Theo ông Tần, khi Trung Quốc tạm dừng nhập gia súc, gia cầm của Việt Nam thì một con lợn của mình cũng không “lọt” qua được biên giới vậy mà gà thải loại của Trung Quốc lại tràn ngập thị trường Việt Nam một cách vô tư, điều này cần phải xem xét kĩ. Trong khi giá gà trong nước chưa tới 30.000 đồng/kg, dưới cả giá thành 5 – 6 nghìn đồng nhưng giá gà Trung Quốc vào còn rẻ hơn, chỉ hơn một nửa giá thành gà trong nước.
Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, Khampha.vn cũng đã đăng tải loạt bài phản ánh tình trạng buôn bán gà siêu rẻ tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, HN). Trung bình mỗi ngày, chợ Hà Vĩ cung cấp khoảng 30 tấn gà thải loại cho địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận.
Gà thải loại của Trung Quốc được dân buôn tại chợ Hà Vĩ gọi là gà mía để dễ dàng “trộn” lẫn với gà mía trong nước. Để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng thường tập kết gà tại khu vực xã Tứ Dân (Khoái Châu, Hưng Yên) vào lúc sáng sớm. Khi nhận thấy “dấu hiệu” an toàn, từng xe gà có trọng tải khoảng 4 tấn được vận chuyển lên bến đò An Cảnh sang chợ Hà Vĩ.
Gà đang được vận chuyển từ bến đò An Cảnh vào chợ
Theo thông tin của một số dân buôn gà, gà thải loại Trung Quốc thường nuôi theo kiểu công nghiệp, được cho ăn một loại chất kích thích để đẻ từ 1 – 2 quả/ngày. Khi đã đẻ hết trứng sẽ được bán lại cho dân buôn Việt Nam với giá rẻ. Do thịt loại gà này rất dai, giống với gà ta nên rất “ăn khách”. Do quá trình vận chuyển đường dài cộng thêm với việc số gà này “tuổi” đã cao, những con khỏe nhất cũng đi lại chậm chạp, mắt lờ đờ, chân run run, mào tím thâm, không còn sức sống nên ở Hà Vĩ mới có thêm chuyện buôn bán gà chết.
Hình ảnh buôn bán gà chết diễn ra công khai trong chợ
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm chiều qua (10/7), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng yêu cầu các lực lượng thú y của các tỉnh biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc, gia cầm nhập lậu đặc việt là các loại thực phẩm, nội tạng hôi thối, nhằm tránh lây lan dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước.