Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nói quan điểm đối với hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa như vậy tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/9.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc gần đây đã thực hiện một số hoạt động trái phép tại bãi Gạc Ma cũng như tại quần đảo Trường Sa, ông Lê Hải Bình khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và cơ sở để khẳng định chủ quyền của mình ở quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng ở khu vực này đều là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực”.
Việc Trung Quốc tiến hành xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam liên tục được đề cập trên các phương tiện thông tin quốc tế thời gian qua.
Kể từ giữa tháng 5/2014 tới nay việc xây dựng vẫn đang được tiến hành và giới quan sát tiếp tục nhận định Trung Quốc đưa nhiều đội xây dựng xuống các khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam với ý đồ biến 6 bãi đá ngầm (Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất) thành đảo nhân tạo.
Đặc biệt trên tờ Asahi Shimbun còn đưa ra những hình ảnh chụp từ vệ tinh cuối tháng 7 cho thấy tại Gạc Ma đã xuất hiện nhiều lối đi, cây dừa, cầu tàu và một số công trình phi pháp.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV ngay từ khi đang diễn ra kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 (tháng 6/2014), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nói thằng: "Nếu có việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông là vi phạm DOC!".
Còn Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Ủy viên, Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thuộc Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: hành động của Trung Quốc cho thấy sự liều lĩnh, chủ quan và coi thường luật pháp quốc tế, ảnh hưởng tình hữu nghị 2 nước.
Thiếu tướng Tỷ cũng cho rằng việc giới chuyên gia quân sự quốc tế lo ngại rằng Gạc Ma được xây dựng là nằm trong dự án của Trung Quốc biến đảo Gạc Ma thành một tiền đồn không quân trên biển Đông là có cơ sở. Trong khi đó Hoàng Sa có vị trí chiến lược nằm gần trung tâm của biển Đông, Trung Quốc có thể dùng quần đảo này làm căn cứ cho các hoạt động bán quân sự như áp dụng lệnh đánh bắt do họ đơn phương áp đặt hoặc cấm các tàu thuyền nước ngoài vào khu vực.
"Chính phủ cần có những chuyển động mạnh mẽ hơn đối với việc làm này", Thiếu tướng Tỷ kiến nghị.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG