Tình hình biển Đông chiều 8/10: Chính phủ báo cáo tình hình Biển Đông

Chính phủ báo cáo tình hình Biển Đông tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 và nghe báo cáo tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, tại Việt Nam.

Cuối giờ làm việc sáng nay (8/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến  về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

Căn cứ ý kiến đề xuất bổ sung nội dung của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế, đề nghị bố trí nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông tại hội trường trong thời gian 1 giờ (dự kiến từ 16 giờ 00 ngày 25/10/2014) để Quốc hội nắm được thông tin cụ thể, đầy đủ hơn về vấn đề quan trọng này. 

Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung kỳ họp như sau: Rút nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới.

Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Bổ sung nội dung Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông.

Bổ sung các báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu về một số vấn đề: Việc triển khai thực hiện Pháp lệnh người có công và Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Tình hình vệ sinh, an toàn thực phẩm; Tình hình triển khai Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; Tình hình người nghiện ma túy trong phạm vi cả nước; việc thực hiện các biện pháp cai nghiện đối với người nghiện ma túy và công tác quản lý đối với người sau cai nghiện hiện đang sống trong cộng đồng dân cư; Tình hình lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc tại Việt Nam.

Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị tăng thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thêm 1 buổi/1 dự án, đề án.

Tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày để bảo đảm thời gian làm rõ vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn.

Bố trí 01 buổi thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; bố trí truyền hình trực tiếp các phiên thảo luận tại hội trường về các dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phân công Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội là Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc lãnh đạo các Ủy ban và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, các Tổ phó là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có biện pháp tăng tính tranh luận trong thảo luận, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, những vấn đề còn ý kiến khác nhau của các dự án luật.

Xem xét rút ngắn thời gian kỳ họp trên cơ sở rút ngắn thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo giải trình, tiếp thu và thông qua các luật; bố trí hợp lý Quốc hội làm việc một số ngày thứ bảy để phiên bế mạc kỳ họp vào thứ sáu, ngày 28/11/2014. 

Văn phòng Quốc hội xin dự kiến bổ sung việc bố trí Quốc hội mặc niệm ông Nguyễn Minh Hồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An vào đầu phiên họp trù bị.

Dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp không thay đổi, với 33 ngày làm việc chính thức, trong đó Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ bảy. Do có sự thay đổi trong bố trí làm việc vào các ngày thứ bảy nên kỳ họp sẽ bế mạc vào thứ sáu, ngày 28/11/2014, sớm hơn 01 ngày so với dự kiến gửi các vị đại biểu Quốc hội.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG