Tình hình biển đông sáng 14/8: Trung Quốc cải tạo Gạc Ma vì mục đích quân sự

Tân Hoa Xã đăng tải bài viết nhận định 'Gạc Ma có vị trí cực kỳ quan trọng và có thể biến thành căn cứ quân sự khi Biển Đông có biến'.

Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, ngày 11/9 đã có bài viết nói rõ các bãi đá ở Trường Sa (nơi Việt Nam có đầy đủ chủ quyền) có tầm quan trọng rất lớn về chiến lược đối với Trung Quốc, và rằng rằng việc biến đảo ngầm thành đảo nhân tạo này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông khi xảy ra biến cố.

Xét về mặt quân sự, tác giả bài báo cho rằng, bãi Gạc Ma và đá Tư Nghĩa có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, bởi những bãi đá ngầm này "trấn giữ căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược Tam Sa tới các đường giao thông tới Biển Đông".

Bài báo này phân tích rằng một khi Biển Đông có biến cố, quân đội Trung Quốc sẽ tác chiến trên Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực Trường Sa:

"Tuy nhiên, nơi đây cách đất liền Trung Quốc quá xa", "Nếu chiến đấu cơ bay từ Hải Nam cũng phải gần 1.000 km mới đến. Các máy bay chiến đầu J10 và J11, với tầm chưa đến 2.000 km, sẽ không thể bay tới. Và dù bay được đến nơi cũng không thể hoạt động hữu hiệu".

Chính vì vậy, việc tăng cường xây dựng mở rộng tại đảo Gạc Ma có ý nghĩa chiến lược to lớn. Sau khi mở rộng, xây dựng đường băng tại Gạc Ma, chiến đấu cơ J-11 nếu cất cánh tác chiến từ đảo này thì phạm vi tác chiến sẽ bao trùm toàn bộ Biển Đông.

Sau khi có tố cáo của Philippines, giới quan sát quốc tế cũng từng nhận xét rằng nếu Trung Quốc xây dựng trái phép được đường băng trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, đó sẽ là bước đầu tiên trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông (ADIZ).

Khi đó, Trung Quốc sẽ kiểm soát một vùng nước rộng lớn và có tầm quan trọng đặc biệt về an ninh, năng lượng, hàng hải và tài nguyên thủy hải sản này

Về phía Việt Nam, ông Lê Việt Trường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội cũng cho rằng "không loại trừ khả năng Trung Quốc thành lập vùng ADIZ". Nhưng bất luận thế nào, việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự là trái với tinh thần bản Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC).

Ông Trường cho biết, nếu như Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên đảo Gạc Ma thì Việt Nam sẽ kiên quyết phản đối vì Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Cũng liên quan đến vấn đề này Thiếu tướng Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, "Việt Nam và các nước ASEAN phải lên tiếng và cũng biết sẽ phải làm gì nếu Trung Quốc quyết định làm việc này".

"Chúng ta phải sớm lên tiếng, đừng để sự đã rồi, điều đó hết sức nguy hiểm", ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai nêu quan điểm.

Tuy nhiên về mặt chính thức, Bắc Kinh chưa từng đề cập bất cứ mục đích gì liên quan đến quân sự ở đây.

Hôm 10/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi dồn về mục đích cải tạo đất đai ở Gạc Ma và các bãi đá khác trên quần đảo Trường Sa, đã không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Bà Hoa Xuân Doanh chỉ cho biết các hoạt động đó "chủ yếu nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc cho những người đồn trú tại các đảo này".

Vào tháng 5 vừa qua Philippines đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc xây dựng trái phép trong khu vực. Philippines đã công bố hình ảnh cho thấy hoạt động cải tạo của Trung Quốc trên rạn san hô Johnson South (tức bãi Gạc Ma) và cho rằng Trung Quốc có khả năng đang xây dựng cả một đường băng ở đó.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG