Tình hình biển Đông chiều 22/7: Sau vụ giàn khoan Trung Quốc sẽ kiềm chế một thời gian

Việc Trung Quốc rút giàn khoan cũng là kết quả của những áp lực quốc tế to lớn và trong một thời gian tới Trung Quốc sẽ tự kiềm chế để dư luận lắng xuống.

Hôm 15/7, Trung Quốc đã rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam sau 75 ngày hạ đặt trái phép. Bình luận về sự kiện này, tờ Yomiuri Shimbun mới đây viết: Khi đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc có lẽ không còn sự lựa chọn để đình chỉ nỗ lực “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực” khi kết thúc hoạt động khoan dầu ở gần quần đảo Hoàng Sa trong Biển Đông.

Ban đầu, giàn khoan dầu dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động cho đến giữa tháng 8 nhưng đã kết thúc sớm trước 1 tháng. Trung Quốc tuyên bố việc kết thúc sớm là do “công việc đã tiến hành thuận lợi”. Nhưng chắc chắn đó là do áp lực của dư luận quốc tế đã buộc Trung Quốc phải giảm bớt các hoạt động.

Vào đầu tháng 5, Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phía Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn. Tàu của Trung Quốc liên tục đâm va vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và đâm chìm một tàu cá làm căng thẳng leo thang đến mức độ nguy hiểm.

Trong lãnh thổ Việt Nam, các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xuất hiện ở nhiều nơi. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam cũng tiến hành một chiến dịch quốc tế lên án hành động của Trung Quốc.

Có lẽ Trung Quốc đã không ngờ rằng Việt Nam, mặc dù có ràng buộc kinh tế ngày càng sâu rộng với Trung Quốc, lại phản ứng mãnh liệt như thế. Sai lầm trong tính toán của Trung Quốc đã bộc lộ rõ khi Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hiệp hội ASEAN tăng cường hợp tác chặt chẽ với Việt nam để phản đối Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe trong mọi hội nghị và các dịp ngoại giao quốc tế đã chỉ trích hành động hung hăng của Trung Quốc và liên tục nhấn mạnh các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc không có căn cứ khi đối chiếu với các quy định pháp luật quốc tế. Quan điểm của ông đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

Quan hệ liên minh Nhật – Mỹ tiếp tục củng cố mạnh mẽ hơn và việc Nhật thông qua quyền tự vệ tập thể cũng được nhiều quốc gia liên quan ủng hộ. Với chính sách xoay trục châu Á, Hoa Kỳ đã nói rõ họ sẵn sàng tham gia tích cực trong vấn đề Biển Đông.

Vào thời điểm khi Bắc Kinh đang cố gắng để loại trừ Hoa Kỳ trong trật tự an ninh châu Á, hành động của Hoa kỳ là câu trả lời thẳng thắn và là sự thách thức đối với nỗ lực của Trung Quốc.

Tại cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN trong tháng 5, các thành viên ASEAN đã nhất trí bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình Biển Đông. Chưa bao giờ Trung Quốc bị cô lập như vậy.

Một loạt các cuộc họp quốc tế đang chờ đợi Trung Quốc. Diễn đàn khu vực ASEAN với sự tham gia mở rộng của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ được tổ chức vào đầu tháng tới và Trung Quốc cũng sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh trong tháng 11.

Một số nhà quan sát dự đoán rằng nước này sẽ thực hiện tự kiềm chế trong thời gian tới. Mặc dù vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thay đổi chiến lược mở rộng lãnh thổ của mình và lợi ích hàng hải ở Biển Đông, và Hoa Đông.

Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ phải gắn kết hơn nữa trong thời gian dài để ngăn chặn tham vọng bá chủ của Trung Quốc. Điều đáng chú ý là các nỗ lực của cộng đồng quốc tế cũng mang lại một số kết quả trong thời gian qua. Từ kinh nghiệm này, các quốc gia có liên quan phải cố gắng thuyết phục Trung Quốc tham gia vào một sáng kiến để xây dựng một trật tự mới ở châu Á.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG