Cả tuần vừa rồi, hễ cơm tối xong là anh lại lẻn khỏi nhà, đi đâu đó đến đêm mới về. Chị hỏi đi đâu, anh nói đi hóng gió mát. Gió đâu chẳng thấy, phía xa xa gần cây cầu xi măng, người vợ thảng thốt thấy chồng đang hít ma tuý với đám thanh niên nghiện trong bản...
Nát lòng khi phát hiện chồng nghiện ma tuý
Chị Lan như tan nát lòng trước thực tế phũ phàng vừa phát hiện. Mấy hôm trước, nghe hàng xóm nói phong thanh thấy chồng mình đàn đúm với đám thanh niên nghiện ma túy, chị còn cho đó là những lời nói độc địa, không đáng tin cậy. Vậy mà đêm nay, điều chị không ngờ tới đã xảy ra, chồng chị mắc nghiện ma tuý thực sự. Người vợ trẻ thất thểu về nhà trong trạng thái buồn khôn tả. Nghĩ tới cảnh nhà tan, cửa nát vì ma tuý của hầu hết những gia đình có người nghiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, chị Lan không khỏi chạnh lòng. Hai hàng nước mắt chị cứ tuôn ra.
Đêm đó, người vợ không sao chợp mắt được. Nghe tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, chị thức giấc trong trạng thái đầu nặng trĩu. Ngồi đối diện với chồng, chị nhỏ nhẹ khuyên bảo. Anh xin lỗi chị và thú nhận đã nghiện ma tuý được một thời gian dài. Là y tá thôn bản, có kiến thức về y tế, chị Lan bàn với chồng tự cai nghiện ở nhà. Sau một tuần vật vã vì đói thuốc, chồng chị ít nhiều lấy lại được cân bằng trong cuộc sống. Công việc hàng ngày không cho phép chị lúc nào cũng ở bên cạnh chồng "để mắt" cai nghiện cho anh. Một ngày thiếu sự kiểm soát của vợ, người chồng bị bạn nghiện rủ rê lại bập vào ma túy và tái nghiện.
Khỏi phải nói nỗi lòng tan nát của người vợ khi chồng tái nghiện như thế nào. Tâm sự với PV, chị Lan cho hay, lúc đó chị cũng nổi xung lên, to tiếng với chồng nhưng rồi với tình yêu son sắt, sự thuỷ chung với chồng, chị kiên nhẫn quanh năm tìm đủ mọi cách cai nghiện cho chồng. Của cải, tiền bạc trong gia đình cứ đội nón ra đi, nhiều lúc khó khăn, chị phải đi vay nặng lãi mua thuốc cho chồng uống.
Chị Lan không thể nhớ nổi số lần cai nghiện cho chồng. Mới đầu, thấy chồng "nhịn chơi" ma tuý được hơn một tháng, người vợ khấp khởi mừng thầm trong bụng. Thế nhưng, chỉ gặp bạn nghiện đôi lần, người chồng thiếu bản lĩnh lại mơ màng với "nàng tiên nâu", bỏ bê công việc gia đình, dồn hết việc đồng áng cho vợ. Tuy vậy, trong thâm tâm người chồng nghiện hút vẫn tôn trọng và thương yêu vợ. Được sự đồng ý của chồng, chị Lan dùng biện pháp mạnh là lấy xích cột chân chồng vào một góc nhà cho khỏi đi với bạn nghiện. "Chứng kiến cảnh anh vật vã tự mình cắt cơn nghiện ma tuý đến mệt lả, nằm thoi thóp dưới sàn nhà, tôi thương lắm. Nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó, chồng tôi không thể thắng được ma tuý", chị Lan trải lòng.
Năm 2005, chồng chị Lan vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, để lại khoản nợ 20 triệu đồng. Vì phải làm việc quá sức, trồng bắp trên nương, nuôi gia cầm, bán hàng rong đầu đường xó chợ đã vắt kiệt sức lực của người vợ. Chị Lan người gầy đen như que củi khô trên rừng, mấy tháng liền quên cả thói quen đứng trước gương làm dáng. Nhờ sự nỗ lực, hai năm sau, chị Lan đã trả hết nợ.
Nhưng niềm vui chưa tày gang, người đàn bà này lại nhận được tin sét đánh, chồng mình bị tai nạn giao thông ở TP.Hồ Chí Minh. Một tháng ở bệnh viện Chợ Rẫy, chị Lan lại phải gánh khoản tiền nợ 50 triệu đồng để thuốc thang cho chồng.
Ngày chồng ra viện, chị Lan lòng nặng trĩu khi tay xách, nách mang đi như chạy đuổi theo người chồng đầu óc không ổn định, chạy lăng xăng trong sân bệnh viện như một đứa trẻ.
Không lùi bước trước căn bệnh thế kỷ
"Một ngày cuối năm 2007, chồng tôi mắc bệnh zô na thần kinh, mắt sưng húp không thể nhìn được. Qua 4 ngày chữa trị mà bệnh vẫn không đỡ, anh được chuyển lên khoa lây, bệnh viện tỉnh Điện Biên", chị Lan nhớ lại. Tại đây, các bác sỹ phát hiện người đàn ông này bị nhiễm HIV. "Cầm tờ xét nghiệm của chồng, tôi choáng váng không thể đi nổi, tay bám chặt vào hành lang bệnh viện cho khỏi bị ngã", chị Lan kể. Thấy thái độ khang khác của vợ, chồng gặng hỏi, nhưng chỉ nhận được những lời động viên mau chóng khỏi bệnh. Cho đến khi biết mình bị HIV, chồng chị Lan như chết lặng trên giường bệnh.
Ngay sau đó, chị Lan cũng đi xét nghiệm máu và rất may chị không bị lây nhiễm. Từ ngày biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, chồng chị chán nản, không thiết ăn uống, cuộc sống trước mắt tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Ngặt nỗi, gia đình lại không thông cảm, thậm chí còn kỳ thị khiến anh chán đời, rủ vợ cùng uống thuốc sâu tự tử. Từ khi biết tin đứa con trai duy nhất của mình bị HIV, bố mẹ chồng yêu cầu hai vợ chồng ăn riêng (không ăn cùng mâm như trước đây). Không ít lần ngồi xới cơm cho chồng, chị rớt nước mắt khi nghĩ về tình cảnh đáng thương của cuộc đời mình. Nước mắt chan cơm đã tôi luyện cho người đàn bà này nghị lực phi thường và tình yêu thủy chung son sắt với chồng, cho dù anh đã làm tổn thương vợ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Bằng tình yêu chân thành và sự gần gũi đến quên mình, chị đã giúp chồng lấy lại sự tự tin trong cuộc sống và không còn nghĩ đến cái chết nữa.
"Trong quan hệ vợ chồng, tôi không có khái niệm hay ý nghĩ chồng bị HIV, chúng tôi cùng giúp nhau phòng tránh và yêu thương nhau như ngày đầu hai đứa mới cưới. Rất may con trai của chúng tôi không bị HIV, cháu là niềm động viên để vợ chồng tôi sống có ý nghĩa hơn", chị Lan nói.
Từ ngày chồng bị HIV, chị Lan luôn tìm những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS để chăm sóc cho chồng được chu đáo. Chị Lan tâm sự: "Trong thâm tâm, tôi thấy căn bệnh thế kỷ không đáng sợ như một số người lầm tưởng. Nếu chúng ta biết ngăn ngừa cơ chế lây nhiễm, người bị HIV vẫn có thể sống hoà đồng với những người xung quanh". Quá trình làm công tác y tế ở các thôn bản trong huyện Điện Biên, chị phát hiện có nhiều người đàn ông bị HIV giống chồng mình. Cùng hoàn cảnh có người thân bị HIV, chị Lan vận động chị em có chồng bị HIV cùng nhau đi làm xét nghiệm máu và tuyên truyền tới gia đình để họ bớt kỳ thị người bệnh.
Với vai trò "chủ soái", chị Lan ngày càng quy tụ được nhiều chị em đồng cảnh ngộ tham gia công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ nơi miền sơn cước Tây Bắc. Tình cờ trong một lần đi thăm hỏi, vận động những gia đình có người bị HIV trong huyện, chị Lan gặp Giám đốc trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Điện Biên. Cuộc gặp gỡ này đã giúp chị Lan có cơ hội tham gia vào nhóm Hoa Hướng Dương, thành viên gồm 120 người phụ nữ đang chung sống với HIV/AIDS.
Trong đó có khoảng 50% chị em chồng đã mất, phải nuôi con một mình. Điều đáng nói, có 150 cháu bé được các mẹ sinh ra nhưng chỉ có 16 bé bị nhiễm HIV. Trong nhóm Hoa Hướng Dương, chị Lan là người phụ nữ duy nhất không bị HIV. Trong quan hệ với các thành viên trong nhóm, người đàn bà này luôn nhiệt thành, gần gũi sẻ chia và dường như không có khoảng cách với mọi người. Tham gia nhóm Hoa Hướng Dương, chị có nhiều cơ hội được tập huấn, bổ sung thêm nhiều kiến thức về HIV/AIDS. Điều này giúp chị chăm sóc chồng được tốt hơn.
Không có cảm giác chồng bị HIV
"Tôi không có cảm giác chồng mình bị HIV, dù chồng tôi bây giờ đang ở giai đoạn cuối, người ốm yếu, sức khỏe rất yếu", chị Lan thật thà nói. Tâm sự với chúng tôi, chị Lan cho hay mình vẫn rất yêu thương chồng, chăm sóc anh từng bữa ăn, giấc ngủ. Những bữa cơm chan nước mắt thưa dần đi, thay vào đó là sự lạc quan về tương lai, bởi đứa con trai 14 tuổi duy nhất của đôi vợ chồng tuổi 8X này vẫn đang cần sự chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)