Theo RFI, hôm 25/08/2014, báo chí nhà nước Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ là Bắc Kinh có thể coi các chuyến bay trinh sát của Mỹ là "hành động thù địch", sau khi Washington cáo buộc một chiến đấu cơ Trung Quốc đã chặn một máy bay quân sự Mỹ một cách nguy hiểm vào tuần rồi.
Chuẩn đô đốc Mỹ John Kirby hôm thứ Sáu 22/8 tố cáo một máy bay chiến đấu vũ trang của Trung Quốc đã bay sát một phi cơ trinh sát P-8 Posedon của Mỹ đến ba lần, ở khoảng cách không đầy 30 bộ (9 mét), mà ông gọi là một vụ ngăn chặn hết sức nguy hiểm.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Hu Quân (Yang Yujun), trong thông cáo được Tân Hoa Xã trích dẫn, nói rằng cáo buộc trên "hoàn toàn vô căn cứ".
Sự việc xảy ra ở không phận cách đảo Hải Nam 220 km, mà phía Mỹ nhấn mạnh là vùng biển quốc tế, nhưng Bắc Kinh coi khu vực này thuộc lãnh hải của mình.
Hồi tháng 4/2001, một máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng đã va chạm với một phi cơ trinh sát EP-3 của Hải quân Hoa Kỳ cách đảo Hải Nam khoảng 110 km, khiến phi công Trung Quốc tử nạn và máy bay Mỹ phải đáp khẩn cấp xuống đảo này, phi hành đoàn 24 người bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ hơn một tuần.
Tờ Global Times của đảng Cộng sản trong một bài xã luận đả kích Mỹ do thám "hải phận và không phận Trung Quốc". Tờ báo có khuynh hướng dân tộc cực đoan cảnh báo: "Việc trinh sát này đe dọa đến lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc, có thể bị coi là hành động thù địch. Đây có thể là cuộc chiến sống còn Trung - Mỹ, nếu các vụ va chạm ở Biển Đông trở thành cuộc đối đầu giữa đôi bên".
Sự cố trên đây diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự và tầm hoạt động của hải quân, trong khi Washington khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á.
Tờ China Daily lên án Hoa Kỳ đã làm ảnh hưởng đến sự tin cậy lẫn nhau, cho rằng mối quan ngại của Washington về sự trỗi dậy của Trung Quốc là "một nhu cầu tâm lý - cần tạo ra một kẻ thù để che giấu cảm giác thất bại sau khi chiến tranh lạnh kết thúc".
Bài xã luận của tờ này cáo buộc các chuyến trinh sát trên biển và trên không của Mỹ "không hề thuyết phục chính quyền và nhân dân Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đã thành thật khi nói muốn xây dựng lòng tin lẫn nhau".
Hoa Kỳ và Trung Quốc lâu nay vẫn bất đồng đối với các quyền trên không và trên biển thuộc khu vực Biển Đông mang tính chiến lược, mà Bắc Kinh cho tuyên bố mình có chủ quyền hầu như toàn bộ.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG