Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Hawaii, ông Kerry tuyên bố Washington “sẽ không bao giờ quên các mục tiêu chiến lược lâu dài vì lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương”, bất chấp các cuộc khủng hoảng khác, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 14/8 đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ đã phác thảo những ưu tiên trong chiến lược “xoay trục” của chính quyền Tổng thống Barack Obama tại châu Á-Thái Bình Dương trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, bao gồm tăng trưởng kinh tế, năng lượng, hợp tác khu vực và nhân quyền. Ông Kerry đề nghị các nước trong khu vực thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Về diễn biến căng thẳng ở biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ nói Washington không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở châu Á. “Nhưng Mỹ cương quyết phản đối việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa để khẳng định chủ quyền lãnh thổ”, ông Kerry tuyên bố.
Ông nhấn mạnh, các nước trong khu vực không thể cậy sức mạnh chính trị và kinh tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Mọi nước đòi chủ quyền cần hợp tác để giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hòa bình, trên nguyên tắc mọi quốc gia đều bình đẳng.
Ông Kerry kêu gọi Trung Quốc và các nước có tranh chấp tìm giải pháp hòa bình, không cản trở tự do hàng hải tại các vùng biển tranh chấp. Mỹ mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành vi nào vi phạm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. “Chúng tôi kiên quyết phản đối bất kỳ ý kiến nào cho rằng, quyền hàng hải là ưu tiên nước lớn ban cho nước nhỏ”, ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ khen ngợi Philippines về nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông thông qua tòa án quốc tế (dù Trung Quốc đã bác bỏ đề xuất trọng tài của Philippines). Ông nêu những ví dụ tốt cho thấy có thể giải quyết các tranh chấp hòa bình ở châu Á - Thái Bình Dương, như giữa Nhật Bản và Đài Loan.
Ông Kerry nói Mỹ sẽ tăng cường các thỏa ước an ninh với các đồng minh truyền thống trong vùng như Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Úc. Ông cho biết sẽ gặp đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh quân đội Mỹ khu vực Thái Bình Dương, để xem xét lại sự hiện diện quân sự Mỹ trong vùng.