Tình hình biển Đông chiều 8/7: Luật an ninh quân sự TQ sẽ là thảm họa ở Biển Đông?

Nếu luật này được thực thi trong "đường lưỡi bò", nó sẽ đe dọa đến hiện trạng ở Biển Đông.

Mới đây, Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua một đạo luật mới nhằm tìm cách “tăng cường an ninh quân sự trên biển” nhằm đối phó với cái mà họ gọi là “các hành động xâm nhập” vào khu vực cấm trên biển do Trung Quốc đơn phương đặt ra.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng luật an ninh quân sự mới này có thể trở thành thảm họa nếu nó được thực thi trong vùng biển thuộc “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên Biển Đông.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi của Philippines nhận định nếu Trung Quốc quyết định thực thi đạo luật mới trong “đường lưỡi bò” nuốt trọn 80% diện tích Biển Đông, họ có thể sử dụng lực lượng quân sự để thi hành quy định luật sai trái này.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi của Philippines

Ông Banlaoi phân tích: “Đạo luật này sẽ gây ra rất nhiều vấn đề, bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền của nhiều nước khác trong khu vực.”

Theo quy định của đạo luật này, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng quân sự trong các “lãnh thổ ven biển” gần đảo Hải Nam với lý do “tăng cường an ninh quân sự” chống lại cái mà họ gọi là “nguy cơ bị do thám từ nước ngoài”.

Đạo luật có tên gọi là Luật Bảo vệ Cơ sở Quân sự Trung Quốc này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, và Trung Quốc có thể áp dụng nó đối với các căn cứ quân sự mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng quân sự để thực thi luật mới trên Biển Đông

Trước đó, tờ Quân Giải phóng Trung Quốc đã rêu rao rằng ngày càng có nhiều vụ “xâm nhập vô tình” vào các “khu vực cấm” trên biển do Trung Quốc đơn phương đặt ra, chẳng hạn như các ngư dân nước ngoài đánh bắt trên Biển Đông.

Ông Banlaoi quan ngại: “Với những bước đi nhỏ như thế này, Trung Quốc có thể thực sự làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.” Trước đó, Philippines đã lên tiếng phản đối các hành động bồi đắp của Trung Quốc nhằm biến các bãi cạn gần quần đảo Trường Sa thành các đảo để xây dựng căn cứ quân sự.

Cũng theo ông Banlaoi, nếu Bắc Kinh thực thi đạo luật này trên Biển Đông khiến tình hình ngày càng căng thẳng và leo thang thành xung đột quân sự, nó không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực mà còn đe dọa đến sự ổn định của cả thế giới.

Một cơ sở quân sự Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông

Ông nhấn mạnh: “Biển Đông là tâm điểm của tuyến giao thương hàng hải tới vịnh Persia, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nơi khoảng 50% phương tiện hàng hải thế giới đi qua.”

Theo chuyên gia này, hiện nay Trung Quốc đang cố tình mập mờ về nội hàm của “khu vực cấm” mà họ đưa ra trong đạo luật này, vì không hề có một khái niệm rõ ràng nào về “khu vực cấm”.

Tuy nhiên, ông Banlaoi nhận định rằng trước mắt Trung Quốc vẫn sẽ thực thi đạo luật này một cách cẩn trọng trong phạm vi 12 hải lý tính từ bờ biển nước này. Sự thận trọng này cũng được thể hiện trong các bản tin của Trung Quốc khi họ cố tình không đề cập đến Biển Đông hay các nước láng giềng.

Trước động thái trên của Trung Quốc, ông Banlaoi cho rằng các ngư dân vẫn có thể đánh bắt cá bình thường trên Biển Đông mà không sợ điều luật mới của Trung Quốc, bởi họ có quyền hợp pháp hoạt động đánh bắt hải sản trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG