TP.HCM sẽ cấm xe máy vào khu trung tâm

Toàn bộ khu lõi trung tâm TP.HCM sẽ được tái bố trí thành các phố đi bộ, phố thương mại, buôn bán.

Đó là một trong những nội dung của đồ án quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm TP.HCM được Sở Quy hoạch - kiến trúc TP công bố ngày 9/5.

Khu trung tâm TP theo đồ án quy hoạch lần này mở rộng diện tích hơn so với quy hoạch 1/2.000 năm 1998. Ngoài khu lõi trung tâm cũ (một phần Q.1 và Q.3), trung tâm TP hiện nay có thêm dải đất dọc bờ tây sông Sài Gòn thuộc Q.4 và Q.Bình Thạnh như khu Tân Cảng, các cảng dọc đường Nguyễn Tất Thành, dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé...

5 phân khu chức năng

Cụ thể, khu trung tâm TP được chia thành năm phân khu, như sau:

Khu lõi trung tâm thương mại tài chính: nằm toàn bộ trong Q.1, có chức năng kinh doanh, thương mại, khách sạn, du lịch, hành chính và dịch vụ công cộng. Các tuyến phố lớn trong khu vực này như Lê Lợi, Nguyễn Huệ sẽ trở thành các trục đô thị và chuyển dần thành khu mua sắm (tổ chức phố đi bộ, chỉ cho xe công cộng lưu thông, cấm ôtô và xe máy).

Tuyến đường Lê Lợi sẽ được kéo dài ra phía sau Nhà hát TP đến khu Ba Son, lộ giới rộng 56m và sẽ trở thành trung tâm mua sắm sầm uất. Việc xây dựng quanh những công trình có giá trị lịch sử như trụ sở UBND TP, chợ Bến Thành, Nhà hát TP phải được kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng khu vực gần nhà ga metro và công trường Mê Linh thì được xây dựng mật độ cao.

Khu trung tâm văn hóa - lịch sử, chủ yếu là khu vực quanh trục đường Lê Duẩn, phát triển chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục. Khu vực này gồm những công trình xây dựng thấp tầng như trường đại học, công trình văn hóa, hành chính, tôn giáo và bệnh viện... Đường Lê Duẩn kết nối với hội trường Thống Nhất và Thảo cầm viên sẽ là trục cây xanh đặc trưng của trung tâm TP...

Khu bờ tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được tận dụng ưu thế bờ sông để hình thành dải công viên văn hóa, giải trí và không gian công cộng dọc bờ sông.

Khu thấp tầng: bao gồm khu dân cư hiện hữu, có nhiều công trình biệt thự từ thời Pháp thuộc. Những công trình kiến trúc khu vực này được đánh giá là những tài sản quan trọng của khu trung tâm.

Khu cận lõi trung tâm: tiếp nối từ trung tâm thương mại tài chính là khu vực được phát triển tầng cao trong trung tâm. Các công trình văn phòng, thương mại cao tầng sẽ được bố trí gần nhà ga Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé, đường Nguyễn Thái Học nối dài. Đặc biệt, gần nhà ga Bến Thành sẽ cho phép xây dựng công trình cao hơn 200m.

Thêm nhiều phố đi bộ

Không gian đi bộ trong quy hoạch lần này được tăng cường. Định hướng cho toàn bộ khu lõi trung tâm TP trở thành phố đi bộ: đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, vòng xoay chợ Bến Thành, đường Đồng Khởi và một phần đường Huỳnh Thúc Kháng.

Ở khu thấp tầng có các tuyến đường: Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân được định hướng thành phố đi bộ. Hệ thống đường đi bộ sẽ dọc theo trục Tôn Đức Thắng kết nối với Thủ Thiêm, có cầu đi bộ nối cột cờ Thủ Ngữ với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đường Phó Đức Chính ở khu cận lõi có Bảo tàng Mỹ thuật và nhiều cửa hiệu cũng được định hướng thành phố đi bộ.

Hệ thống công trình ngầm của khu trung tâm sẽ được kết nối từ công viên 23/9, nhà ga Bến Thành, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, ga Nhà hát TP, nối dài sang đường Tôn Đức Thắng, công trường Mê Linh, chủ yếu là nhà ga các tuyến đường sắt, trung tâm mua sắm, bãi đậu xe và đường đi bộ. Giao thông công cộng trong khu trung tâm sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt nhanh chạy từ Q.4 về Q.1 và từ ga Bến Thành sang Q.7. Các tuyến xe điện nhẹ dọc bờ sông Sài Gòn đưa khách tiếp cận dải công viên bờ sông và các trục đường đi bộ. Tương lai, các tuyến xe điện nhẹ này sẽ kết nối giao thông với bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh).

Quy hoạch lần này bố trí cho khu trung tâm TP thêm hơn 70ha cây xanh từ các khu công viên dọc bờ sông Sài Gòn, khu cây xanh cách ly và cây xanh trên vỉa hè.

Liệu khi có đồ án quy hoạch trên, TP có lập hội đồng để xem xét tầng cao của từng dự án? Ông Hồ Quang Toàn, phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, cho biết sở đang trình UBND TP phê duyệt thiết kế đô thị đến từng ô phố trong khu trung tâm. Sắp tới, các dự án đầu tư vào các ô phố sẽ phải tuân thủ thiết kế đô thị trên nên sẽ không còn chuyện xem xét, thương lượng để quyết định hệ số sử dụng đất của một số dự án như trước đây.

Tuy nhiên, thiết kế đô thị cũng cho phép các dự án được tăng hệ số sử dụng đất nếu như đáp ứng các tiêu chí về kết nối giao thông, chỉnh trang đô thị, tạo thêm công viên, mảng xanh cho khu vực...

Ranh giới khu trung tâm TP theo quy hoạch mới

Khu trung tâm TP.HCM diện tích 930ha gồm các phường: Nguyễn Thái Bình, Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, một phần P.Cầu Ông Lãnh, một phần P.Đa Kao (Q.1), P.6 và một phần P.7 (Q.3), các P.9, 12, 13, 18 (Q.4), P.22 và một phần P.19 (Q.Bình Thạnh). Ranh giới khu trung tâm gồm: bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh - rạch Thị Nghè; tây giáp đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám; nam giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Thái Học - Cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành; đông giáp sông Sài Gòn.

Dân số khu vực hơn 248.000 người; hệ số sử dụng đất là 3,80 (chưa tính đất công viên); chiều cao tối đa 230m; mật độ xây dựng từ 3-80.

Theo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, quy hoạch 1/2.000 đã được phê duyệt và sẽ có hiệu lực ngay. Trong đồ án đã có phân kỳ thời gian thực hiện. Hạng mục nào ưu tiên sẽ được tập trung làm trước. Đối với các tuyến phố đi bộ sẽ có những dự án riêng cho từng khu vực, đơn vị nghiên cứu sẽ có đề xuất về thời gian - tiến độ thực hiện.