Trong khi Nhật Bản lần đầu tiên đưa khoa mục bảo vệ và tái chiếm đảo xa vào cuộc tập trận thường niên lớn nhất mang tên “Hỏa Lực” thì Trung Quốc cũng quyết liệt không kém khi thông báo tập trận chung hải quân, không quân với các tình huống đối đầu trực diện trên không phận Hoa Đông.
Theo truyền thông Nhật Bản, hàng chục xe tăng, trực thăng vũ trang cùng với các đơn vị thiện chiến nước này ngày 19/8 đổ bộ xuống một địa điểm tại chân núi Phú Sỹ, phô diễn sức mạnh của các trang thiết bị vũ khí và chiến thuật trong khoa mục tái chiếm một hòn đảo xa xôi trên biển Hoa Đông. Cuộc tập trận năm nay kéo dài đến ngày 24/8 với sự tham gia của 2.300 binh sỹ với hàng chục máy bay, xe tăng và nhiều trang thiết bị quân sự khác.
Mặc dù trong thời gian gần đây, quân đội Nhật Bản thường xuyên diễn tập bảo vệ hoặc tái chiếm đảo xa nhưng đây là lần đầu tiên khoa mục này trở thành một phần quan trọng trong cuộc tập trận thường niên lớn nhất nước này. Đây cũng là sự phản ánh rõ nét động thái chuyển dịch quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản sau quyết định mở rộng vai trò quân đội cả trong và ngoài nước của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng trước.
Bên cạnh tăng cường khả năng phòng thủ đảo xa, trong chiến lược quốc phòng mới của mình, Nhật Bản cũng thay đổi ưu tiên phòng thủ từ khu vực phía bắc giáp với Nga sang biển Hoa Đông trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc leo thang nhanh chóng. Không chỉ xây dựng một đơn vị tấn công đổ bộ nhanh tương tự như các lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, Nhật Bản còn tăng gấp đôi số máy bay chiến đấu triển khai tại Okinawa, gần sát quần đảo tranh chấp với Trung Quốc.
Trong một động thái tương tự, truyền thông Trung Quốc ngày 20/8 dẫn nguồn quân đội nước này thông báo hải quân và không quân Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tập trận trên biển Hoa Đông. Điểm mới trong cuộc tập trận này là lần đầu tiên không quân của hải quân và không quân Trung Quốc tổ chức phối hợp tác chiến với các nội dung đối đầu thực tế hơn là theo những giả định cho trước.
Thông báo tập trận trên của Trung Quốc cũng phản ảnh định hướng của lãnh đạo nước này thời gian qua, đó là hướng các cuộc tập trận của quân đội phải sát với thực tế chiến đấu hơn nữa. Việc chuyển từ các khoa mục truyền thống sang tập trận sát các điều kiện chiến trường thực tế được cho là nhằm kiểm tra và cải thiện kỹ năng thực chiến của lực lượng không quân Trung Quốc, vốn bị đánh giá là khá yếu kém. Cụ thể, trong lần tập trận này, các máy bay quân sự Trung Quốc sẽ thực hiện các bài tập đối đầu một đấu một hoặc hai đấu hai và có thể bao gồm cả máy bay chiến đấu của nước thứ ba.
Theo giới quan sát, những cuộc đối đầu này hoàn toàn có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn hơn, đẩy biển Hoa Đông vào trạng thái nguy hiểm, ảnh hưởng tới an ninh và hòa bình khu vực.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG