Tòa có làm rõ được “người giấu mặt” giúp Dương Chí Dũng chạy trốn?

Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng cho biết bị cáo này không nhận tội nhưng cũng không chối tội và luôn bình tĩnh trong quá trình điều tra.

Sáng 7/1, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng và 6 bị cáo đồng phạm trong vụ tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.  

Ngày 6/1, trao đổi với Một thế giới, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Dương Tự Trọng) cho biết trong quá trình điều tra, thân chủ của mình “luôn giữ được sự bình tĩnh và kiên định”.

“Với kinh nghiệm của một người đã từng làm thủ trưởng cơ quan điều tra của một địa phương lớn và với cá tính của mình, bị cáo Trọng sử dụng đúng những quyền mà pháp luật cho phép. Ông Trọng không nhận tội nhưng cũng không chối tội”, luật sư Hưng cho biết.

Theo ông Hưng, ông Trọng chỉ muốn được các cơ quan tiến hành tố tụng đối xử công bằng, theo đúng quy định của pháp luật. Các luật sư cũng đã phát hiện một số nội dung trong cáo trạng cáo buộc “chưa công bằng” với thân chủ của mình và sẽ trình bày trước tòa.

Cạnh đó, luật sư Hưng cho rằng việc cơ quan điều tra tách vụ án “có người báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn” ra khỏi vụ án của Dương Tự Trọng để điều tra thành một vụ án khác là chưa hợp lý.

“Tình tiết này mới chính là gốc rễ của vụ án, nó là điểm khởi đầu của việc các bị cáo tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài như cáo buộc của VKS. Cơ quan tiến hành tố tụng  chưa chứng minh được ai là người báo tin mà đã khép ông Trọng vào cai trò chủ mưu của vụ án là chưa chặt chẽ”, luật sư Hưng phân tích.

Cũng theo luật sư Hưng, nếu trong phiên tòa, ông Dương Chí Dũng khai ra người báo tin cho mình thì có thể tòa sẽ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

“Trong phiên tòa này, ông Dương Chí Dũng cũng bắt buộc phải có mặt để làm rõ những tình tiết của vụ án. Trong trại giam, ông Trọng cũng đã biết tòa đã tuyên án tử hình với anh trai mình và nói rằng mức án đó là không hợp lý”, luật sư Hưng nói.

Ngoài luật sư Hưng, bị cáo Dương Tự Trọng còn mời luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (đoàn luật sư Hà Nội) bảo vệ quyền lợi cho mình. Bị cáo Trọng bị VKSND Tối cao truy tố theo Khoản 3, Điều 275 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử mình và các đồng phạm về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong, bị cáo Dương Chí Dũng đã kiên quyết không khai ra danh tính của người báo tin cho mình. Ông Dũng cho rằng mình đã khai tại cơ quan điều tra và đây là vụ án khác nên "không tiện nói ra" và "nếu bắt buộc thì tôi sẽ nói trong vụ án đó".

Theo quy định của Bộ luật hình sự, tội cố ý làm lộ bí mật công tác có mức án án cao nhất từ 2 đến 7 năm tù và cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm. Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; làm mất bí mật công tác có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, cấm đảm nhiệm chức vụ từ 1 đến 5 năm.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, vụ án tại Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” nên thường chỉ có những cán bộ cấp cao, có nhiệm vụ trực tiếp mới biết trước thông tin Dương Chí Dũng bị khởi tố. Do đó, danh tính của nhân vật bí ẩn này là câu hỏi lớn mà dư luận đang chờ sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm.

Các bị cáo trong vụ án gồm Dương Tự Trọng (em trai Dương Chí Dũng, nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an); Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – PC45, Công an Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ PC45 Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng, đối tượng truy nã của Công an TP Hồ Chí Minh); Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn” là giang hồ có máu mặt tại các tỉnh phía Bắc) và Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng).