Tình hình Biển Đông chiều 25/8: TQ không thay đổi dã tâm xưng bá ở Biển Đông

Trang mạng The National Interest (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy yêu sách lãnh thổ và dã tâm xưng bá ở Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng, ban lãnh đạo mới Trung Quốc đã đánh giá lại đối với môi trường an ninh, vị thế và phản ứng của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại. Bởi ông Tập Cận Bình cho rằng, ngoại giao Trung Quốc cần sử dụng tốt cơ hội chiến lược quan trọng, bảo vệ chủ quyền, an ninh, và lợi ích phát triển quốc gia. Và đặc điểm của tình hình mới là sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ tới châu Á (xoay trục), cùng tình hình căng thẳng ngày càng trầm trọng do tranh chấp lãnh thổ trên biển gây ra. Do đó, Trung Quốc cần duy trì sự chủ động ở Biển Đông.

1 tháng trước (25/7), tại cuộc họp báo thường kỳ, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng, Biển Đông tại thời điểm hiện nay có “hơi khác” so với lúc Trung Quốc gia tăng các hành động gây “căng thẳng” và “bất ổn” nhằm mục tiêu “thay đổi nguyên trạng", nhưng Washington tiếp tục kêu gọi các bên dùng biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp, và tránh “mọi hành động leo thang mới".

Trang mạng Freebeacon (Mỹ) từng dẫn cảnh báo của Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert: trong các cuộc xung đột tương lai, tên lửa đạn đạo và hành trình tiên tiến của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Trước đó (10/8), tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Trung Quốc đã nghiên cứu chế tạo ra một loại tên lửa xuyên lục địa có thể tấn công bất cứ khu vực nào của Mỹ (DF-41) và việc này làm thay đổi kế hoạch quân sự của Mỹ-Nhật.

Theo đó, Mỹ sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 12/8, tờ Global Times dẫn bình luận của cựu Phó Tư lệnh quân khu Nam Kinh cho rằng, Mỹ cần lo sợ về một cuộc chiến (nếu xảy ra) với tàu ngầm Trung Quốc bởi tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn có thể nổi bên cạnh, mà hải quân Mỹ không biết.

Trong khi đó, theo giới quân sự, nỗi sợ hãi lớn nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn là tàu sân bay Mỹ sau khi Washington thực hiện chiến lược "xoay trục”, theo đó sẽ triển khai 60% tàu sân bay, 60% tàu ngầm hạt nhân ở Thái Bình Dương.

Tờ Gazeta.ru vừa dẫn nhận định của tiến sỹ Alexandr Yankov, nguyên đại diện thường trực Bulgaria tại Liên hợp quốc và hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về luật quốc tế. Tiến sỹ Alexandr Yankov cho rằng, những sự kiện gần đây ở Đông Âu và châu Á-Thái Bình Dương cho thấy vai trò của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế đang bị lung lay.

Ông Alexandr Yankov khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo UNCLOS và Việt Nam không nên tiếp tục im lặng, cần đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế tại La Hay như Philippines đã làm. Trang mạng qianzhan.com Trung Quốc từng dẫn các nguồn tin cho rằng, nhiều người được hỏi lo ngại về tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước hữu quan.

Hãng Reuters từng dẫn thông tin từ các quan chức ngành dầu khí Trung Quốc cho biết, các con tàu - nhà máy khí hóa lỏng nổi có thể trở thành một thành phần quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Theo giới chuyên gia, tại vùng biển tranh chấp, một tàu đơn lẻ sẽ dễ bảo vệ hơn so với hàng trăm km đường ống. Giới truyền thông cho rằng, Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang nghiên cứu khả năng xây dựng nhà máy khí đốt hóa lỏng nổi trên Biển Đông (công nghệ chưa qua thử nghiệm), dưới hình thức là một con tàu có trị giá hàng tỷ USD.

Trong một diễn biến liên quan, hãng Reuters vừa dẫn lời quan chức cao cấp của Chad cho biết, nước này dự định kiện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) sau khi các cuộc đàm phán thất bại liên quan đến yêu cầu của N'Djamena đòi CNPC bồi thường 1,2 tỉ USD (đã hủy 5 giấy phép thăm dò do CNPC nắm giữ) cho những vi phạm về môi trường. Việc này diễn ra sau khi Chad phát hiện một số lượng lớn dầu thô bị đổ xuống các hố đào ở vùng Koudalwa, nơi CNPC được cấp giấy phép khai thác dầu kể từ năm 2009.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng và tờ Nikkei từng đưa tin, Nhật Bản và Trung Quốc đang cố gắng sắp xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 2 nước tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 ở Bắc Kinh nhằm hàn gắn mối quan hệ đang bị rạn nứt vì tranh chấp chủ quyền biển đảo. Thông tin này xuất hiện sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình gặp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda ở Bắc Kinh.

Trong khi đó, tờ Đại Công báo cho rằng, việc Mỹ can dự vào biển Hoa Đông, kêu gọi đóng băng hoạt động gây căng thẳng, khiêu khích trên Biển Đông chứng tỏ, Washington sẽ thực hiện xong các nhiệm vụ ở Trung Đông và Ukraine trước khi tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 21/8, người phát ngôn lục quân Philippines, Trung tá Noel Detoyato cho biết, Manila sẽ tiếp nhận 28 xe bọc thép chở quân nâng cấp của Israel trong quý đầu năm 2015. Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez thông báo, Manila sẽ thanh toán hợp đồng mua xe bọc thép chở quân nâng cấp trị giá 882 triệu peso (khoảng 20 triệu USD) cho nhà sản xuất quốc phòng Elbit Systems của Israel theo 3 đợt.

Trước đó (4/8), người phát ngôn lục quân Philippines, Trung tá Noel Detoyato cho biết, Manila đã tiếp nhận đợt thứ 2 gồm 27.200 khẩu M4 từ nhà sản xuất súng Remington của Mỹ. Đây là lô súng M4 thứ 2 Mỹ bàn giao cho Philippines trong khuôn khổ gói thầu cung cấp hơn 90.000 khẩu M4 trị giá 2,4 tỷ peso (54.88 triệu USD) cho quân đội nước này.

Trước đó, tờ Inquirer đưa tin, hạ tuần tháng 7, kiều dân Philippines đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông trước sứ quán Trung Quốc ở Mỹ (New York, Los Angeles, Washington D.C., Guam), Canada (Vancouver), Australia (Sydney), Italia (Rome) và một số thành phố lớn trên thế giới.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG