Tình hình biển Đông sáng 27/10: Trung Quốc xuống nước với Việt Nam, nhưng chỉ nói mà không làm

Thời gian qua, Biển Đông - khu vực giao thông hàng hải tấp nập nhất thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng do những hành động đơn phương mang tính khiêu khích của TQ...

Trong thời gian qua, Biển Đông - khu vực giao thông hàng hải tấp nập nhất thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng do những hành động đơn phương mang tính khiêu khích của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác. Giờ là lúc Trung Quốc muốn giảm nhiệt căng thẳng bằng ngoại giao. Chúng tôi xin trích đăng bài viết trên South China Morning Post.

Cựu ngoại trưởng Trung Quốc, Dương Khiết Trì sẽ thăm Việt Nam vào 27/10 như một phần của nỗ lực giảm bớt căng thẳng về tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trước khi các bên tiến hành đàm phán về quy tắc ứng xử trên vùng biển này. Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ 2 trong vòng chưa đầy nửa năm của ông Dương Khiết Trì.

Nói về chuyến thăm thứ hai, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Hai bên sẽ thảo luận về hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam". Bà Hoa cũng nói mối quan hệ (Việt Nam - Trung Quốc) đang "khó khăn tạm thời" vì tranh chấp trên biển trong năm nay. "Nhưng Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với phía Việt Nam để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược", bà Hoa nói.

Trên thực tế, chính Trung Quốc đã đơn phương đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế Việt Nam hồi tháng 5 (hoạt động phi pháp đến giữa tháng 7 mới rút về), xây dựng sân bay trái phép trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và vẫn đang cải tạo phi pháp các bãi đá và đảo của Việt Nam tại Trường Sa.

Đáng chú ý, sau chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Việt Nam, đến lượt thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ​​sẽ tham dự cuộc đàm phán dự kiến kéo dài 2 ngày ở Bangkok, nơi ông sẽ thảo luận về bộ quy tắc ứng xử Biển Đông với các đối tác ASEAN.

Bà Zhang Jie, một chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và ông Dương Khiết Trì sẽ thảo luận với nhau về thương mại và hợp tác tài chính nhưng vấn đề chính vẫn là Biển Đông.

"Sẽ là tích cực đối với Trung Quốc trong cuộc đàn phán tại Bangkok ... nếu cuộc gặp gỡ giữa ông Phạm Bình Minh và ông Dương có thể mang lại một số kết quả", bà nói.  Dù vậy, bà Zhang Jie cho biết tình trạng bất ổn và tranh chấp lãnh hải sẽ khiến Trung Quốc khó lòng xây dựng lòng tin với Việt Nam. "Hai nước có thể sẽ tiếp tục đối đầu với nhau trong tranh chấp lãnh hải trong khi vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán ngoại giao", bà Zhang nói.

Còn ông Zhang Mingliang, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Quảng Châu lại cho rằng, chuyến thăm của ông Dương có thể mở đường cho một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam bên lề hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương vào tháng tới tại Bắc Kinh. 

Nhưng các nhà quan sát cho biết mối quan hệ hai nước vẫn còn khó khăn. Cơ bản là Trung Quốc chỉ xuống nước trong lời nói chứ không có các hành động hạ nhiệt thực sự. Hôm thứ Năm, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết động thái của Trung Quốc để dọn đường xây dựng một đường băng quân sự ở quần đảo Trường Sa là "bất hợp pháp và không có giá trị khi không được phép của Việt Nam".

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG