Tình hình biển Đông chiều 11/6: Việt Nam phản đối Trung Quốc tại đối thoại Mỹ - ASEAN

Phái đoàn Việt Nam hôm qua cực lực phản đối Trung Quốc, yêu cầu nước này rút ngay giàn khoan nước sâu hạ đặt trái phép, tại Đối thoại ASEAN - Mỹ ở Myanmar.

Đối thoại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Mỹ lần thứ 27 hôm qua diễn ra tại Yangon, Myanmar. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu.

Thứ trưởng nêu rõ, Trung Quốc trái phép hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các tàu của Trung Quốc liên tục gây hấn, cố tình đâm húc, gây hư hại các tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển, tàu cá của ngư dân Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC).

Phái đoàn Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm nêu trên, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình, song kiên trì đối thoại và sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho hay.

Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định ủng hộ các quan điểm của ASEAN trong Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 10/5, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, và an ninh, an toàn hàng hải của khu vực. 

Mỹ phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, Tuyên bố DOC. Mỹ tuyên bố ASEAN và Trung Quốc cần đàm phán thực chất để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Về hướng tương lai, ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ trong việc đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác giữa Mỹ và các nước Hạ nguồn Mê Kông (LMI).

Các cuộc họp hội nghị quan chức cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, được tổ chức tại Yangon, Myanmar từ ngày 7 đến 10/6. Các cuộc họp cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị về nội dung, tổ chức, chương trình nghị sự cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác vào đầu tháng 8 tới.

Tàu cảnh sát biển của Việt Nam (gần) quyết bảo vệ vùng biển Việt Nam, bất chấp sự hung hăng của tàu Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Nhật sẽ hỗ trợ trang bị radar cho tàu cảnh sát biển Việt Nam

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida vừa tuyên bố nước này sẽ hỗ trợ chi trả việc lắp đặt hệ thống radar, radio và nhiều thiết bị khác cho các tàu do Cảnh sát biển Việt Nam vận hành, Đài NHK đưa tin ngày 11/6.

Ngoại trưởng Kishida đưa ra tuyên bố trên trước khi ông có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 1/7 và trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cho tàu tấn công các tàu Việt Nam, trong đó có tàu cảnh sát biển.

Ngoại trưởng Nhật còn tuyên bố ông hy vọng Nhật Bản và Việt Nam có thể tái khẳng định hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và hai bên sẽ cùng làm việc để duy trì trật tự biển theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tuyên bố mới của ông Kishida được đưa ra hơn 10 ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore khẳng định Tokyo “ủng hộ tối đa” các nước ASEAN trong nỗ lực giữ an ninh vùng biển và vùng trời, nhằm bảo đảm quyền tự do đi lại trên biển và trên không.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG