Hôm 9/5, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (SOM) tại Naypyidaw, Myanmar.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đã cập nhật về các diễn biến phức tạp hiện nay ở Biển Đông, trong đó nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý.
Hành động này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Các tàu của Trung Quốc còn chủ động đâm và dùng vòi rồng phun nước làm hư hỏng nhiều tàu thuyền, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, tình hình vi phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực. Việt Nam cho rằng ASEAN cần phải có tiếng nói chung trước tình hình nghiêm trọng trên, nhấn mạnh yêu cầu phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982, trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
Bên cạnh đó, Philippines dự kiến cũng sẽ đưa căng thẳng với Trung Quốc ra hội nghị lần này nhằm vận động sự ủng hộ của láng giềng trước những hành động leo thang gần đây của Bắc Kinh.
Các nước ASEAN cũngđều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình phức tạp hiện nay, ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực; theo đó, kiến nghị ASEAN cần phải thể hiện lập trường thống nhất, trong đó yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển LHQ 1982 (UNCLOS); thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); nhấn mạnh sự cấp thiết phải sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.
Các TNS Mỹ ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc gây rối
Cũng trong ngày 9/5,sáu thượng nghị sĩ trên thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (gồm ba thượng nghị sĩ đảng Dân chủ là Robert Menendez, Ben Cardin, Patrick Leahy, và ba thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là Marco Rubio, Jim Risch và John McCain) đã ra tuyên bố chung lên án những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là gây rối và hối thúc các đồng nghiệp thông qua nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ về tự do hàng hải.
Trong tuyên bố chung, các thượng nghị sĩ mô tả việc Trung Quốc di dời giàn khoan dầu khí HD-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và "những chiến thuật tấn công sau đó" của các tàu nước này, trong đó có việc đâm vào và gây hư hỏng cho các tàu của Việt Nam, là thực sự đáng quan ngại.
"Những hành động này đe dọa dòng chảy tự do của thương mại toàn cầu trong một khu vực sống còn", tuyên bố viết. "Chúng tôi hối thúc chính quyền làm rõ với Trung Quốc ở cấp cao nhất rằng các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng bức và hăm dọa đều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới bất ổn".
Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki ngày 8/5 cũngphát biểu: "Hành động đơn phương này dường như là một phần trong chuỗi hành xử của Trung Quốc nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp, gây nguy hại cho hòa bình và ổn định của khu vực. Chúng tôi rất quan ngại về hành vi nguy hiểm và sự sách nhiễu của các tàu thuyền hoạt động trong khu vực này".
"Huy động mạnh quốc tế ngăn chặn hành động của Trung Quốc"
Cần sử dụng sức mạnh của cả cộng đồng quốc tế để ngăn chặn hành động đơn phương của Trung Quốc. Đó là quan điểm của Giáo sư Kumao Kaneko, nhà bình luận ngoại giao, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược năng lượng của Nhật Bản trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên hôm 9/5.
Theo ông Kumao Kaneko, Trung Quốc luôn coi biển Đông là của mình. Trung Quốc đòi hỏi quyền lợi trên gần như toàn bộ biển Đông và cả biển Hoa Đông. Đó là điều khó chấp nhận.
Nhìn trên bản đồ ta có thể thấy khu vực đó gần Việt Nam hơn hẳn so với Trung Quốc. Theo những suy nghĩ bình thường, Việt Nam rõ ràng có quyền đối với vùng biển này. Nhưng Trung Quốc căn cứ theo luật pháp trong nước để đơn phương tuyên bố toàn bộ các hòn đảo ở biển Đông là của mình. Điều này rút cuộc lại mâu thuẫn với luật pháp quốc tế.
Có cách giải quyết vấn đề bằng chiến tranh nhưng đây là cách phải tránh bằng mọi giá. Cách khác là đưa ra tòa án. Nhưng Trung Quốc phản đối đưa vấn đề ra Tòa án tư pháp quốc tế nên phân xử tại tòa không thực hiện được. Có thể nói đây là vấn đề rất khó, nếu xử lý không khéo sẽ dẫn đến chiến tranh. Nhưng nếu cứ im lặng thì Trung Quốc sẽ càng lấn tới.
Giáo sư Kumao Kaneko
Các nước liên quan như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Mỹ cần cùng nhau lên tiếng để tạo ra áp lực và tiếng nói phản đối mang tính quốc tế. Việt Nam cần tuyên truyền thật mạnh những điều Trung Quốc làm để tranh thủ sự ủng hộ của các nước nhằm sử dụng sức mạnh ngoại giao gây sức ép lên Trung Quốc.
Cần phải dựa theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc để giải quyết vấn đề chủ quyền, dựa trên chủ quyền để khai thác dầu và khí đốt. Cách làm của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế. Chúng ta phải nói thật rõ ràng đều đó.
Học giả Thái Lan, Ấn Độ lên án hành động gây hấn của Trung Quốc
Ngày 9/5, tờ The Nation của Thái Lan đăng lại bài phân tích trên chuyên san Foreign Policy (Mỹ) khẳng định Trung Quốc “vừa gây ra tình trạng leo thang nguy hiểm” ở biển Đông bằng việc đưa giàn khoan HD-981 xuống vùng biển Việt Nam.
Bài báo dẫn lời giới chuyên gia cho thấy Trung Quốc muốn từng bước củng cố sự kiểm soát của họ đối với biển Đông. Tờ The New York Times thì dẫn lời Giáo sư Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định rằng hành động của Trung Quốc càng khiến các nước trong khu vực củng cố niềm tin rằng nước này nuôi ý định gây hấn và có khuynh hướng hành động đơn phương.
Website của Viện Nghiên cứu SAAG (Ấn Độ) thì đăng bài của tiến sĩ Subhash Kapila nhận định với hành vi triển khai giàn khoan và hàng chục tàu cùng máy bay quân sự vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc một lần nữa lại gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định tại biển Đông bằng việc lặp lại chiến lược “cưỡng bách quân sự truyền thống và chính sách miệng hố chiến tranh”.
Theo ông, có thể dự báo bước đi quân sự kế tiếp của Trung Quốc tuyên bố khu vực nhận diện phòng không tại biển Đông. Khi đó, Mỹ với tư cách là siêu cường cùng với các quyền lợi thiết yếu ở biển Đông chắc chắn sẽ phải vào cuộc.