Tính đến thời điểm hiện tại, mức thưởng tết cao nhất được các doanh nghiệp (DN) báo cáo về Hepza là 400 triệu đồng - đây là mức thưởng của một công ty sản xuất hàng tiêu dùng có vốn trong nước. Mức cao nhất của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn giữ mức 217,377 triệu đồng. Với khối DN trong nước, mức thưởng thấp nhất là 2,14 triệu đồng, mức thưởng bình quân 2,984 triệu đồng. Với khối DN nước ngoài, mức thưởng thấp nhất 2,3 triệu đồng, mức thưởng bình quân 3,67 triệu đồng.
Không đủ hàng cho công nhân làm
Hiện mới chỉ có 160 trong số khoảng 1.000 DN tại các KCX-KCN có báo cáo về kế hoạch trả lương, thưởng tết. “Trong số hơn 800 DN chưa báo cáo thì có khoảng 600 DN có tổ chức công đoàn, có xây dựng thỏa ước lao động tập thể ngay từ đầu năm và cam kết về vấn đề trả thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, như vậy gần 300 DN còn lại vẫn là một ẩn số” - ông Nguyễn Tấn Định, phó trưởng Hepza, nhận định.
Về mức thưởng, theo đánh giá của Hepza, do mức lương tối thiểu năm nay cao hơn năm trước nên mức thưởng thấp nhất của DN trong các KCX-KCN năm nay cũng cao hơn mọi năm.
Hepza cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của các DN năm 2012 gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm có 79 DN (trong đó có 53 DN trong nước) giảm công suất sản xuất. Nếu như trước đây DN tổ chức cho công nhân (CN) làm 3 ca/ngày thì nay chỉ còn duy trì 1-2 ca/ngày, trước đây tăng ca liên tục thì nay không đủ hàng cho CN làm. Có 11 dự án ngừng hoạt động, 22 dự án thanh lý, giải thể trước hạn gây ảnh hưởng đến 1.400 CN. Mọi năm, thời gian cận tết cũng là thời điểm DN tuyển thêm rất nhiều lao động thời vụ thì năm nay hầu như không có. Do tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn, đơn hàng không nhiều nên nhiều DN thông báo cho CN nghỉ tết kết hợp nghỉ phép năm.
Tại các KCX-KCN, hiện có trên 80 DN công bố các chương trình hỗ trợ, tặng gần 15.000 phần quà tết cho CN khó khăn với tổng giá trị gần 4 tỉ đồng. Không chỉ tặng vé xe cho CN về quê, nhiều DN còn tặng quà tết, tổ chức tất niên, rút thăm trúng thưởng cho CN không có điều kiện về quê ăn tết, tiêu biểu như Công ty Trịnh Khang, Công ty Đức Bổn, Công ty Yuki...
Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên Hepza phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức bán vé xe cho CN về quê ăn tết ngay tại các KCX-KCN. Ông Hồ Xuân Lâm, chánh văn phòng Hepza, cho biết: “Bắt đầu từ ngày 10/1/2013, chương trình bán vé sẽ bắt đầu. Nhân viên bán vé sẽ đến tận từng khu tổ chức bán vé vào những ngày cố định trong tuần, có thông báo trước cho CN biết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho CN không phải nghỉ phép và đi đến tận bến xe mua vé. Nếu số lượng CN đăng ký mua vé nhiều, các xí nghiệp vận tải sẽ cho xe đến đón tại KCX-KCN”.
Hải Phòng: thưởng bình quân 5-6 triệu đồng
Trong khi đó, theo Sở Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hải Phòng, từ đầu tháng 10 sở đã gửi gần 1.000 thông báo đến các DN trên địa bàn yêu cầu tổng hợp tình hình tiền lương, thu nhập và kế hoạch thưởng tết âm lịch, dương lịch, nhưng tính đến ngày 18/12 mới có 60 DN gửi báo cáo.
Thu nhập khu vực ĐBSCL thấp nhất Kết quả điều tra lần này cũng công bố mức thu nhập bình quân của người lao động, và qua số liệu thống kê cho thấy thu nhập của người lao động có xu hướng tăng dần về cuối năm. Cụ thể, mức thu nhập bình quân của lao động khu vực TP.HCM trong quý 1/2012 trên 4,1 triệu đồng/tháng thì đến quý 3 đã tăng lên mức 4,75 triệu đồng/tháng. Lao động khu vực Hà Nội có mức thu nhập hơn 3,8 triệu đồng/tháng ở quý 1 thì đến quý 3 tăng lên mức bình quân 4,72 triệu đồng. Khu vực ĐBSCL thấp nhất, khi mức thu nhập bình quân/tháng của người lao động chỉ đạt trên 2,5 triệu đồng (quý 1), tăng lên gần 3 triệu đồng (quý 3/2012)... Tính theo trình độ, lao động không có trình độ đạt thu nhập bình quân trên 2,7 triệu đồng/tháng (quý 1) và trên 3,2 triệu đồng/tháng (quý 2). Lao động có trình độ ĐH trở lên có mức thu nhập bình quân gần 4,9 triệu đồng/tháng (quý 1) và tăng lên trên 6,4 triệu đồng/tháng (quý 3).
|
Bà Lê Ngọc Lan - trưởng phòng lao động việc làm, tiền lương và bảo hiểm xã hội Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng - cho biết do tình hình kinh tế khó khăn, năm nay mức thưởng tết cho người lao động giảm so với mọi năm. Nhiều DN hoạt động cầm chừng nên không có khả năng thưởng tết. Theo thống kê, trong số 60 DN gửi báo cáo có năm DN cho biết không thưởng tết cho người lao động. Các công ty này trả lương cho công nhân mức bình quân 3-4 triệu đồng/tháng.
