Ngược lại, không tìm được người nhà nạn nhân, họ rất áy náy, thấy mình như có lỗi.
Vụ va chạm giữa chiếc xe tải nặng với xe máy xảy ra lúc rạng sáng 16/4 tại giao lộ Đường số 14 - Quốc lộ 1A, phường Linh Trung, quận Thủ Đức - TPHCM làm một nữ công nhân mặc đồng phục của KCX Linh Trung tử vong. Nhận được tin báo, anh Vũ Huy Cường và một số anh em của trại hòm Công Thọ 2, quận Thủ Đức ngay lập tức có mặt.
Cô gái nhiều tên
Khi cô gái được đưa về Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, phát hiện nạn nhân đang mang thai 8 tháng, các bác sĩ vội vã tiến hành phẫu thuật để cứu cháu bé nhưng không thành công.
Điều khiến Cường và đồng sự hết sức bối rối là khi nhận xác cô gái xấu số, các anh không thấy bất kỳ giấy tờ tùy thân nào của nạn nhân. Không có cách gì liên hệ với người thân của cô, Cường và nhóm bạn đành căn cứ vào biển số chiếc xe máy, hiện trường vụ tai nạn… và phán đoán nạn nhân cư ngụ ở đâu đó gần đây.
Suốt một ngày sục sạo nhiều nơi nhưng không phát hiện được thông tin gì về cô gái, các anh trở lại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức chụp ảnh nạn nhân rồi đến các khu vực xung quanh nơi xảy ra vụ tai nạn đưa cho người dân nhận dạng. “Ai cũng lắc đầu bảo không biết. Chúng tôi vẫn kiên trì tìm kiếm. Cuối cùng, có một người cho biết từng gặp cô gái trong ảnh vài lần và cô là người mới chuyển đến trọ gần chỗ người này vài ngày” – anh Cường nhớ lại.
Nhóm của Cường bèn phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành xác minh chỗ trọ cô gái. Sự việc càng trở nên rắc rối khi nạn nhân để lại đây nhiều CMND mang tên và thường trú ở các tỉnh, TP khác nhau. Mất nửa ngày gọi điện thoại về các địa phương kiểm tra và đều nhận được câu trả lời “không có phụ nữ nào mang tên như trong CMND”, các anh lại tiếp tục truy tìm ở phòng trọ rồi phát hiện một cuốn sổ tay bên trong ghi chữ “mẹ” kèm số điện thoại. “Mừng hơn bắt được vàng, chúng tôi vội vàng gọi số điện thoại này nhưng bên kia đầu dây, một phụ nữ khăng khăng: “Không phải con tôi, không đúng tên”! - anh Cường kể.
Không nản lòng, các anh lại tiếp tục tìm kiếm và phát hiện một tờ giấy khám thai mang tên khác. Cường vội vàng gọi lại cho “mẹ” và đọc tên theo giấy khám thai, người phụ nữ bên kia đầu dây xác nhận là đúng và khi biết tin dữ, bà khóc thét lên đau đớn... “Sau này gặp chúng tôi, mẹ cô gái nghẹn ngào: “Nếu không có các cậu thì chắc thi thể con tôi không ai nhận. Ơn này tôi không bao giờ dám quên” - Cường xúc động.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Ông Lữ Văn Thành, chủ trại hòm Công Thọ 2, cho biết trước đây, riêng trên địa bàn quận Thủ Đức mỗi tháng có đến hàng chục vụ tai nạn giao thông chết người, trong đó nhiều nạn nhân thi thể không còn nguyên vẹn, không giấy tờ tùy thân... “Việc đầu tiên mà anh em nhặt xác phải làm là thu hồi hết những bộ phận từ cơ thể nạn nhân tại hiện trường, cố gắng không để sót lại dù một mảnh nhỏ. Làm tốt việc này sẽ giúp lực lượng pháp y chắp vá lại nguyên trạng cơ thể nạn nhân dễ dàng hơn” - ông Thành giải thích.
Với những nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, anh em làm nghề nhặt xác phải ngược xuôi tìm kiếm thân nhân của họ. “Nhiều trường hợp chỉ mất một vài ngày nhưng cũng có vụ cả tháng trời vẫn không tìm ra được người nhà, anh em đành đóng góp tiền mua áo quan và ngậm ngùi đưa nạn nhân đi hỏa táng. Có khi thân nhân tới nhận thi thể nhưng thấy hoàn cảnh họ quá khó khăn, chúng tôi biếu luôn áo quan, cho xe tang đưa nạn nhân về tận nhà miễn phí” – ông Thành cho biết.
Cuối năm 2011, trên cung đường sắt qua quận Thủ Đức, một phụ nữ bị tàu lửa cán đứt thành nhiều khúc. Sau khi thu lượm thi thể, những người nhặt xác lần theo dấu vết và tìm ra được địa chỉ nạn nhân trú ngụ. Chứng kiến hoàn cảnh nạn nhân quá cơ cực, họ lại hỗ trợ tiền bạc đưa nạn nhân về quê nhà ở Hà Tĩnh an táng.
Cũng trên cung đường sắt qua quận Thủ Đức đoạn gần đường Kha Vạn Cân cách đây không lâu, vụ tai nạn với xe lửa khiến một nam thanh niên chừng 30 tuổi tử vong. Nạn nhân mang theo chiếc ba lô nhưng bên trong chỉ có cục sạc pin, tai nghe điện thoại di động và thẻ cử tri mang tên Mai Hắc Hổ. Gần một tháng ngược xuôi kiếm tìm nhưng không lần ra tông tích gì về quê quán, gia đình của nạn nhân, những người nhặt xác đành phải chuyển thi thể đến nhà hỏa táng…
“Nghề này là vậy đó, nhiều khi nhặt xác những nạn nhân mù mờ tung tích hay hoàn cảnh quá nghèo khó, mặc dù tốn nhiều công sức và cả tiền bạc nhưng anh em vẫn cảm thấy ấm lòng. Ngược lại, không tìm được người nhà nạn nhân, chúng tôi rất áy náy, thấy mình như có lỗi. Tối về cứ mơ mơ màng màng, hình ảnh nạn nhân hiện ra trước mặt, không tài nào ngủ được” - anh Nguyễn Đăng Khoa, một người sống bằng nghề nhặt xác, tâm sự.
Với những vụ chết trôi lâu ngày, khi vớt lên, dù thi thể nạn nhân đã thối rữa nhưng anh em trong nghề nhặt xác vẫn cần mẫn làm việc, thậm chí phải cẩn thận hơn bình thường để không ảnh hưởng đến người xung quanh. “Chúng tôi luôn dặn lòng phải cố gắng sao cho chu đáo nhất, để nạn nhân và người nhà họ được yên lòng. Nghĩa tử là nghĩa tận mà” - anh Vũ Huy Cường thổ lộ.
Không việc gì phải xấu hổ Nguyễn Đăng Khoa tâm sự có nhiều người quen mỉa mai hỏi anh: “Hết chuyện làm rồi hay sao mà phải “bám” vào công việc không giống ai này?!”. Anh trả lời họ rằng nhặt xác cũng là một nghề. Hơn nữa, nghề này hữu ích cho đời nên không việc gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, vì không muốn mẹ phải bận tâm nên dù vào nghề gần 2 năm nay, Khoa vẫn không dám cho bà biết. “Nhiều khi đang ngủ, có điện thoại gọi đến báo tin, tôi phải đi ngay, mẹ tra hỏi thì nói qua nhà bạn có việc” - anh cho biết. |
Kỳ tới: “Người đưa đò” bến biệt ly