng, ngày Luân dẫn Uyên về ra mắt và tính chuyện lâu dài, cũng là ngày đánh dấu sự ngăn cản, chia rẽ từ phía người mẹ Luân. Bà phản đối với một lý do cổ hủ, Luân tuổi Dần (tuổi âm), còn Uyên tuổi Thân, hai đứa không hợp tuổi và không thể đến được với nhau.
Đã có lần, bà ra quán cà phê nơi đôi trẻ đang ngồi tâm sự để bắt con trai về. Luân đã nhiều lần xin mẹ cho hai đứa được đến với nhau. Thậm chí, Luân còn quỳ xin mẹ hãy chấp nhận Uyên nhưng trái tim người mẹ thương con không đúng chỗ vẫn se sắt: nếu lấy Uyên thì đừng nhìn nhận mẹ cha.
Yêu Uyên, Luân đã chấp nhận rời xa gia đình, đưa Uyên ra Quảng Ninh thuê nhà ở. Trước khi đi, hai đứa lừa lấy được một cái xe máy của bố Uyên làm tài sản để sinh sống nơi đất lạ. Uyên xin làm lễ tân cho một khách sạn, còn Luân lay lắt làm thuê cho một số nơi. Cuộc sống có tình yêu nhưng vô cùng nhọc nhằn.
Những dòng chữ chan chứa yêu thương và ăn năn của kẻ tử tù (Ảnh: CAND)
"Vậy đó, và còn đau lòng hơn khi mẹ tôi đã xuống nhà em và nói ầm lên, tôi chẳng biết phải làm sao. Và mẹ tôi nói rằng có em thì không có mẹ tôi. Vì tôi đã yêu em hơn cả bản thân của mình, tôi yêu em và tôi có thể làm tất cả vì em, ai cũng một lần lầm lỡ nhưng tôi không thể bỏ qua tất cả vì tôi rất yêu em”, Luân viết những dòng đẫm nước mắt trong nhật ký.
Rồi một ngày, Uyên nói với Luân rằng cô đã có thai, Luân mừng rỡ ra mặt và đôi lứa đã tính đến chuyện lâu dài bên nhau. Nhưng lâu dài kiểu gì đây khi hai đứa chỉ với bàn tay trắng, gia đình ngăn cản, cửa hàng điện thoại lại do mẹ Luân quản lý, Uyên lại không thể về nhà. Một phút nông nổi, chúng đã nghĩ đến chuyện đi cướp để lấy tiền đi thật xa, vào vùng đất Tây Nguyên, nơi Luân từng gắn bó để mở cửa hàng điện thoại di động. Rồi chúng sẽ kiếm tiền, sinh con nơi mảnh đất ấy.
Từ Quảng Ninh, hai đứa bắt xe khách về nhà nghỉ Ngọc Giỏi (Hưng Hà, Thái Bình) và gây tội ác vào đêm 8/1/2011.
Nỗi ân hận muộn màng
Trong quá trình chạy trốn sau khi gây án, sự vất vả đã khiến mầm sống trong bụng Uyên không còn. Uyên đã bị sảy thai mà Luân không hề biết.
Luân bảo, gã chắc chắn sẽ phải lĩnh án tử hình, ngày được gặp lại người yêu cũng như đứa con sẽ không bao giờ còn nữa. Gã chỉ mong Uyên nuôi nấng đứa con tử tế thành người, đứa con sẽ là sự tồn tại còn lại của gã trên cõi đời này. Nếu Luân biết, đứa con của mình không còn nữa, chắc sẽ đau đớn, giày vò hơn gấp nhiều lần…
Tuy đã mỗi đứa mỗi nơi nhưng tình yêu của đôi trai gái này vẫn khiến các cán bộ quản giáo nơi đây cảm động. Trong những ngày ở xà lim, khi được gia đình thăm nuôi hộp sữa nào là Luân giành dụm, rồi nhờ các quản giáo chuyển cho Uyên để bồi dưỡng sức khỏe.
Thế nhưng, khi biết Uyên chuẩn bị chuyển đi thụ án ở Ninh Khánh, Luân gặp cán bộ trại để xin được lần cuối nhìn thấy Uyên, sau đó hứa sẽ không quậy phá nữa. Không phải vì chiều Luân, nhưng các cán bộ quản giáo cũng cảm động bởi tình yêu của 2 phạm nhân nên đã xin phép lãnh đạo cho họ nhìn nhau lần cuối.
Trước giờ đưa Uyên đi, mọi người trích xuất Luân ra ngồi trong phòng, rồi đưa Uyên qua song cửa sắt. 2 đứa chỉ nhìn nhau qua song sắt và nói được đôi ba câu dặn dò sức khỏe là nước mắt đã chảy vòng quanh. Khi Uyên được cán bộ quản giáo đưa đi rồi, Luân vẫn ngồi khóc, giọt nước mắt của kẻ tử tù lặng lẽ rơi. Luân bảo rằng, dù trước đây vẫn không được gặp nhau, nhưng ở cùng trại tạm giam Công an tỉnh Thái Bình, vẫn cảm nhận được hơi thở của nhau, vẫn cảm thấy như đang ở rất gần nhau. Nhưng bây giờ, cách trở về địa lý và sau này, với cái án tử hình, chắc chắn Luân sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy Uyên…
Những ngày trong trại, Luân kết những con tôm để gửi cho người con gái mình yêu
Bây giờ, những năm tháng còn lại của một kẻ tử tù như Luân là thời gian để tĩnh lại, để hiểu được rằng cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của mình. Luân đã viết những dòng tâm sự mặn chát sự ân hận, hối tiếc: “Một ngày tù dài quá. Lại một ngày nữa trôi qua, dài như hàng thế kỷ. Vậy là tôi đã rời xa cuộc sống xã hội gần hai năm rồi…”
Đã có lúc, Luân giận bố mẹ mình, gã cho rằng nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là từ chính sự ngăn cản tình yêu của mẹ. Nhưng bây giờ, gã đã không giận bố mẹ nữa. Bởi khi bị bắt và có thời gian suy nghĩ, gã mới thấy rằng, bố mẹ gã cũng chỉ vì muốn tốt cho con mà thôi. Khi bị bắt, trong phiên tòa xét xử, gã đã thấy sự đau khổ của gia đình mình. Và Luân biết rằng, bố mẹ còn thương mình biết chừng nào.
Ngày 28/8/2011
Hôm nay là ngày xử của tôi. Tôi vào tòa án với bao niềm đau đớn. Tôi không dám nhìn bố tôi, trông ông già đi và tiều tụy. Bố gọi tôi quay lại, nhưng tôi không dám quay lại vì tôi sợ không làm chủ được mình, chỉ làm cho bố tôi đau khổ mà thôi.
Đúng vậy, Tòa đã xử tôi án tử hình. Cả nhà tôi và anh em bạn bè đã sụp đổ, tất cả cùng khóc. Tôi chỉ mong tôi chết ngay lúc đó mà thôi để quên đi hết đau thương…”.
“Bố ơi, con xin lỗi bố, không biết bố có nghe con xin lỗi bố không, con biết rằng bây giờ con nói đã là quá muộn… Mong bố mẹ hay tha lỗi cho con. Con biết rằng bố mẹ chỉ muốn tốt cho con nhưng dù sao bây giờ đã là quá muộn rồi…”.