TP.HCM cũng chống 'dê xồm'

Nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng của TP HCM đưa ra, kể cả việc công an sẽ hóa trang để bắt tận tay kẻ quấy rối trên xe buýt.

Sáng 31/12, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM đã chủ trì, phối hợp với các sở Giao thông Vận tải (GTVT), Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Văn hóa và Thể thao, Công an TP, Thành đoàn... hiến kế chống nạn quấy rối trên xe buýt.

Không dễ xử

Nhận định việc xử lý “dê xồm” trên xe buýt không phải dễ nên các giải pháp ngăn ngừa, phòng chống được bàn nhiều như gắn camera có màn hình, chuông báo động, loa phát thành, micro cho tài xế trên xe buýt hay tuyên truyền cách phòng ngừa quấy rối tình dục cho phụ nữ trên các đài truyền hình, thậm chí công an sẽ hóa trang đi bắt “dê xồm” xử lý để làm gương.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP, cho biết Ủy ban ATGT quốc gia vừa có văn bản gửi TP HCM và Hà Nội yêu cầu khẩn trương phối hợp thực hiện các giải pháp chống quấy rối trên xe buýt.

“Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng rất thời sự, được nhiều người quan tâm. Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại TP Hà Nội và TP HCM khảo sát trên 2.046 người thì có 31% nữ sinh từng bị quấy rối trên xe buýt; các nhà chờ, công viên, bến xe là nơi phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối rất cao” - ông Tường thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trị, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng, cơ quan này chưa nhận được phản ánh cụ thể nào từ hành khách về việc bị quấy rối, có thể do họ ngại hoặc không biết phản ánh ở đâu.

Còn đại diện Sở GD-ĐT cho biết chưa ghi nhận trường hợp học sinh, sinh viên nào phản ánh bị quấy rối trên xe buýt. Tuy nhiên, thực tế đây là một vấn nạn tồn tại ở nhiều quốc gia và xảy ra không chỉ trên xe buýt mà còn những nơi công cộng.

Là đơn vị quản lý các tuyến xe buýt, ông Trị cho rằng nạn quấy rối tình dục có thể xảy ra trên những tuyến khách đông, chen lấn. Do đó, trung tâm sẽ rà soát tăng chuyến trên những tuyến đông khách vào giờ cao điểm để giải tỏa khách, không tạo cơ hội cho đối tượng quấy rối tình dục ra tay. “Trên những tuyến này sẽ gắn camera giám sát” - ông Trị nói.

Lo ngại việc gắn camera giám sát vượt khả năng tài chính của các doanh nghiệp xe buýt, bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Gia đình Sở Văn hóa và Thể thao, hiến kế: “Nên có loa phát thanh để tuyên truyền, lên án mạnh mẽ hành vi quấy rối. Nếu bắt được quả tang thì chụp hình kẻ quấy rối rồi dán ngay trên xe buýt”.

Tập trung phòng ngừa

Giải pháp phòng ngừa, tuyên truyền được bàn nhiều nhưng cách xử lý, chế tài đối tượng quấy rối tình dục như thế nào vẫn chưa có hướng ra.

Là người làm công tác tuyên truyền nhiều năm, bà Nhã phân tích: “Để xử lý hành vi quấy rối rất khó bởi nó chưa phải là xâm hại tình dục, đối tượng thường ra tay chớp nhoáng hoặc lợi dụng lúc xe thắng gấp để va chạm, sờ mó… nên cơ quan chức năng không có chứng cứ xử lý”.

Trung tá Phạm Minh Châu (Phòng Tham mưu Công an TP) cho rằng nếu giao đối tượng cho công an nhưng không có chứng cứ, nhân chứng thì cũng không xử lý được. Chưa kể, camera giám sát chưa chắc đã ghi được những hành vi khuất tầm nhìn.

Theo ông Châu, trước mắt nên tập trung các giải pháp phòng ngừa. Về lâu dài, sau khi Sở GTVT khảo sát, thống kê các tuyến xe buýt có nạn quấy rối thì Công an TP sẽ cử trinh sát hóa trang trên xe buýt, bắt tận tay kẻ quấy rối để xử lý làm gương.

Sẽ khảo sát tình hình

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết sắp tới, Ban ATGT TP sẽ giao một đầu mối khảo sát lại tình hình quấy rối tình dục trên xe buýt để đưa các giải pháp thích hợp cho từng sở, ngành. “Trước mắt, Sở GTVT triển khai gắn camera trên xe buýt, ưu tiên cho những tuyến đông khách; Sở GD-ĐT tuyên truyền cách phòng chống quấy rối đến học sinh, sinh viên...” - ông Tường yêu cầu.