Tình hình biển Đông sáng 12/7: TQ tăng thêm tàu quân sự ở khu vực giàn khoan trái phép

Chiều 11/7, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, trong ngày, Trung Quốc duy trì khoảng 103-110 tàu tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.

Trong số này có 43-45 tàu hải cảnh, 17-19 tàu vận tải, 15-16 tàu kéo, 22-24 tàu cá, 6 tàu quân sự (tăng thêm 1 tàu so với ngày 10/7).

Theo Cục Kiểm ngư, ngày 11/7, các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của ta thực hiện việc tiếp cận giàn khoan, cách giàn khoan từ 10-11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

“Khi các tàu của ta tiếp cận giàn khoan đấu tranh tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc đã giàn hàng ngang ngăn cản, không cho các tàu của ta cơ động vào gần giàn khoan, các tàu của ta chủ động vòng tránh linh hoạt, kiên trì bám trụ để đấu tranh”, Cục Kiểm ngư thông tin.

Tại thực địa, các tàu cá của ngư dân ta trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt ở phía Tây – Tây Nam, cách giàn khoan 42-45 hải lý. Trên khu vực tàu cá của ta đánh bắt, các tàu cá của Trung Quốc hoạt động tại vùng biển của ta dưới sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh và 2 tàu vận tải của Trung Quốc thường xuyên bám sát ngăn cản, ép hướng tàu cá của ta.

Dưới sự hỗ trợ của tàu kiểm ngư, các tàu cá của ta vẫn bám ngư trường đánh bắt cá, đảm bảo an toàn.

Việt Nam hoan nghênh Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc ngày 10/7/2014, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết 412 khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển, vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo quy định của luật pháp quốc tế, giải quyết các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, ngày 11/7/2014, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳtiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.”

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG