Đó là tâm sự của tử tù Đỗ Minh Hải – kẻ thủ ác gây ra vụ án mạng kinh hoàng giết chết hai đứa trẻ ở ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai vào năm 2005. Dù xảy ra cách đây gần 8 năm nhưng vụ án chiếc đài cassette cài bom khiến người ta cảm thấy kinh hãi như vừa mới xảy ra. Bi kịch bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ nhưng gã hàng xóm vốn là một bộ đội có nhiều đóng góp cho xã hội đã lên kế hoạch giết người suốt 2 năm hết sức tinh vi…
Tội ác:
Chế bom mang sang nhà hàng xóm, 2 đứa trẻ tử vong
3h sáng ngày 8/6/2005, vùng quê yên tĩnh vẫn còn chìm trong màn sương mờ của một đêm chưa tàn bỗng rung chuyển vì tiếng động nổ vang trời, kinh thiên động địa. Họ vội chạy ra ngoài xem chuyện gì vừa xảy ra thì hốt hoảng nhìn thấy nhà của Lê Ngọc Đai nghi ngút khói, mùi thuốc nổ nồng nặc tỏa ra cả khu vực. Những tiếng kêu la thảm thiết xen lẫn tiếng gào khóc của giọng trẻ con.
Giây phút ấy khiến bất cứ ai có mặt tại hiện trường sững người trước một cảnh tượng hết sức hãi hùng. 4 đứa con của ông Đại nằm bất động, quằn quại trên nền gạch vương vãi máu, miếng tường gạch rộng hơn 2 mét vuông đã bị thổi tung, nền nhà bị lõm thành hố, tường xung quanh đều bị nứt, mái tôn bị thổi bay, đồ đạc trong buồng xáo trộn tứ tung…
Dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng hai cháu Lê Trọng Giao (17 tuổi) và Lê Thị Nga (10 tuổi) đã chết trên đường, còn hai cháu Lê Trọng Đoàn (12 tuổi) và Lê Trọng Kết (15 tuổi) bị thương rất nặng.
Nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bước đầu công nhân đặt giả thuyết vụ nổ xảy ra từ chiếc đài cassette cũ do có người cài bom.
Qua sàng lọc hàng trăm lượt người, Ban chuyên án nhận thấy người hàng xóm của ông Đạt là Đỗ Minh Hải (58 tuổi) là có biểu hiện nghi vấn nhất. Sau hơn 2 năm kiên trì đeo bám, ngày 4/9/2007, cơ quan điều tra quyết định bắt giữ Đỗ Minh Hải để điều tra về hành vi giết người. Khám xét nhà của đối tượng, cơ quan điều tra thu được những bằng chứng quan trọng liên quan đến việc nghi can từng mua chiếc đài cassette ở TP HCM và từ đây lộ ra kế hoạch giết người dã man của một quân nhân.
Tại cơ quan điều tra, Hải cúi đầu khai nhận toàn bộ hành vi giết người của mình: Hải khai lấy máy cassette nhét 2 bên loa 2 thỏi thuốc nổ TNT, gắn kíp nổ với dây nguồn của máy, dùng một bao nilon (loại bao 50kg) bỏ vào 5kg hạt điều, chiếc máy gài thuốc nổ được cho vào cùng. Sau đó chở chiếc bao này đến đặt vào bên hông phía sau nhà ông Đạt rồi quay về nhà chở con trai đi thi tốt nghiệp như chưa có chuyện gì xảy ra.
Ngày ông Hải sa lưới, người dân trong vùng hết sức bất ngờ bởi lẽ ông luôn là một con người tốt bụng. Thế nhưng chỉ vì tranh chấp lối đi, Hải đã đánh mất chính mất.
Tại phiên tòa thúc thẩm ngày 19/6/2009, Hải nghẹn giọng nói: “Cáo trạng không thể hiện hết sự thật của vụ án. Suốt một thời gian dài ông Đạt gây hấn, khiêu khích, xúc phạm tôi. Tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, đã được nhận rất nhiều huân chương vẻ vang… Tôi không thể chịu được. Tôi chỉ muốn cảnh cáo ông ta chứ không có ý định giết những đứa trẻ. Tôi chỉ giận cha chúng chứ không ghét bỏ chúng. Tôi xem chúng như con và đã từng xin một đứa làm con nuôi của mình”.
Vợ chồng ông Đạt và nỗi đau mất con không thể nào nguôi ngoai
Sám hối:
Đêm đêm nguyện cầu mong tha thứ
Dù bao biện thế nào đi chăng nữa nhưng tội lỗi mà Hải đã gây ra với những đứa trẻ là không thể tha thứ. Kẻ tử tù viết đơn kháng cáo nhưng không được chấp thuận… “Tại phiên tòa, lời nói cuối cùng, tôi xin lỗi gia đình nạn nhân và đêm đêm tôi khấn nguyện cầu mong hai cháu tha tội. Tại tòa, gia đình nạn nhân cũng xin tòa giảm án cho tôi. Hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và hàng trăm bà con chòm xóm cũng viết đơn xin tha tội chết cho tôi.
Nhiều đêm nằm trong trại, tôi không thể chợp mắt được vì ân hận và tiếc nuối. Khi tạo ra bom bỏ trong cassette, tôi nghĩ cao lắm chỉ gây thương tích cho Đạt chứ đâu ngờ... Tội ác ấy đã phủi sạch những thành quả cả đời tôi gầy dựng.
Tôi có năm đứa con, chưa đứa nào có gia đình. Thằng lớn nhất học hết lớp 12, không đỗ đại học, vào trung cấp điện rồi đi bộ đội. Khi tôi bị bắt, nó không phấn đấu lên sĩ quan nữa. Hai thằng kế đang học đại học năm cuối. Mỗi lần vợ con lên thăm, tôi thường động viên các cháu cố gắng học hành, đừng vì hình ảnh không tốt của cha mà xao lãng…” - ông Hải rơm rớm nước mắt.
“Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình về tội giết người, y án như tòa sơ thẩm đã tuyên. Về trại giam, tôi buồn và nghĩ cuộc đời đã chấm hết một cách không xứng đáng. Tôi lầm lỳ, im lặng trong bốn bức tường cô quạnh, lo sợ ngày bị thi hành án. Đến 3, 4 giờ sáng, khi bình minh ló dạng, khu vực tử tù không nghe tiếng mở cửa, không có tử tù bị thi hành án thì tôi mới chợp mắt được. Quản giáo động viên và cho biết theo quy định pháp luật, phạm nhân bị kết án tử hình vẫn còn cơ hội sống nếu chủ tịch nước có quyết định ân xá tha tội chết. Tôi chợt bình tâm trở lại. Khát vọng được sống dù rất mong manh trỗi dậy mãnh liệt trong tôi. Tôi hy vọng, chờ đợi đến bình minh, ngày chủ tịch nước ban hành quyết định ân xá”.
Họ được coi là những tên giết người máu lạnh, kẻ thủ ác, giết người không ghê tay nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, họ đã phải cúi đầu. Loạt bài Tội ác sám hối ghi lại quá trình phạm tội và sự ăn năn hối cải. Mời bạn đọc theo dõi vào lúc 6h sáng thứ Tư hàng tuần trong chuyên mục An ninh hình sự - Tòa án lương tâm trên Xahoi.com.vn |