Hôm nay dư luận bàng hoàng, rúng động vì vụ hai bảo mẫu ở Thủ Đức hành hạ tàn nhẫn các em bé. Xem clip quả thật là kinh khủng đấy và cũng có tí rùng mình khi nhớ về thời ngày xưa đi nhà trẻ. Không hiểu các bậc phụ huynh có bao giờ tự hỏi tại sao mấy chữ “đi nhà trẻ” phần lớn là nỗi ác mộng với con trẻ ở nhiều thời kỳ hay không? Ở thời nào cũng có những nhân vật hổ báo thế kia, chỉ khác là ngày xưa, sức mạnh truyền thông nó chưa lớn như bây giờ thôi không thì dư luận cứ gọi là ngày ngày hốt hoảng với phẫn nộ.
Cái bộ máy giáo dục nó đã thế từ ngày xưa rồi và cứ thế truyền đi, truyền lại; chỉ khác nhau ở mức độ thôi chứ trường mẫu giáo – mầm non nào cũng có mầm mống bạo lực. Không hiểu có phải là triệt để câu nói của cha ông ta ngày xưa là “Thương cho roi, cho vọt; ghét cho ngọt, cho bùi” hay không?
Lần đầu tiên tôi biết đến hai từ “nhà trẻ” là năm 2 tuổi, được bố mẹ ngày ngày gửi sang nhà một bà giáo già ở ngay bên đường. Hồi đấy mang tiếng là “nhà trẻ” nhưng lớp chỉ có… 2 đứa. Ngày ngày bà giáo cho hai đứa ngồi chơi đồ chơi xong đến trưa thì bố mẹ đi làm về lại chạy sang đường bế về cho ăn. Lúc đó thấy nhà trẻ cũng vui vui, hay hay và nhẹ nhàng vì nhà bà giáo có quá nhiều đồ chơi hay, lại còn có bạn đồng trang lứa chơi cùng.
Nhưng đến khi chuyển nhà lúc 4 tuổi và bắt đầu đi mẫu giáo (cách nhà khoảng 5 phút đi bộ) thì cơn ác mộng mới thực sự bắt đầu…
Hồi xưa thì chả mấy nhà có điều kiện, và có điều kiện thì cũng chẳng biết tìm đâu ra “mẫu giáo quốc tế”, “mầm non hữu nghị” để gửi gắm con em mình. Chính vì thế, cứ nhà ở đâu thì gửi con ở nhà trẻ gần đó. Đi mẫu giáo mới thấy bước vào một xã hội thu nhỏ.
Cô giáo lúc đón nhận các bé từ tay bố mẹ thì niềm nở, nụ cười tỏa nắng nhưng chỉ ngay sau đó thôi là mắt bắt đầu trừng trừng, long sòng sọc và ngón trỏ hoạt động hết công suất. Học mẫu giáo thì có hai kiểu cô giáo, một là cực ghê gớm hai là quá hiền vì… chẳng cần quan tâm các bé làm gì, chơi gì – thân ai nấy lo. Cũng chẳng trách các cô được vì đồng lương giáo viên mầm non quá ít ỏi đâm ra chắc các cô làm cũng theo kiểu miễn cưỡng. Chẳng biết trong hàng vạn người theo nghề này, có mấy ai là yêu nghề thật sự?
Hai bảo mẫu đánh đập trẻ nhỏ khiến nhiều người kinh hoàng
Học mẫu giáo thì các lớp cũng chia ra ba kiểu là mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ với mẫu giáo lớn. Đâm ra có khi một lớp có rất nhiều lứa tuổi học. Đứa nào to, béo thì bắt nạt đứa nhỏ và gầy hơn. Đúng theo kiểu một xã hội thu nhỏ - kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu. Bị đánh mà ra mách cô thì có khi cô phạt cả hai đứa cũng nên nên thôi cứ an phận chờ thời cơ… trả thù.
Ngày bé tôi bị suy dinh dưỡng nên thấp bé, còi cọc và ở trong nhóm hay bị bắt nạt. Học mẫu giáo thời đấy thì đã làm gì có dạy đọc, dạy viết nên chỉ có chơi các trò như thợ xây, địa chủ, xếp hình thì bao giờ cô giáo cũng cho mấy đứa to khỏe làm thợ xây (mang tiếng là thế nhưng thực ra là ngồi xếp mấy cái bao thuốc lá thành hình nhà cửa) còn mấy đứa còi cọc thì bao giờ cũng ở trong nhóm dọn dẹp đồ chơi khi cả lớp chơi xong, bon chen mãi lên làm thợ xây không được. Các cô cũng chẳng bao giờ chú ý tới việc này, cứ phân công xong “công việc” cho các bé là các cô ngồi chơi với một – hai bé xinh xắn nhất lớp hoặc chạy đi đâu đó làm việc khác.
Mấy đứa to khỏe thì đương nhiên bao giờ cũng ăn nhanh nhanh vội vội vàng vàng để ra chơi tiếp. Mà thực ra chúng nó nuốt cơm thì đúng hơn là ăn cơm. Thức ăn ở mẫu giáo đúng là một nỗi kinh hoàng không bao giờ quên được. Mùi thì ngây ngất thôi rồi. Đến giờ cơm cô giáo cầm xô cơm như một nồi cám đi cho các “bé heo” ăn. Những đứa lười ăn thì bao giờ cũng ngâm đến hàng tiếng đồng hồ, bát cơm chan canh nở trương lên mà chưa xong.
Sau này nghĩ lại mới thấy có khi thức ăn mẫu giáo như thế là một trong những lý do khiến con trẻ lười ăn. Vẫn còn nhớ miếng thịt luộc mà đỏ lòm trong bát cơm nhìn đã hãi, huống chi cho vào miệng nhai, chưa kể miếng thịt đấy đã hòa vào với nước canh và cơm nở, trông bát cơm đúng là chả khác gì cám cho lợn ăn.
Nhưng đứa nào mà không ăn xong lúc chuẩn bị tới giờ ngủ là bắt đầu các cô vào cuộc. Mở đầu là cầm lấy bát và thìa, mắt trợn lên: “Nào, há mồm to ra”, “Nuốt!”. Không chịu nuốt thì nhẹ là “Cái tai đâu rồi? Cái mồm không chịu nhai cơm thì có thích lấy cái phễu cắm vào tai xong đổ cơm vào đấy không?”. Nặng thì là mấy màn véo tai, giật tóc kéo ra đằng sau hay là bóp cổ, bóp má rồi bón liên tiếp cho tới khi đứa bé một là phun ra (sẽ bị phạt úp mặt vào tường và không được chơi đồ chơi), hai là cố nuốt chửng xong bắt đầu tống nước vào cho trôi. Bảo sao hồi đó có bài hát gì mà có câu “cô giáo như mẹ hiền” nhưng lũ trẻ con toàn chế lại thành “cô giáo như mẹ mìn”.
Ngày đó bố mẹ lại còn hay “thông đồng” với cô giáo nữa. Mách thì chỉ tổ “Ai bảo không chịu ăn, hư rồi lại nghịch cơ” xong quay sang cô giáo: “Cô cứ thật ghê, thật nghiêm vào để nó sợ, nó phải chịu ăn không nó lười ăn lắm cô ạ, bố mẹ ở nhà nói không được”. Thời xưa nó thế chứ bây giờ báo chí phát triển, sau bao câu chuyện bố mẹ lại chả quá xót con.
