Tình hình biển Đông tối 19/6: Việt Nam đã có phương án phòng bị với 'Nam Hải số 9'

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đơn vị này đã nhận chỉ đạo từ cấp trên về việc theo dõi sát sao giàn khoan “Nam Hải số 9”.

Trao đổi thêm với PV chiều 19/6 xung quanh thông tin Trung Quốc kéo giàn khoan thứ 2 đến cửa Vịnh Bắc Bộ, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho biết, cảnh sát biển đã có phương án phòng bị tất cả các tình huống. "Tuy nhiên, theo chủ trương chung, chúng tôi nắm được để chuẩn bị thôi", vị Tư lệnh nói.

Theo thiếu tướng Đạm, mọi hành vi nôn nóng sẽ không giải quyết được vấn đề. Đặc biệt, với Trung Quốc, Việt Nam rất cần sự kiên trì, sử dụng đồng thời  tất cả các biện pháp.

Trả lời câu hỏi về những quan ngại xung quanh việc giàn khoan thứ 2 này có thể dịch chuyển bất cứ lúc nào, ông Đạm cho biết: “Chúng ta còn quan ngại nhiều thứ chứ đâu phải chỉ có một vấn đề giàn khoan”.

Chiều 19/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, cần phải theo dõi chặt chẽ giàn khoan "Nam Hải số 9" đang dịch chuyển vào cửa Vịnh Bắc Bộ.

"Nếu giàn khoan có xu hướng vi phạm vùng biển của Việt Nam thì phải kịp thời có biện pháp quyết liệt cản trở, lên án để không lặp lại như giàn khoan 981", ông Hằng đề nghị. 

Còn thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, hiện chưa nắm rõ hướng đi của giàn khoan "Nam Hải số 9" nên lực lượng chức năng cần theo dõi chặt chẽ. 

“Tất nhiên, Việt Nam cùng các các nước liên quan đến Biển Đông, biển Hoa Đông phải theo dõi giàn khoan này vì việc dịch chuyển giàn khoan đều nằm trong kế hoạch từ trước", Tướng Rinh nói thêm

Tối 18/6, website của Cục Hải sự Trung Quốc thông báo, ngày 18-20/6 giàn khoan "Nan Hai Jiu Hao" (Nam Hải số 9) được đưa vào Biển Đông. 

Theo đó, giàn khoan này sẽ được tàu lai dắt kéo từ toạ độ 17 độ 38 phút vĩ Bắc - 110 độ 12 phút 3 kinh Đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14 phút 6 vĩ Bắc - 109 độ 31 phút kinh Đông trên Biển Đông, với tốc độ 4 hải lý/giờ.

Theo khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, giàn khoan này chưa nằm trong vùng nhạy cảm, hiện nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc từ 50 - 60 hải lý; cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý.

Tuy nhiên, lực lượng Cảnh sát biển cũng đã lên phương án kiểm soát tình hình xung quanh những vấn đề liên quan đến biển Đông.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15.2958 vĩ bắc - 111.1206 kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

Để bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc đã huy động hàng trăm tàu, máy bay... đến đây ngăn cản, đâm va tàu chấp pháp và tàu cá của Việt Nam.

Chưa đầy 1 tháng sau, ngày 27/5, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan 981 đến vị trí mới. Theo đó, nước này neo giàn khoan ở cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vị trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km.

Sau nhiều lần Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu vi phạm chủ quyền, Trung Quốc lại đưa thêm giàn khoan thứ 2 vào cửa vịnh Bắc Bộ - nơi hai nước đang bàn để phân định.