Tình hình biển Đông chiều 30/9: Mỹ bỏ cấm vận vũ khí

Việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam sẽ không làm thay đổi cân bằng quyền lực đang định hình về an ninh ở Biển Đông hiện tại, nhưng giúp duy trì hiện trạng.

Phi đội P-3C Orion của Hải quân Mỹ tại căn cứ Kadena (Nhật Bản), chuyên bay giám sát biển Hoa Đông, Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương. Loại máy bay này đã sử dụng hàng chục năm và đang dần được thay bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn 

Bài báo cho biết chưa đầy 24h sau khi Reuters có bản tin về việc các quan chức Mỹ đề cập việc bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, trong đó máy bay giám sát biển và săn ngầm P-3 Orion rất có thể được bán đầu tiên cho Việt Nam, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đã phát biểu tại New York rằng việc bãi bỏ cấm vận chứng tỏ quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trở nên bình thường, dù hai nước đã bình thường hoá quan hệ 20 năm qua.

Ông Phạm Bình Minh dự kiến sẽ đến Washington D.C. đầu tháng 10 để gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ đến thăm Việt Nam cuối năm.

Việc Mỹ có thể bán máy bay P-3 Orion cho Việt Nam sẽ gia tăng năng lực của hải quân Việt Nam vốn đang phát triển năng lực tuần tra và giám sát biển. Máy bay P-3 còn là vũ khí chống tàu chiến và săn ngầm tốt. Một chiếc P-3 có giá khoảng 36 triệu USD. Tuy nhiên theo nhiều nguồn tin thì có thể Mỹ chỉ bán P-3 không có vũ trang cho Việt Nam.

Báo Bangkok Post (Thái Lan) ngày 30/9 nhận xét rằng chỉ cần 2 chiếc loại này là Việt Nam đủ sức giám sát toàn bộ hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại Mỹ đang có sự ủng hộ rộng rãi trong cả giới hành pháp và lập pháp để đưa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam gần gũi hơn trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động quyết liệt trên Biển Đông. Bãi bỏ lệnh cấm vận là đại diện cho một trong những phương cách chắc chắn nhất với Mỹ để đạt được sự ủng hộ ngoại giao quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khi Mỹ đang tìm cách củng cố chiến lược xoay trục về châu Á. Một lĩnh vực quan trọng khác về sự hợp tác ngày càng tăng là khả năng gia nhập của Việt Nam vào Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với Việt Nam, trong khi Mỹ có thể là một đối tác có sức hấp dẫn cho việc mua sắm quốc phòng, thì nước này đã và đang có những đối tác khác, bao gồm cả Nga và Ấn Độ. Trong chuyến thăm Hà Nội hồi đầu tháng 9.2014, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đã ký một bản ghi nhớ bao gồm việc cung cấp tín dụng 100 triệu USD cho việc mua sắm quốc phòng của Việt Nam.

Quan trọng hơn, Việt Nam có 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo cải tiến mua từ Nga để thêm vào hạm đội hải quân mà chủ yếu gồm các tàu có từ thời Liên Xô. Việt Nam cũng quan tâm loại tên lửa siêu âm diệt hạm BrahMos (Nga - Ấn Độ hợp tác chế tạo) qua một hợp đồng dường như chỉ đang còn chờ sự chấp thuận từ Moscow.

Ngoài ra, đầu năm 2014, Nhật Bản cho thấy mối quan tâm trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Sau khi Nhật nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Việt Nam có thể dễ dàng tìm nguồn cung ứng thiết bị quốc phòng của Nhật Bản.

Ngoại trừ Nhật Bản, Mỹ vẫn có vị trí đáng kể trong việc giúp Việt Nam củng cố và hiện đại hoá quốc phòng vốn chủ yếu dựa vào trang thiết bị từ thời Liên Xô.

Do vậy mà Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khi được hỏi liệu Trung Quốc có phản ứng trước việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam, đã nói rằng nếu không mua vũ khí của Mỹ thì Việt Nam vẫn mua từ những nước khác. Vì vậy Trung Quốc không nên quan ngại.

Một chiếc P-3 trang bị đầy đủ vũ khí của Hải quân Mỹ 

Có thể Mỹ chỉ bán cho Việt Nam loại P-3 không được trang bị vũ khí. Nhưng theo báo Bangkok Postngày 30.9, chỉ cần 2 chiếc loại này là Việt Nam đủ sức giám sát toàn bộ hoạt động của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ

Nếu và khi Mỹ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, hậu quả của việc này có thể sẽ không mang lại ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực. Việc bỏ lệnh cấm sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương sâu sắc hơn giữa Washington và Hà Nội, nhưng sẽ không làm thay đổi tình hình an ninh hàng hải hoặc cân bằng quyền lực đang định hình về an ninh hiện nay ở Biển Đông.

Nhưng đối với Mỹ, việc giúp gia tăng khả năng của Việt Nam trong việc tuần tra và giám sát vùng biển của mình sẽ giúp duy trì hiện trạng trong khu vực, phù hợp với mục tiêu của Mỹ ở châu Á. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam sẽ là tiếng nói đầu tiên và quan trọng nhất về lợi ích ngày càng tăng giữa hai nước.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG