Tình hình biển Đông chiều 5/6: Trung Quốc bẫy tàu Việt Nam vào gần giàn khoan để tấn công

Ngày 4/6, hai tàu Trung Quốc đã tấn công, dùng vòi rồng xịt nước và đâm vào tàu kiểm ngư KH22 gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu này.

Trong ngày 4/6, các tàu Việt Nam thực hiện việc chấp pháp trên vùng biển Hoàng Sa đã hai lần tiến vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút ngay khỏi khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Vào 9h20 sáng, các tàu Việt Nam tiến vào khu vực cách giàn khoan khoảng 7,2 hải lý thì nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc và tàu kéo tiếp cận, ngăn cản các tàu của Việt Nam.

Trong đó, tàu kéo Haisan đã chờ cơ hội để đâm vào tàu cảnh sát biển CSB 4032. Tuy nhiên, tàu 4032 đã cơ động vòng tránh được các cú đâm.

Các hướng khác, tàu Trung Quốc đã mở vòi rồng xịt nước vào các tàu kiểm ngư của Việt Nam. Suốt buổi trưa, Trung Quốc điều máy bay bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở tầm thấp để quan sát.

Khoảng 14h10, tàu Việt Nam tiếp tục tiếp cận vào khu vực cách giàn khoan khoảng 9,1 hải lý thì Trung Quốc đổ dồn một lượng lớn tàu ra tấn công.

Cụ thể, Trung Quốc sử dụng ba tàu hải cảnh ngăn cản tàu CSB 4032 hoạt động. Các tàu này sử dụng tốc độ cao, đeo bám và chèn ép tàu 4032. Đặc biệt, tàu hải cảnh 32101 đã mở vòi rồng đuổi theo phun nước vào tàu 4032 nhưng đều bị tàu cảnh sát biển tránh né.

Cùng thời điểm, hai tàu của Trung Quốc gồm tàu Hữu Liên 9 và tàu đầu kéo Haisan đã đuổi theo ép tàu kiểm ngư KH22 của Việt Nam.

Hai tàu Trung Quốc lợi dụng tốc độ cao đã ép tàu KH22 vào giữa, sau đó dùng vòi rồng xịt nước và đâm thẳng vào tàu KH22. Ít nhất ba cú đâm liên tiếp vào hai mạn trái và phải của tàu KH22 đã làm hai sườn tàu móp méo, biến dạng.

Ngoài ra, cú đâm cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của tàu KH22. Do đó, các tàu Trung Quốc đã dùng vòi rồng xịt nước với âm mưu “tắm nước biển” cho tàu KH22.

Tuy nhiên, chỉ trong ít phút tàu đã tạm khắc phục xong các sự cố và bứt phá được ra khỏi tầm tấn công của các tàu Trung Quốc.

Theo quan sát của chúng tôi, tàu KH22 bị đâm móp nhiều chỗ ở hai bên mạn phải và trái với nhiều vết xước như mèo cào hai bên thân tàu. Ở phần đuôi tàu có những vết móp lõm vào đến gần 30cm. Đáng chú ý, bên mạn phải của tàu KH22, một góc lan can trên cabin điều khiển cũng bị đâm móp.

Tàu KH22 cho biết khi bị đâm và phun nước, hệ thống điện máy lái bị cháy chập; một cửa sổ bị méo và vỡ một cửa kính; hai phòng ngủ bên mạn phải tầng 1 bị gãy toàn bộ tám giường và hai bàn làm việc; toàn bộ trần phòng bị hư hỏng. Đáng chú ý, hệ thống liên lạc của tàu KH22 bị thiệt hại nghiêm trọng. May mắn là tàu không bị thiệt hại về người và vẫn tiếp tục tiến hành công tác bình thường.

G7 ra tuyên bố chống vũ lực ở Biển Đông

Các lãnh đạo nhóm G7 bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng giữa TQ và một số quốc gia châu Á do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông.

Tuyên bố chung của nhóm G7 cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực nào trong việc sử dụng vũ lực trong tranh chấp.

"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương của bất kỳ nước nào nhằm khẳng định lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền hàng hải thông qua hăm dọa, áp chế hay sử dụng vũ lực”, các lãnh đạo G7 nêu rõ sau cuộc hội đàm ở Brussels tối qua.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên làm rõ và theo đuổi tuyên bố lãnh thổ, tuyên bố chủ quyền hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế”, G7 nhấn mạnh trong tuyên bố chung.

TQ đưa ra yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông bất chấp các nước Việt Nam, Brunei, Philippines, Malaysia có chủ quyền trong vùng biển này. Bắc Kinh cũng có tranh chấp với Nhật về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông.

Căng thẳng trong các vùng biển khu vực đã gia tăng mạnh thời gian gần đây khi TQ có những hành động đơn phương khiêu khích như triển khai giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông; điều máy bay áp sát máy bay Nhật tại vùng tranh chấp Hoa Đông…

Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong hai ngày 4-5/6. Các quốc gia G7 gồm Nhật, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

35 tàu Trung Quốc uy hiếp tàu cá của ngư dân Việt Nam

Cục Kiểm ngư chiều 4/6 cho biết Trung Quốc tiếp tục sử dụng lực lượng lớn tàu cá vỏ thép với khoảng 35 tàu và có sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh quyết liệt ngăn cản, phun vòi rồng uy hiếp không cho ngư dân của ta đánh bắt thủy sản trên khu vực. Tuy nhiên các tàu cá của ngư dân Việt Nam đã chủ động vòng tránh sự ngăn cản của các tàu Trung Quốc và tiếp tục bám ngư trường.

Về lực lượng, báo cáo của Cục Kiểm ngư cho biết phía Trung Quốc vẫn duy trì 110-115 tàu các loại, trong đó có 35-40 tàu hải cảnh, khoảng 30 tàu vận tải và tàu kéo, 40-45 tàu cá, 4 tàu quân sự hoạt động ở phía đông đông nam giàn khoan Hải Dương 981.