Tuy nhiên, trao đổi với PV, cũng có nhiều bác sỹ, đồng nghiệp đã đưa ra những góc nhìn khác về vị bác sỹ được gọi là… "đồ tể".
Nói chuyện cả tiếng đồng hồ về.. “nhân sinh quan”
Chia sẻ với PV,TS.Nguyễn Huy Thọ, nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình và hàm mặt (bệnh viện 108) cho biết: "Tôi biết bác sỹ Tường vì bác sỹ này từng có thời gian học ở viện 108. Bác sỹ Tường là người triết lý, anh ấy có thể nói chuyện hàng giờ về triết lý cuộc sống. Qua tâm sự, tôi thấy anh là một người hiểu biết, suy nghĩ cuộc đời, cuộc sống rất sâu sắc. Và không ai nghĩ anh ấy lại làm việc dại dột, hồ đồ như vậy".
Trao đổi với báo chí, một người bạn cùng học đại học Y với bác sỹ Tường cho hay: "Cậu ấy hiền lành, gần gũi và hòa đồng với mọi người. Việc Tường gây ra pháp luật sẽ xử lý. Tôi nghĩ lúc hành động như vậy cậu ta đang bị rối trí bởi cái chết của bệnh nhân. Những người bạn cùng học ngày xưa ở trường đại học Y cũng đã ngồi lại với nhau, bàn cách giúp đỡ mẹ già và đứa em gái bị bệnh down của Tường, vì Tường là chỗ dựa duy nhất của họ cả vật chất và tinh thần".
Những nhận xét của đồng nghiệp, bạn bè về bác sỹ Tường có nhiều góc nhìn khác nhau. Lạ lùng ngay cả những khách hàng đã từng gặp "sự cố" cũng có cách nhìn khá bao dung. Chia sẻ với PV, bạn T.T.H - một trong năm khách hàng gặp "sự cố" sau khi phẫu thuật làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cát Tường tâm sự: "Mặc dù tôi có làm đẹp ở đây và bị biến chứng nhưng thú thật tôi cũng không oán trách bác sỹ vì tôi vẫn nghĩ đó là tai nạn nghề nghiệp. Ngay sau khi báo chí đăng tải thông tin bác sỹ Tường bị bắt, bố mẹ tôi rất phẫn nộ và cho rằng vị bác sỹ này chẳng có trình độ chuyên môn gì. Lúc đó, tôi vẫn bênh vực bác sỹ lắm. Vì trong quá trình tiếp xúc tôi thấy ông rất điềm đạm, tốt bụng và tư vấn khách hàng ân cần. Tôi còn được biết, có trường hợp bệnh nhân đến nhờ bác sỹ Tường khám bệnh nhưng ông không lấy tiền. Nhưng đã nhiều ngày trôi qua, xác nạn nhân vẫn chưa tìm thấy, tôi thì phải tìm đến bệnh viện để làm lại phẫu thuật để xử lý biến chứng của mình, thú thật tôi cũng thầm trách vì sao bác sỹ chỉ có chứng chỉ ngoại khoa mà lại quảng cáo có chứng chỉ thẩm mỹ để lừa dối khách hàng và gây hậu quả cho những người đã tin tưởng vào bác sỹ. Giờ thì tất cả những sự "bênh vực" của tôi trước các thành viên trong gia đình cũng không thể được nữa rồi. Gia đình tôi rất tức giận vì biến chứng mà tôi đã trải qua".
Bác sỹ Thọ nhận, định bác sỹ Tường là người suy nghĩ về cuộc sống khá sâu sắc.
Nhận định về sự việc bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường- Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường phi tang xác nạn nhân sau khi phẫu thuật hút mỡ bụng, nâng ngực không thành công, một bác sỹ bộc bạch: "Tôi là bác sỹ ngoại khoa và tôi có thể hiểu tâm trạng của một bác sỹ khi đánh mất sinh mạng bệnh nhân. Từ lúc cấp cứu xong, cấp cứu thất bại ngay trên bàn mổ là tâm trạng của bác sỹ đã hoàn toàn khác rồi. Khi ấy "không còn là tôi nữa" mà tất cả những suy nghĩ chỉ loáng thoáng trong đầu. Tôi lấy ví dụ, loáng thoáng là tương lai sẽ mất, bằng mất, gia đình mất, vợ con mất, đi tù, bồi thường... Lúc đó, cái gì đến cũng rất lơ mơ, bác sỹ đã rơi vào trạng thái khác- trạng thái tâm thần không bình thường. Nói bằng ngôn ngữ hình ảnh thì đó là trạng thái "bồng bềnh", còn nói bằng ngôn ngữ y khoa thì đó là một stress đối với một bác sỹ. Và khi stress thì điều gì cũng có thể xảy ra".
Trong khi dư luận hết sức bất bình trước vụ việc bác sỹ Tường vứt xác khách hàng xuống sông, BS. Huỳnh Văn Bình (bệnh viện Nhân dân Gia Định) đã viết những dòng tạ lỗi thay mặt cho những người làm trong ngành y khiến dư luận khá quan tâm. BS.Bình viết: "Sáng 22/10 khi đọc những dòng tin trên báo về hành vi quăng xác xuống sông Hồng nhằm phi tang của BS.Tường, con như không tin vào mắt mình. Con cứ đọc đi đọc lại, rồi con cứ tự biện minh cho bản thân rằng đây là sự trùng hợp, bệnh nhân sau khi đi làm thẩm mỹ về thì bị cướp, có nằm mơ con cũng không thể tưởng tượng một bác sỹ mà có thể hành động như vậy. Giờ đây, mọi chuyện đã rõ, một bác sỹ hành nghề y bất cứ lúc nào cũng phải đối mặt với tai biến, bác sỹ luôn được dạy là tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng chúng ta phải làm sao để cứu người bệnh để sự ảnh hưởng của tai biến là nhỏ nhất. Cho dù là một con người bình thường thì cũng không ai có thể nhẫn tâm làm trò thương thiên hại lý như vậy, đã sai lại càng sai, sự tàn nhẫn ấy là cùng cực rồi.
...Thưa bà con, chuyện đã xảy ra, con chân thành xin bà con hãy tha lỗi cho chúng con, nhưng con tin rằng trong xã hội này vẫn còn rất nhiều thiên thần áo trắng...".
Những lời tạ lỗi của vị bác sỹ trên cho thấy, ngay cả những người trong nghề cũng khó có thể chấp nhận hành động của một lương y dù cho người đó đang rơi vào trạng thái "bồng bềnh"!
Gặp "sự cố" do kíp phẫu thuật không đủ người?
Theo một bác sỹ đầu ngành về thẩm mỹ, phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng đòi hỏi trình độ thẩm mỹ cao và tay nghề bác sỹ lâu năm. Việc này chỉ được thực hiện tại bệnh viện và là bệnh viện phải có quy trình quản lý chặt chẽ và đủ trang thiết bị. Tại bệnh viện khi làm phẫu thuật sẽ làm việc theo kíp (nhóm gây mê, phẫu thuật, dụng cụ, phục hồi -PV). Sự kết hợp các nhóm mới tạo thành một kíp. Nếu không đủ người, khi có biến chứng xảy ra thì không có ai giúp, nguy hiểm sẽ đến với bệnh nhân và tất nhiên hậu quả sẽ đến với người bác sỹ.
"Còn tại sao phải làm phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ trong bệnh viện? Nếu xảy ra "sự cố" thì mọi người trong kíp phẫu thuật này sẽ hỗ trợ nhau xử lý kịp thời. Tôi lấy ví dụ, nếu bệnh nhân sốc thuốc, bác sỹ gây mê có nhiệm vụ giải quyết điều đó. Còn nếu không giải quyết được thì có nhóm hồi sức tham gia hỗ trợ. Kíp phẫu thuật ít nhất phải 3 người, gây mê 2 người, dụng cụ 2 người. Phòng khám thường không có quy mô kíp lớn như bệnh viện và không đảm bảo. Không những thế, khi hoạt động theo nhóm, chẳng may dẫn đến sự cố cho bệnh nhân, thậm chí gây tử vong thì về mặt tâm lý sẽ ổn định hơn, người nọ khuyên người kia. Trong trường hợp của anh Tường, trực tiếp hút mỡ bụng tiêm vào ngực nên khi cấp cứu thất bại cho bệnh nhân, Tường trở nên bấn loạn, cuống và phát sinh hành động kỳ quái- đích thân vị giám đốc này mang xác nạn nhân phi tang, tạo hiện trường giả với chiếc xe máy và tài sản của nạn nhân", vị bác sỹ này phân tích.
Chuyên gia lâu năm cũng “ngán” bơm mỡ tự thân
Chia sẻ của vị bác sỹ trên khiến PV liên tưởng đến lý giải của Tường tại cơ quan điều tra vì sao không đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu, Tường nói: "Sau khi làm xong mọi việc, lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Quả thực, khi chị Huyền bị tai biến trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ do tôi đảm nhiệm, tôi đã vô cùng sốc. Lúc đó, tôi không nghĩ được gì, cuống quýt làm mọi việc hòng che giấu tội lỗi. Giá như khi đó, tôi bình tĩnh được, làm chủ được tình huống, đưa chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu thì... có lẽ mọi chuyện đã tốt hơn".
Quay trở lại câu chuyện nâng ngực bằng bơm mỡ tự thân đang là phương pháp "hot", cuốn hút chị em phụ nữ, các bác sỹ thẩm mỹ cho rằng vì tin vào những chiêu quảng cáo thổi phồng của các thẩm mỹ viện mà khách hàng không lường trước được hậu quả. TS. Nguyễn Huy Thọ cho hay, thời gian cho một ca phẫu thuật nâng ngực (đặt túi ngực-PV) khoảng một tiếng rưỡi. Nhưng nâng ngực bằng mỡ tự thân thì thời gian kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ. "Là bác sỹ chuyên ngành thẩm mỹ nhưng thú thật tôi cũng không muốn làm phẫu thuật này vì sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng", TS, Thọ nói.
Có lẽ những chia sẻ của các bác sỹ trong lĩnh vực thẩm mỹ đưa ra sự lý giải và góc nhìn khác về nguyên nhân vì sao bác sỹ Tường lại phi tang xác khách hàng.
Thẩm mỹ là ngành "hot" nên bác sỹ dễ... bỏ qua quy định TS. Nguyễn Huy Thọ nhận định: "Thẩm mỹ là một ngành rất "hot", những bác sỹ muốn cập nhật được kỹ thuật tiên tiến hầu như phải tự bỏ tiền túi ra nước ngoài để học. Tuy nhiên, cũng chính vì "hot" nhiều bác sỹ đã bỏ qua những quy định của bộ Y tế và như vậy rất dễ gặp biến chứng trong việc điều trị". |