Theo trang Asia Oil & Gas, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã đóng xong kho nổi (FPSO) thứ 17 mang tên Haiyang Shiyou 118 tại nhà máy đóng tàu Đại Liên với tổng chi phí 2,7 tỷ Nhân dân tệ (440 triệu USD).
Trao đổi với chuyên gia hàng hải Đỗ Thái Bình (Hội Khoa học Biển TP.HCM) về chiếc kho nổi này, ông Bình cho rằng cần nhìn nhận một cách khách quan rằng việc Trung Quốc có được những thành tựu như vậy là điều hoàn toàn hiển nhiên.
Về kho nổi Haiyang Shiyou 118 này, chuyên gia Đỗ Thái Bình cho biết: “Đây là một kho nổi khổng lồ của Trung Quốc, bản thân từ FPSO là viết tắt của cụm từ kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô. Khi dàn khoan khoan dầu từ đáy biển lên, dầu được chuyển vào kho nổi này, xử lý lọc tạp chất thành dầu thô. Và từ kho nổi này có thể dẫn được sang các tàu buôn dầu khác để vận chuyển.
Thực chất đây là một công nghệ mà thế giới đã sử dụng từ rất lâu, là giải pháp cho những mỏ dầu nước sâu không thể đặt được đường ống dