Tại hội thảo khoa học về biển Đông, các đại biểu quốc tế tiếp tục đặt ra vấn đề nóng về khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Giáo sư Robert Beckman, giám đốc Trung tâm Luật quốc tế (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng quan ngại chính ở Đông Nam Á là sau khi tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, Trung Quốc cũng sẽ tuyên bố ADIZ ở biển Đông.
Lo ngại này có cơ sở khi căng thẳng trong tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Trung Quốc với Philippines ở biển Đông vẫn chưa giảm.
Đó cũng là quan điểm của ĐBQH Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội.
PV:- Thưa ông, tại Hội thảo khoa học về biển Đông, các đại biểu quốc tế tiếp tục đặt ra vấn đề nóng về khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông giống biển Hoa Đông. Ông bình luận thế nào về khả năng này?
ĐBQH Lê Việt Trường: - Theo quan điểm của tôi, các học giả và nhà khoa học nghiên cứu biển lo lắng chuyện đó là có lý. Vì thực tế TQ đã công bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông thì không loại trừ một lúc nào đó TQ sẽ công bố vùng ADIZ ở Biển Đông.
Trên thực tế, hiện nay TQ vẫn đang tiến hành một loạt các hoạt động như mở rộng sân bay ở Hoàng Sa, và tiếp tục thay đổi hiện trạng một số đảo đá ở Trường Sa của Việt Nam bị TQ chiếm đóng mà Thủ tướng đã đề cập ngay tại phiên trả lời chất vấn của QH vừa qua.
Nếu như TQ công bố thiết lập ADIZ tại vùng này sẽ trở thành mối nguy không chỉ với riêng VN mà còn nguy hiểm với cả các nước khác trong khu vực.
PV:- Ông có thể phân tích kỹ hơn, nếu TQ công bố vùng ADIZ, VN sẽ bị rơi vào tình thế bất lợi như thế nào, thưa ông?
ĐBQH Lê Việt Trường: - Khi TQ công bố vùng ADIZ, tức là tất cả những nước có không phận trong vùng nhận diện phòng không này phải chịu sự kiểm soát của nước công bố, cụ thể là TQ.
Như vậy, việc ra vào, đi quan khu vực đó phải chịu sự kiểm soát, hạn chế, tạm thời không cho sử dụng hoặc phải được sự cho phép của TQ mới được đi qua. Tức là tự do hàng hải, tự do hàng không đã bị vi phạm và phải chịu sự kiểm soát của TQ.
Cụ thể, các hoạt động kiểm tra, tuần tra, tiếp tế, thám sát, bảo vệ của VN tại vùng biển Trường Sa sẽ bị hạn chế, gặp phải khó khăn.Điều này là rất nguy hiểm.
PV:- Vậy, theo ông để tránh được điều đó VN sẽ phải làm gì?
ĐBQH Lê Việt Trường: - Ngay từ bây giờ, tại các hội nghị quan trọng của khu vực, các hội nghị đa phương với sự tham gia của nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng đã có bài phát biểu để kêu gọi quốc tế nhìn thấy được mối nguy cơ đe dọa hàng hải, an toàn hàng không trong khu vực này.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã đưa ra lập trường của VN và yêu cầu phía TQ phải tôn trong DOC.
Theo quy tắc ứng xử trên biển Đông, bất cứ quốc gia nào cũng không được làm thay đổi hiện trạng, đe dọa dùng vũ lực, hoặc sử dụng vũ lực làm phức tạp thêm tình hình trên biển Đông. Vận dụng quy tắc trên biển Đông, tạo thế trận đấu tranh trên mặt trận pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền của VN.
PV:- Xin cảm ơn ông!
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG