Tình hình biển Đông sáng 14/8: Trung Quốc xây hải đăng nhằm tạo sự 'bình thường mới'

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các hành động trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, và các nước láng giềng sẽ làm được rất ít chuyện để thách thức Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các hành động trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, và các nước láng giềng sẽ làm được rất ít chuyện để thách thức Trung Quốc, theo báo Wall Street Journal ngày 12/8.

Tác giả bài báo là Michael Auslin, học giả Viện Doanh nghiệp Mỹ tại thủ đô Washington, Mỹ và người giữ chuyên mục của Wall Street Journal. Theo bài báo, những sự kiện trong tuần qua cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tuyên bố chủ quyền trong vùng lãnh thổ tranh chấp theo những cách mà ngày càng khó khăn để chống lại họ. Đồng thời, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này dường như đang yếu đi.

Bắc Kinh tuyên bố vào tuần trước rằng sẽ xây dựng hải đăng trên 5 hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Các đảo nhỏ này nằm ở cả hai nhóm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực Đông Nam Á. Tuần trước, tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Myanmar, Trung Quốc và một số nước ASEAN đã bác bỏ đề nghị được Mỹ hậu thuẫn là “đóng băng” các hành động khiêu khích trên biển Đông. Gần như cùng thời điểm, Trung Quốc đã đưa tàu tuần duyên quay lại vùng biển quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Việc này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Tokyo công bố sách trắng quốc phòng, chỉ trích Trung Quốc có những "hành động nguy hiểm" gần quần đảo nói trên.

Nếu Nhật Bản hy vọng những lời lẽ mạnh mẽ của họ sẽ ngăn chặn sự đe dọa của Trung Quốc, thì họ đã lầm. Bắc Kinh ngày càng quyết tâm hơn trong việc thách thức Nhật Bản.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cố gắng đưa ra hình ảnh Nhật Bản là một đối tác an ninh với các quốc gia châu Á đang lo lắng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trong tháng 8, Tokyo công bố kế hoạch bán cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng, bán 10 tàu tuần tra mới cho Philippines. Tháng 7, Nhật và Úc công bố kế hoạch cùng phát triển công nghệ tàu ngầm tiên tiến. Nhật cũng tăng cường hợp tác với Ấn Độ.

Tuy nhiên, những mối quan hệ chiến lược mới này của Nhật Bản chẳng làm Bắc Kinh phải xem xét lại thái độ của họ.

Buổi gala dinner của các ngoại trưởng tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và các đối tác ở Myanmar ngày 9.8. Sự đoàn kết của ASEAN đang lỏng lẻo khi nhiều nước tỏ ra ngại đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông

Đông Á đang ở trong giai đoạn rất không ổn định. Quy mô và sức mạnh của Trung Quốc làm cho nước này chiếm ưu thế đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Các quốc gia châu Á chỉ đơn giản là phản ứng với các biện pháp chủ động của Bắc Kinh. Đáng ngại hơn, Trung Quốc đang tìm cách cô lập Mỹ về mặt ngoại giao. Ông Vương Nghị đã mô tả nước Mỹ như một “kẻ bên ngoài” và kêu gọi "các quốc gia châu Á" cùng nhau giải quyết vấn đề mà không cần bất kỳ sự can thiệp bên ngoài.

Chiến thuật này sẽ không hoạt động được chừng nào Mỹ còn được coi là một đối tác đáng tin cậy ở châu Á. Tuy nhiên, một khi Washington càng ít có ảnh hưởng đến các sự kiện trong những vùng biển tranh chấp, thì ngày càng nhiều khả năng các nước châu Á sẽ phải quyết định thoả hiệp trực tiếp với Bắc Kinh.

Thay vào đó, cả Washington và Tokyo hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ điều tiết hành vi của mình nếu cảm thấy ngày càng bị cô lập. Và những nỗ lực đầu tiên của họ để cô lập Bắc Kinh đã không mang lại kết quả mong đợi. Thay vào đó, Trung Quốc có thể cảm thấy bị dồn vào một góc, và có thể phản ứng quyết liệt.

Có khả năng quyền lực chính trị trong tương lai ở châu Á sẽ là một nhóm nhỏ các nước sẽ tăng cường hợp tác, nhưng không làm điều gì để trực tiếp thách thức Trung Quốc. Và khi Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy những biện pháp chủ động của họ, sự cân bằng an ninh châu Á sẽ định hình chậm lại trong lợi ích của nó.

Theo bài báo, chỉ có một sự thúc đẩy đầy mạo hiểm và phối hợp của sức mạnh quân sự các nước trong khu vực, như gây sức ép để ngăn cản Bắc Kinh xây dựng các hải đăng, thì điều này có thể gửi một tín hiệu rằng hành vi của họ phải thay đổi. Dù tỷ lệ xảy ra điều đó là cực nhỏ, châu Á sẽ chứng kiến điều “bình thường mới” là sự hiện diện của Trung Quốc gia tăng ở các vùng biển tranh chấp.

< >> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG