Thông tấn xã kinh tế Trung Quốc vừa đưa tin, Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đang tiến hành nghiên cứu chế tạo nhà máy khí hóa lỏng nổi LNG. Nhà máy nổi này được dùng để sản xuất khí đốt tự nhiên ở biển Đông.
Nó có thể hút khí đốt lên và chuyển thành khí đốt hóa lỏng và đưa sang các tàu để vận chuyển. Con tàu này được chế tạo giống như một nhà máy khi hóa lỏng, được đặt ở vùng biển nơi có nhiều trữ lượng khí đốt tự nhiên.
Lý do làm các nhà máy nổi là do giếng dầu quá xa bờ hoặc quá nhỏ để đầu tư hệ thống đường ống dẫn ngầm dưới biển.
Các quan chức ngành công nghiệp của nước này cho biết, kế hoạch xây dựng nhà máy hóa lỏng nổi này sẽ là phần quan trọng trong chiến lược ở Biển Đông.
CNOOC cho biết, họ đang xem xét nghiên cứu chế tạo tàu nổi LNG này với công suất 2,4 triệu tấn, khai thác ở độ sâu tới 1500 mét.
Hơn nữa, họ sẽ tiến hành thêm các cuộc thăm dò với mục tiêu là từ đây đến năm 2020, sẽ tìm ra một mỏ dầu khí lớn không kém mỏ Đại Khánh trong đất liền, ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Mỏ này có sản lượng tương đương 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Trước đó, ngày 16/7, ông Hồng Lỗi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Đến 15/7, giàn khoan Hải Dương-981 đã “hoàn thành” hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển Hoàng Sa, theo kế hoạch sẽ di chuyển đến khu Lăng Thủy, đảo Hải Nam. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các công ty liên quan sẽ xem xét kế hoạch làm việc cho các bước đi tiếp theo.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc thông báo đã bắt đầu khoan thăm dò hai giếng dầu tại khu vực này từ đầu tháng 5 và kết thúc hoạt động thăm dò ở hai giếng này vào các ngày 27/5 và 15/7.
Chính quyền Bắc Kinh nói việc thăm dò dầu khí đã hoàn tất cùng với việc siêu bão Rammasun thổi tới biển Đông là các lý do dẫn tới việc rút giàn khoan trước thời hạn mà họ đặt ra là 15/8, không phải do áp lực từ bên ngoài.
Ông Vương Chấn, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu Chính sách của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ cho biết, kế hoạch thăm dò đã được tiến hành trong vòng 100 ngày. Giàn khoan bắt đầu ra biển đông ngày 2/5 và chính thức đi vào hoạt động ngày 4/5. Đến ngày 15/7 đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trơn tru và đúng thời hạn (trên thực tế giàn khoan hoạt động chính thức 73 ngày).