Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: Trong khi chờ xây dựng cơ sở vật chất mới nhằm giảm tải ở các bệnh viện thì giải pháp trước mắt là tận dụng số cơ sở vật chất hiện có, đặc biệt là số giường bệnh hoạt động chưa hết công suất tại các bệnh viện quận, huyện để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Có thể thí điểm mô hình, đặt các phòng khám vệ tinh của các bệnh viện lớn, uy tín tại các bệnh viện quận, huyện hoạt động chưa hiệu quả.
Quá tải trầm trọng tại bệnh viện Ung Bướu TP HCM
Theo báo cáo của Sở Y tế TP HCM, trong khi các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành của thành phố đang quá tải trầm trọng, 2 – 3 bệnh nhân/giường bệnh thì tại các bệnh viện quận, huyện, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt khoảng 60%, có nơi công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt 40%. Mặc dù, thành phố đã tăng cường đội ngũ y, bác sĩ, chuyển giao kĩ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới nhưng bệnh nhân vẫn ồ ạt đổ về tuyến trên do họ đã đặt niềm tin vào chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến trên, muốn thay đổi nhận thức này phải có thời gian chứ không thể trong một sớm một chiều.
Trong tháng 2/2012, TP HCM tiếp tục đưa 59 bác sĩ đến 12 bệnh viện quận, huyện để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đây. Trước đó, Sở Y tế thành phố cũng đã biệt phái 30 cán bộ y tế gồm bác sĩ và điều dưỡng của 10 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành thành phố đến 4 bệnh viện: Cần Giờ, Bình Chánh, Bình Tân, Nhà Bè để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hiện nay, tại các bệnh viện quá tải, mỗi ngày phải nhận khám và điều trị ngoại trú vượt hơn 2.000 – 3.000 lượt bệnh nhân/ngày. Quá tải bệnh viện diễn ra trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị, dễ xảy ra sai sót như: khám bệnh qua loa và khó kiểm soát nhiễm trùng bệnh viện. Ngoài ra, quá tải cũng làm ảnh hưởng đến tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên do mệt mỏi, căng thẳng dễ dẫn đến cáu gắt.
Hiện nay, TP HCM đang triển khai 3 dự án y tế quan trọng nhằm tăng cường số giường bệnh, cơ sở vật chất tại các quận, huyện ngoại thành để giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện nội thành. Các dự án bao gồm: Cụm Viện trường với diện tích 105ha tại huyện Củ Chi, Cụm Y tế Bình Chánh trên diện tích 54ha và Dự án các bệnh viện cửa ngõ gồm 6 bệnh viện và 1 trung tâm xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến, đến năm 2015 khi các dự án hoàn thành, TP HCM sẽ có thêm 5.500 giường bệnh. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2015 giảm tình trạng quá tải bệnh viện được 50% và năm 2020 giảm tải được từ 70 – 80%.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Biết – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, việc triển khai các dự án trên cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế… Giá bồi thường các dự án đa số không được sự đồng tình ủng hộ của người dân, đồng thời một số dự án do công tác quản lí yếu kém đã làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Hiện nay, Cục Quản lí khám chữa bệnh Bộ Y tế đang khảo sát ý kiến để xây dựng Đề án giảm tải bệnh viện, trước mắt tập trung giảm tải ở các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành ở Hà Nội và TP HCM; trên cơ sở đề án này, các địa phương sẽ lập ra kế hoạch giảm tải bệnh viện cụ thể phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương mình.