Theo tổng hợp ban đầu, mức bình quân thưởng tết của 55 DN đã báo cáo khoảng 5-7 triệu đồng. Hiện DN có mức thưởng cao nhất là Công ty TNHH thủy tinh San Miguel Yamamura (thuộc Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội) với mức thưởng bình quân gần 6 triệu đồng. Một số DN có mức thưởng chênh lệch khá lớn như Công ty cổ phần thương mại quốc tế và dịch vụ đại siêu thị Big C Hải Phòng với mức cao nhất 35 triệu đồng nhưng mức thấp nhất chỉ 560.000 đồng. Ngoài ra, một số DN trên địa bàn Hải Phòng báo cáo có thưởng tết mà... như không thưởng. Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Tam Bạc (Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng) thưởng Tết dương lịch cho người lao động cao nhất 200.000 đồng, thấp nhất 50.000 đồng và thưởng Tết âm lịch cao nhất chỉ 500.000 đồng. Công ty TNHH điện cơ Hoa Phượng lên kế hoạch mức thưởng “đồng hạng” là 500.000 đồng.
Một trong những hoạt động kinh tế trọng điểm của Hải Phòng là hoạt động kinh doanh cảng biển. Tuy nhiên, do hoạt động kinh doanh giảm sút nên mức thưởng năm nay không tăng, một số cảng mức thưởng chỉ bằng 80-90% năm ngoái. Ông Vũ Nam Thắng, giám đốc cảng Chùa Vẽ, cho biết xí nghiệp có khoảng 850 công nhân viên với mức lương bình quân 6-7 triệu đồng/tháng. “Mọi năm cảng Chùa Vẽ thưởng bằng cách bù giá, bù lương hằng tháng và cuối năm có một khoản thưởng tết khoảng vài triệu đồng cho công nhân. Năm nay hàng ít, công nhân không có việc, doanh thu giảm, nhưng ban lãnh đạo xác định vẫn cố gắng chăm lo quyền lợi cho người lao động nên vẫn có thưởng ở mức bằng 90% các năm trước” - ông Thắng nói.
Ông Vũ Trọng Thái, chánh văn phòng Hội Doanh nhân trẻ Hải Phòng, cho biết mức thưởng của các DN năm nay không bằng năm trước. Một số DN hoạt động cầm chừng, nợ bảo hiểm xã hội nên khó có thể chi tiền thưởng tết cho người lao động. Cũng theo ông Thái, trong những năm trước các DN đóng tàu biển, kinh doanh bất động sản có mức thưởng rất cao, nhưng năm nay nhiều DN đứng trước nguy cơ đóng cửa nên tiền thưởng tết cho CN rất èo uột.
Có bằng cấp vẫn chấp nhận chạy xe ôm
Kinh tế khó khăn, số DN giảm dẫn tới thiếu việc làm nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, “người lao động thất nghiệp không chịu ngồi yên, người có bằng cấp cũng chấp nhận về quê chạy xe ôm”, khiến tỉ lệ lao động thất nghiệp của VN giảm và ở mức thấp.
Thông tin trên được ông Nguyễn Bích Lâm, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đưa ra tại hội thảo chiều 18/12 công bố kết quả điều tra lao động việc làm năm 2012.
Theo ông Lâm, tính đến ngày 1/10, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, trong đó 52,1 triệu người có việc làm. Tức vẫn còn khoảng 1 triệu người thất nghiệp. Bên cạnh đó còn có thêm gần 1,4 triệu người thiếu việc làm (làm việc dưới 35 giờ/tuần). Trong số thất nghiệp, khu vực thành thị chiếm quá nửa; nữ thất nghiệp nhiều hơn nam với trên 55%; số người thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 nhiều nhất, chiếm gần 47%.
Tuy nhiên, tình hình lao động việc làm đã có dấu hiệu đáng mừng khi lao động có việc từ quý 2 tăng hơn quý 1, quý 3 tăng hơn quý 2. Cụ thể, lao động có việc quý 3 so với quý 1/2012 đã tăng trên 1,1 triệu người. Cùng với đó, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị của quý 1 là 3,46% thì đến quý 3-2012 đã giảm chỉ còn 2,99%.
Theo kết quả điều tra, gần 70% lực lượng lao động thuộc khu vực nông thôn. Lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực nhà nước có xu hướng giảm dần qua các quý của năm 2012, và ngược lại lao động khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh.
Ông Lâm khẳng định số liệu thống kê, kết quả điều tra hoàn toàn chính xác bởi từ năm 2007 việc điều tra, thống kê đã có sự trợ giúp của Tổ chức Lao động quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay việc điều tra, thống kê đã được tiến hành hằng tháng, chứ không như những năm trước chỉ thực hiện mỗi năm một lần và ở diện hẹp. Kết quả điều tra sẽ giúp các bộ ngành, DN có những thông tin chính xác để nghiên cứu về phát triển nhân lực, đầu tư phát triển kinh doanh. Đây cũng là cơ sở dữ liệu để biên soạn tài khoản quốc gia về lao động việc làm.