Tình hình biển Đông chiều 29/8: Trung Quốc đổi chiến thuật, Nhật theo dõi BĐ

Cục Tình báo an ninh công cộng Nhật Bản sẽ tăng ngân sách, tăng cường công tác thu thập tình báo đối với đảo Senkaku, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Báo Sankei Shimbun của Nhật Bản ngày 28/8 cho biết, Cục Tình báo an ninh công cộng Nhật Bản cho rằng, trong vấn đề đảo Điếu Ngư, do tàu hải cảnh Trung Quốc liên tiếp xuất hiện ở vùng biển này nên thu thập tình báo liên quan đến động thái của các bên ở khu vực biển Hoa Đông là điều không thể thiếu.

Ở khu vực Biển Đông, giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á tồn tại tranh chấp, Cục Tình báo an ninh công cộng Nhật Bản cho rằng cần thiết phải nắm chắc các động thái ở Biển Đông. Vì vậy, có kế hoạch áp dụng các biện pháp như bố trí thêm cứ điểm tình báo, xây dựng mạng lưới tình báo rộng rãi.

Dự kiến, Cục Tình báo sẽ xin ngân sách 3 tỷ yên để tăng cường khả năng thu thập tình báo trong và ngoài Nhật Bản.

Động thái trên của Nhật Bản diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc đang thay đổi chiến thuật trên biển Hoa Đông. Theo đó, Trung Quốc đã giảm hành động và ngôn từ khiêu khích, chuyển từ đối đầu trực tiếp sang né tránh có chủ ý nhằm mục đích đánh lạc hướng, gây mất cảnh giác đối với các nước châu Á…

Báo giới Nhật Bản nhận định việc Trung Quốc đột ngột thay đổi chiến lược rõ ràng liên quan mật thiết tới những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông, và có lẽ Trung Quốc buộc phải dồn sức tập trung vào một bên (chọn Biển Đông, chứ không phải biển Hoa Đông) để đề phòng phải triển khai một lượng lớn tàu hải giám nếu có tình huống khẩn cấp.

Phía Nhật cũng cho rằng Trung Quốc hẳn đang rất lo ngại về việc Mỹ xích lại gần Việt Nam với chiều hướng ủng hộ, và Trung Quốc ắt hẳn đã rút ra được bài học không thu hoạch được gì từ những căng thẳng gia tăng do tranh chấp lãnh thổ và không tìm kiếm được sự cảm thông từ các bên.

Tuy nhiên thái độ giảm nhiệt bất thường này của Trung Quốc sẽ khiến Nhật Bản khó khăn hơn trong việc đối phó với nước này.

Chính vì thế, việc Nhật Bản gia tăng hoạt động tình báo trên Biển Đông cũng là một biện pháp để Tokyo có thể chủ động ứng phó với những chiêu trò của Bắc Kinh trong tranh chấp biển.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG