Phát biểu ở vòng thứ ba của phiên họp khẩn cấp về Ukraine tại Hội đồng Bảo an hôm qua, đại sứ Nga Vitaly Churkin cho hay ông Yanukovych đã gửi văn bản yêu cầu đến Tổng thống Putin hôm 1/3.
Theo ông Churkin, "những phần tử cực đoan" đã chiếm quyền ở Ukraine, dưới sự xúi giục của các cường quốc phương Tây, và đang đe dọa đến tính mạng cũng như những lợi ích hợp pháp của người Nga".
Trích dẫn lá thư của ông Yanukovych mà ông Churkin cũng sao ra một bản để cho tất cả cùng xem, đại sứ Nga đọc: "Ukraine đang nằm bên bờ vực của một cuộc nội chiến. Trong nước đang xảy ra tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ".
"Dưới sức ảnh hưởng của các nước phương Tây, có những hành động khủng bố và bạo lực công khai. Người dân đang bị bức hại vì ngôn ngữ và những lý do chính trị.
Vì vậy, tôi kêu gọi Tổng thống Nga, ông Putin, sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để tạo dựng tính hợp pháp, hòa bình, luật pháp và trật tự, ổn định, cũng như bảo vệ người dân Ukraine".
Nga đã kêu gọi tổ chức phiên họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, nơi ông Churkin tuyên bố sẽ làm rõ lập trường của Nga về Ukraine.
Tuy nhiên, bài phát biểu ngắn của ông đã gây ra phản ứng gay gắt từ các đại sứ Anh, Pháp và Mỹ, những quốc gia cáo buộc Nga đang tìm cớ để biện minh cho sự vi phạm luật pháp quốc tế.
Đại sứ Mỹ Samantha Power chỉ trích các tuyên bố của Nga là không có cơ sở thực tế và không có bằng chứng bạo lực nào chống lại người Nga hay cộng đồng ủng hộ Nga ở Ukraine.
"Hành động quân sự của Nga không phải là nhiệm vụ bảo vệ nhân quyền. Đó là sự vi phạm luật quốc tế", bà nói. "Việc điều động quân của Nga là phản ứng trước một mối đe dọa tưởng tượng. Hành động quân sự không thể được biện minh dựa trên những mối đe dọa chưa từng xảy ra và không hề xảy ra".
Đại sứ Anh Mark Lyall Grant đồng tình với ý kiến trên của bà Power, chỉ trích mạnh mẽ "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế" của Nga và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Hôm 1/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có sự bất đồng tương tự khi các quốc gia phương Tây yêu cầu Moscow rút quân khỏi bán đảo chiến lược nằm bên bờ Biển Đen, nơi có đa số dân cư thuộc tộc người Nga.
Chính quyền lâm thời của Ukraine, những người lên nắm quyền sau khi ông Yanukovych bỏ trốn sang Nga hồi cuối tháng hai, cho biết hôm qua rằng quân đội Nga vẫn đang đổ bộ vào bán đảo Crimea, phía nam nước này.
Crimea, nơi hải quân Nga đóng quân từ thế kỷ 18, đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng tự vệ ủng hộ Kremlin. Những tay súng đã chiếm giữ nhiều căn cứ quân sự của Ukraine tại nước cộng hòa tự trị này những ngày qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cho rằng Nga đã gửi thêm 6.000 binh sĩ đến Crimea.