Cảnh ngủ chung của những đứa trẻ mẫu giáo (ảnh minh họa)
Giờ ngủ trưa cũng có nhiều câu chuyện bi hài kịch không kém. Cả lớp có một, hai cái chăn dạ thì cứ một nhóm đắp chung. Chăn thì ẩm mốc xong lại đắp kín quá nên có đứa nào “thả bom” trong chăn thì lúc ngủ dậy lật chăn lên cứ gọi là ngây ngất. Các cô thì mỗi người cầm một cái thước dài đi quan sát từng đứa một xem ngủ hay chưa, đứa nào ngọ nguậy thì vụt tay, vụt chân hoặc thậm chí là vụt cả vào đầu. Thời trẻ con ngày xưa thì có mấy đứa ngủ được buổi trưa, càng bắt ép lại càng sinh ra các thủ đoạn giả vờ ngủ. Đến giờ các cô chăn ấm đệm êm đi ngủ thì bọn trẻ lại bắt đầu lục đục. Đứa ngồi cậy chiếu xong cho vào mồm nhai, đứa thì ngoáy mũi ra cả đống gỉ xong bôi vào mồm đứa đang ngáy chảy hết cả nước dãi bên cạnh, đứa thì hí hoáy giở món đồ chơi đã thủ sẵn từ lúc ăn xong ra mần, cặp thì cắn tai – nhổ lông mày cho nhau.
Nếu những cái trên là tra tấn về mặt thể chất thì trò tổng kết, phát phiếu bé ngoan cuối ngày của các cô là kinh hãi nhất về khoản tra tấn tinh thần. Phát phiếu bé ngoan cho những đứa ngoan, ăn nhanh, hay ngủ trưa hoặc là xinh xẻo nhất lớp rồi tung hoa tận giời thì đã đành nhưng bao giờ cũng phải có trò kể tội những đứa hư, ăn chậm, khiến các cô phải mệt mỏi và kết thúc bao giờ cũng là trò: “Đấy, cả lớp ê bạn đi nào”. Xong rồi những gương mặt đồng trang lứa bắt đầu phá lên cười và giơ tay hô vang: “Êeeeeeeeeee”, cô giáo ngồi bên thì: “Đấy, thấy đáng xấu hổ chưa?”. Bảo sao thời này qua thời khác cứ bao nhiêu trẻ tự kỷ ám thị. Cái đứa nghịch và trơ từ bé thì không sao chứ những đứa nào hơi chậm chạp, yếu ớt thì cái lúc đấy chỉ biết cúi gầm mặt và muốn đào ngay một cái lỗ để chui xuống thôi.
Không hiểu mọi người thế nào chứ với tôi thì cái ký ức thời đi nhà trẻ nó quá kinh hãi. Vẫn nhớ sợ đi mẫu giáo đến nỗi có ngày không chịu đi, bố cắp nách lên bắt đi thì gào thét và cào suýt rách mặt bố trong cả quãng đường đi bộ từ nhà cho tới cổng nhà trẻ. Bố thì không mách nhưng mẹ là sẽ vào mách cô giáo và nhờ cô giáo “xử lý”. May mà đến lúc 5 tuổi là thoát kiếp mẫu giáo khi được mẹ cho đi học dự thính luôn lớp một ở trường tiểu học. Thoát khỏi những bữa ăn kinh khủng, những màn hành hạ thể chất và tinh thần ở trường mẫu giáo là như bước sang một thế giới mới rồi. Nói chung cái câu“Yêu cho roi, cho vọt; ghét cho ngọt, cho bùi” tôi chưa bao giờ thấy đúng và tán thành cả, ít nhất là cho đến bây giờ.
Đó là những thời khắc kinh khủng nhất của một đứa con trai 8x đã trưởng thành như tôi. Bây giờ nhớ lại vẫn còn kinh hoàng cái thời mẫu giáo. Thế mà, với cái xã hội hiện đại và văn minh hơn nhiều này, vẫn còn có những trường mẫu giao tư thục, những cô giáo thiếu nhân cách hành hạ một cách không thương xót bao thế hệ trẻ nhỏ đáng yêu của chúng ta. Thật sự càng nghĩ lại, càng thấy cay cay sống mũi.