Trong vài tháng tới, các nhà thiên văn học sẽ tập trung hướng kính thiên văn vào Kepler-62, một ngôi sao thuộc chòm sao Lyra, có kích thước nhỏ hơn và tối hơn Mặt trời, nằm cách Trái đất khoảng 1.000 năm ánh sáng.
Các nhà thiên văn học đã khám phá ra hai hành tinh, được gọi là “Siêu Trái đất”, bên trong “khu vực có thể có sự sống” của ngôi sao nói trên, nơi có nhiệt độ đủ ấm để một lớp nước như đại dương và sông hồ có thể tồn tại trên bề mặt.
Kepler-62f, một trong hai hành tinh nói trên, được cho là có bán kính rộng gấp 1,4 lần Trái đất, trong khi Kepler-62e thì được ước tính là có bán kính rộng gấp 1,6 lần, theo Telegraph.
Ngôi sao mà hai hành tinh này quay xung quanh “già” hơn Mặt trời đến khoảng hai tỉ năm, khiến các chuyên gia thiên văn học đặt giả thiết rằng sự sống, nếu có, trên hai hành tinh sẽ tiên tiến hơn Trái đất.
Telegraph đưa tin cho biết hai hành tinh này sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chương trình Tìm kiếm Sự sống Ngoài Trái đất (Seti). Đây là một chương trình được tài trợ bởi nhiều nguồn tư nhân tại Mỹ.
Được biết, hai hành tinh này được kính viễn vọng không gian Kepler của NASA tìm thấy.