Trung Quốc tỏ ra thân thiện, lôi kéo láng giềng...
Ngày 11/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rời Bắc Kinh, lên đường tới thủ đô Dushanbe của Tajikistan. Từ ngày 12-19/9, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) lần thứ 14 và thăm cấp nhà nước 4 nước: Tajikistan, Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ.
Chặng dừng chân đầu tiên là Tajikistan, nước láng giềng của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình cho biết, trong thời gian Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Dushanbe, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiến hành các cuộc hội đàm và hội kiến nguyên thủ các nước thành viên tổ chức này.
Ông Trình Quốc Bình cho biết, Tajikistan là láng giềng hữu nghị của Trung Quốc, là đối tác hợp tác quan trọng cùng xây dựng vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này là một chuyến thăm quan trọng trong lúc quan hệ Trung Quốc-Tajikistan bước vào thời kỳ mới hợp tác đa phương hoá, đa dạng hoá và cùng có lợi.
Truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Thứ trưởng Bình nói: “Trong 22 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ Trung Quốc-Tajikistan phát triển thuận lợi, giao lưu cấp cao giữa hai nước diễn ra mật thiết, quan hệ láng giềng hữu nghị tiếp tục được củng cố, sự tin cậy về chính trị không ngừng tăng. Hai nước đã giải quyết triệt để vấn đề biên giới do lịch sử để lại, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của hai nước. Nhiều năm qua, Trung Quốc và Tajikistan ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề lợi ích cốt lõi, cùng nhau ứng phó các mối đe dọa và thách thức”.
Các nhà lãnh đạo SCO tại Bishkek tháng 9/2013
Về chuyến thăm ba nước Nam Á là Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu cho biết đây lại là một hoạt động ngoại giao quan trọng nữa của lãnh đạo tối cao Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong năm nay, có ý nghĩa trọng đại và sâu xa, Trung Quốc tràn đầy mong đợi.
Theo lời ông trợ lý này thì Trung Quốc muốn “tăng cường sự hiểu biết chung, thể hiện thiện chí phát triển quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống song phương, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực chính trị và an ninh, thúc đẩy mạnh đà phát triển mạnh mẽ quan hệ song phương giữa Trung Quốc với các nước này”.
Đáng chú ý là theo lịch trình, ngày 17/9 tới, ông Tập Cận Bình sẽ tới bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ. Ông Modi sẽ đón ông Tập Cận Bình tại đây trước khi diễn ra cuộc hội đàm và các chương trình làm việc chính tại thủ đô New Delhi trong hai ngày tiếp theo.
Cùng đi trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của ông Tập Cận Bình còn có Ủy viên Bộ Chính trị Vương Hộ Ninh; Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Đại diện đặc biệt của Trung Quốc trong tiến trình đàm phán biên giới với Ấn Độ; Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị; Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành và 135 lãnh đạo các doanh nghiệp.
Trước chuyến công du 4 nước châu Á này, ông Tập Cận Bình đã có các chuyến thăm tới các nước châu Á khác như Mông Cổ, Hàn Quốc với những tuyên bố về “hợp tác”, “hữu nghị”…
Châu Á tăng cường năng lực phòng vệ
Bất chấp những cái bắt tay, những tuyên bố hùng hồn từ phía Trung Quốc, các quốc gia châu Á vẫn luôn cảnh giác trước sự gia tăng quân sự của người láng giềng khổng lồ này.
Các nước châu Á đều trang bị thêm vũ khí trong bối cảnh đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với nhiều láng giềng ở Biển Đông và Hoa Đông. Các nước châu Á khác, như Ấn Độ và Hàn Quốc cũng nhanh chóng hiện đại hóa quân đội.
Hải quân Trung Quốc
Theo giới chuyên gia, châu Á hiện nay chiếm khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu vũ khí của toàn thế giới và trong một thập niên qua, chi phí quân sự của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần.
Ông Robert Kaplan, chuyên gia phân tích của Stratfor, trụ sở tại Mỹ, nhận định rằng mục đích của Trung Quốc là vươn lên thay thế Mỹ thống trị Thái Bình Dương.
Ông này nói: “Trung Quốc nghĩ là có thể tăng cường khả năng quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông nhanh hơn các láng giềng. Nếu Trung Quốc có thể tự do di chuyển và kiểm soát nhiều hơn các vùng biển lân cận thì họ sẽ thực sự trở thành cường quốc hải quân”.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chưa thể đuổi kịp Mỹ (ngân sách quốc phòng của Mỹ lên tới 665 tỷ USD), nhưng gần bằng tổng chi phí quân sự của 24 nước Đông và Nam Á.
Tàu ngầm lớp Souryu của Nhật Bản
Đáng chú ý là đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có số lượng tàu ngầm bằng Mỹ, 78 chiếc. Không những thế, nhiều tàu ngầm sẽ neo đậu tại quân cảng cực lớn ở đảo Hải Nam, ngay lối ra Biển Đông.
Các quốc gia châu Á như Nhật Bản cũng có kế hoạch thay thế toàn bộ đội tàu ngầm và trang bị các tàu hiện đại hơn. Hải quân Hàn Quốc được tăng cường các tàu ngầm tấn công lớn hơn. Còn Ấn Độ có kế hoạch đóng thêm 6 tàu ngầm mới.
Tàu ngầm INS Chakra của Ấn Độ
Theo các chuyên gia Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, tàu ngầm được đánh giá là vũ khí nhiều tiềm năng, giúp đối phó với một kẻ thù to lớn hơn.
Ngoài ra còn có Philippines, tuy bị đánh giá là có phần chậm chạp và vất vả hơn trong việc hiện đại hóa hải quân. Philippines đã ký với Mỹ một thỏa thuận có giá trị trong vòng 20 năm, cho phép quân đội Mỹ thay phiên nhau đồn trú trong các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines.
Philipines cũng dự tính mua thêm máy bay tuần tra, tiêm kích và các thiết bị quân sự khác.
Tại Nam Á, Ấn Độ cũng mua thêm xe tăng, máy bay tiêm kích và trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Đồng thời, New Delhi cho lập một căn cứ với khoảng 100.000 binh sĩ, gần những nơi có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Không chỉ tự lực trong mua sắm vũ khí, các quốc gia châu Á còn bắt đầu hợp tác với nhau để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc với sự đi đầu của Nhật Bản.
Tháng 6/2014, Nhật Bản đồng ý cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần duyên. Năm 2013, Tokyo cam kết giao cho Manila 10 tàu.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), trụ sở tại Anh, trong 5 năm qua, số tàu tuần duyên của Việt Nam tăng gấp đôi, lên tới 68 tàu. Còn lực lượng tuần duyên Nhật Bản được trang bị thêm 44 tàu, nâng tổng số lên thành 389 tàu.
Tàu tuần tra của Nhật Bản
Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị ngân sách quốc phòng cho năm 2015 lên tới 48 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Tháng 7/2014, nội các Shinzo Abe thông qua việc diễn giải Hiến pháp hòa bình, cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài. Đầu tháng 9/2014, Nhật Bản và Ấn Độ thỏa thuận hợp tác về công nghệ quốc phòng và tiến hành tập trận chung.
Không nên mất cảnh giác trước chiêu bài “cải thiện”, “tăng cường” quan hệ song phương của Trung Quốc. Nên nhớ rằng, một trong những vấn đề trọng tâm của “Trung Hoa mộng” mà ông Tập Cận Bình nêu ra tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 là “phục hưng” Trung Quốc. Việc “phục hưng” này bao gồm cả cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, điều mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông, Hoa Đông hay biên giới với Ấn Độ.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG