Với Trần Văn Năm, sinh năm 1950 ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) thì cuộc đời là trò đùa của tạo hóa.
Cơn say của cặp vợ chồng phường chèo
Nước da bờn bợt, Năm khiến người từng trải nhận ngay ra chất sâu rượu của anh ta, nhất là khi Năm cười, để lộ hàm răng khấp khểnh vì ngã, gãy. Trông Năm thật khó đoán tuổi bởi cứ cái hình thể cao gầy, mái tóc muối tiêu còn một rúm trên đầu vì nhường chỗ cho chi chít sẹo. Mới bước qua tuổi 60 mà trông Năm quá già nua. Không sức sống, ấy vậy mà Năm lại là một kẻ giết người với bản án chung thân, cải tạo ở trại giam Quyết Tiến.
Theo bản án, sáng 7/9/2011, Năm đi lắp cửa cho khách ở thôn Mậu Thông, cùng phường Khai Quang, được gia chủ mời cơm rượu nên đã ở lại. Chiều đến, anh ta tranh thủ tạt qua nhà khách hàng nữa để gá nốt chiếc tủ hôm trước lắp dở nên mãi tới chiều muộn mới về. Thấy nhà cửa toang hoàng, gà nhảy cả lên giường mà không thấy bóng dáng vợ là bà Lý Thị Hải đâu, Năm cất tiếng gọi rồi ra ngõ tìm. Bắt gặp cảnh vợ đang uống rượu rồi xem bói cho khách, Năm không kìm nổi giận dữ, rút dép ném bà Hải rồi bỏ về nhà đi ngủ.
Mãi tới nửa đêm, bà Hải mới mò về, thấy cửa nhà khóa trái liền cất tiếng gọi chồng. Do trời mất điện lại trong tình trạng say rượu nên mãi tới khi bà Hải đợi lâu không thấy, cất tiếng chửi thì Năm mới tỉnh giấc, đi ra. Vừa nói “đợi tôi tí”, Năm vừa dò dẫm lần tìm then cửa trong khi đó vì sốt ruột nên bà Hải đã nhặt cái xà beng để ngoài sân, phang vào cánh cửa.
Bực mình vì con vợ nát rượu còn lăng loàn nên khi mở được cửa nhà, Năm kéo bà Hải ra ngõ, đuổi đi. Bà Hải vùng vằng rồi tiện tay đang cầm xà beng, vung lên đập chồng. Bị đánh đau, Năm điên tiết giằng được, đập cho vợ một nhát. Bà Hải ngã nhào nhưng miệng vẫn không ngớt chửi chồng. Cho rằng vợ đang nằm ăn vạ, Năm bỏ vào nhà ngủ, đến sáng hôm sau có người lay dậy mới biết mình gây ra tội ác.
“Hôm ấy mất điện nên trời tối lắm, tôi có nhìn thấy gì đâu, chẳng biết mình phang vào đâu bà ấy nữa”, Năm nói như thanh minh. Theo lời Năm thì tại mọi lần say rượu, bà Hải vẫn thường nằm lăn ra ăn vạ như thế mỗi khi bị chồng đánh chửi. Bị kết án về tội giết người, lần hầu tòa thứ nhất, Năm bị xử 20 năm tù. Gia đình bà Hải không đồng ý, án của Năm tăng lên chung thân. Năm không kháng cáo vì nghĩ chẳng để làm gì, 20 năm hay chung thân có khác gì nhau.
Trước khi sống chung với bà Hải, Năm đã từng có vợ và 4 đứa con nhưng từ ngày ly hôn, bốn đứa con theo về sống với mẹ, Năm trở thành người cô đơn. Một mình trong ngôi nhà rộng thênh thang, ban đầu Năm thấy rất thoải mái bởi từ đây đi đâu làm gì, có nhậu nhẹt bê tha cỡ nào cũng chẳng còn bị ai để ý nhắc nhở. Nhưng rồi sau những cơn say khướt đến phát ốm là cảm giác thèm một bát cháo hành và chỉ những khi đó, Năm mới thấy trong nhà cần có bàn tay phụ nữ. Trớ trêu thay, người mà Năm sống gá nghĩa tuy là đàn bà nhưng tính cách chẳng khác đàn ông. Năm quen bà Hải trong một lần đi đóng giường cho khách rồi chẳng ai bảo ai, kể từ đó, bà Hải dọn đến nhà Năm ở nhưng người đàn bà này cũng hiếm khi có mặt ở nhà còn thời gian chủ yếu là ở các lễ hội, đền chùa. Đến lúc này Năm mới biết “vợ” mình làm nghề xem bói và rượu là thứ không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của bà Hải. Chồng rượu, vợ say, tuy hiếm khi mới gặp nhau nhưng lần nào gặp cũng xảy ra cãi chửi. Nhiều lần Năm đuổi bà Hải, không cho sống cùng nhưng người đàn bà này chỉ bỏ đi vài bữa rồi lại về, lại đi.
“Nói là vợ cho oai chứ bà ấy đi suốt, có mấy khi về đâu mà có về thì chỗ của bà ấy là mấy cái quán nước ven đường, gạ khách coi bói để uống vài chén rượu, say mới bò về nhà. Có đợt về nhưng bà ấy không một lần bước nổi vào trong nhà, say quá thì ngủ ngay ở hiên nhà”, Năm kể. Nhiều lúc Năm cũng thèm được ăn một bát cơm nóng do vợ nấu nhưng có nói thì bà Hải vùng vằng bỏ đi vài ngày, nhiều khi tới vài tháng mới về.
Không dám nghĩ về ngày xưa
Vào trại giam Quyết Tiến với bản án chung thân, công việc hàng ngày của Năm là dán bao bì, đóng gói hàng mã. Không nặng nhọc nhưng luôn chân tay, Năm bảo càng làm lại càng thấy nhớ nghề mộc xưa kia. Nói đến nghề mộc, đôi mắt Năm ngời sáng. Anh ta hào hứng kể về những kinh nghiệm chọn gỗ, nắm bắt tâm lý khách hàng của mình. Rồi Năm bảo giá như anh ta cứ bằng lòng với số phận thì cuộc đời chắc không có ngày hôm nay.
Xuất thân là con nhà nông lại giỏi nghề đục chạm nên lúc nào Năm cũng bận với những đơn đặt hàng tới tấp từ các nơi gửi về. Khách nhiều phải tuyển thêm thợ phụ nhưng những chuyến đi xa lại khiến Năm mặc cảm về người vợ quê mùa của mình. Vợ Năm là một phụ nữ chăm làm, ít nói, suốt ngày tất bật hết ngoài đồng đến lợn gà. Ban đầu thì Năm hãnh diện vì có vợ mà cửa nhà, con cái sạch sẽ, ngăn nắp nhưng khi kinh tế khá giả, anh ta lại ao ước có được cô vợ xinh đẹp mới hợp với những sập gụ, tủ chè trong nhà. Bốn đứa con đang tuổi ăn học, Năm không dễ bỏ vợ nên tìm đến rượu để quên và mỗi khi lên cơn say có bao nhiêu bức bối trong lòng, anh ta trút cả lên đầu vợ rồi bỏ ra ngoài vui vẻ với những cô gái qua đường.
Không chấp nhận người chồng “tham sắc bỏ ngãi”, vợ Năm xin ly hôn. Hai đứa lớn theo mẹ về quê ngoại sống, chấp nhận vất vả, nhường cuộc sống nhà cao cửa rộng cho 2 đứa em nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, lấy cớ sống với các anh chị còn được kèm cặp học hành, 2 đứa con đã bỏ Năm về với mẹ.
“Giá như ngày ấy vợ tôi đem đi một chút tài sản thì giờ tôi đỡ day dứt, đằng này bà ấy chỉ dắt bọn trẻ, mang theo mấy bộ quần áo”, Năm tâm sự, nét mặt chùng xuống đầy khổ sở. Chỉ có ruộng vườn và chăn nuôi lợn gà, vậy mà vợ Năm lại nuôi dạy con cái nên người. Đứa con lớn theo nghề bố, làm thợ mộc ở Tây Nguyên, giờ đã có một nhà xưởng khang trang với vài chục nhân công; đứa thứ hai làm điện nước ngay tại quê nhà; đứa thứ ba đang học đại học kiến trúc còn đứa út đang học cấp ba… Năm không tin nhưng đó là sự thật. Cô đơn trong tù, nhiều lúc Năm muốn viết lá thư xin lỗi vợ cho lòng thanh thản nhưng viết thì nhiều mà chưa có lá thư nào được gửi đi. Năm bảo trong lòng thì day dứt lắm nhưng không đủ can đảm.
Điều khiến Năm ngỡ ngàng nhất là khi biết chồng cũ dính tù tội, người phụ nữ bị Năm ruồng rẫy đã đến thăm anh ta. Nhìn Năm gầy gò, hai cánh tay chằng chịt sẹo vì ngã do say rượu, chị chỉ nhẹ nhàng động viên, kể về các con để Năm hy vọng. Bốn đứa con vì nể trọng cách sống nghĩa tình của mẹ, đã lên thăm bố. Năm khoe giờ đã có 5 cháu nội ngoại, cũng ước lắm một ngày được trút hơi thở cuối cùng bên con cháu nhưng đường về còn xa lắm.
“Dẫu thế nào thì tôi vẫn còn được vợ con nghĩ đến, không mong gì hơn thế”, Năm nói. Càng về già mà mắc sai lầm thì cái giá phải trả càng đắt và ít có cơ hội để sửa chữa, tôi nghĩ thế nhất là với Năm khi bây giờ anh ta mới cải tạo được 2 năm.