Taxi Uber không an toàn?
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, cho rằng các xe sử dụng Uber để vận chuyển hành khách gây ra sự cạnh tranh thiếu công bằng bởi các xe tham gia thực hiện dịch vụ này không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật nhằm đảm bảo việc chở khách an toàn (khám sức khỏe định kỳ, tập huấn nghiệp vụ, giám sát lái xe).
Mặt khác, đối với đơn vị điều hành dịch vụ Uber này cũng không đảm bảo các quy định theo pháp luật Việt Nam như các đơn vị hoạt động taxi (không đăng ký kinh doanh, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh…). Bên cạnh đó, tài xế sử dụng dịch vụ Uber không chịu sự gò bó về mặt thời gian, không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào về điều kiện hành nghề.
Ngoài ra, Nhà nước sẽ thất thu thuế do ô tô cá nhân chở khách theo loại hình taxi vì không chịu sự kiểm soát của ngành thuế, ngành vận tải…
Đây là loại hình dịch vụ taxi không phù hiệu, không lôgô, đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác. Người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình. Ảnh minh họa
Hiện tại, chỉ có hành khách sử dụng thẻ visa card, master card để thanh toán chuyển khoản khi sử dụng dịch vụ Uber nên lượng hành khách đến nay cũng chưa nhiều. Do đó, nếu phần mềm này cho thanh toán chuyển khoản đối với các loại thẻ ATM thông thường thì lượng hành khách sẽ tăng lên đáng kể, khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự vận tải trên địa bàn TP đặc biệt đối với loại hình taxi, ông Hỷ nói.
Theo ý kiến của công an TP, nếu đi taxi Uber đơn vị điều hành xe là ai, người dân không biết. Tài xế không qua các lớp tập huấn, không biết được lái xe có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện hay không nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hành khách, kể cả nguy cơ gặp cướp có thể xảy ra do lái xe thực hiện.
“Bó tay” với dịch vụ này!
Theo quan điểm của Cục thuế TP, Uber là một phần mềm nằm trong kho ứng dụng dùng cho các điện thoại thông minh và việc thanh toán chi phí đi taxi Uber thực hiện bằng thẻ thanh toán quốc tế. Uber và chủ các xe này không đăng ký kinh doanh, không kê khai nộp thuế là bất hợp pháp, song Cục thuế không thể quản lý bởi công ty Uber nằm ở nước ngoài, việc thanh toán cũng thông qua tài khoản nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả khi xác định được địa chỉ cụ thể vẫn chưa chắc truy thu, nộp thuế được do không xác định được doanh thu.
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thì khẳng định, dù chủ thể điều hành hoạt động taxi Uber nằm ở nước ngoài nhưng nếu họ hoạt động bất hợp pháp thì có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn. Tuy nhiên, việc này phải kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét xử lý.
Công an TPHCM cho rằng, nếu CSGT có tổ chức trinh sát nhằm xác định xe taxi Uber chạy trái luật thì vẫn chỉ xử phạt vài trường hợp lẻ tẻ, không có ý nghĩa gì. Do vậy, vấn đề cần phải tuyên truyền để người dân hiểu biết, nhận diện đầy đủ các rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng loại hình này.
Đề nghị các bộ ngành vào cuộc
Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành trong cuộc họp, Phó Giám đốc Sở GTVT - ông Dương Hồng Thanh - đã đề nghị Sở công thương tiến hành kiểm tra văn phòng đại diện của Uber tại TPHCM có được cấp phép hoạt động hay không và xử lý theo các qui định hiện hành.
Sở GTVT sẽ chỉ đạo lực lượng Thanh tra thuộc Sở phối hợp với lực lượng CSGT công an TP và Hiệp hội taxi TP tiến hành kiểm tra phát hiện các trường hợp kinh doanh trái phép này và xử phạt hành chính theo qui định.
Các phương tiện thông tin đại chúng cần có các bài viết phân tích về những rủi ro có thể xảy ra đối với hành khách và cả chủ xe khi tham gia “dịch vụ Uber” để người dân biết và phòng tránh .
Theo ông Thanh, đây là hoạt động mới phát sinh tại TPHCM, để nhận diện và xử lý triệt để đối với vấn đề này rất khó. Do vậy, Sở GTVT đề nghị UBND TP kiến nghị Chính phủ giao các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông , Bộ GTVT nghiên cứu để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.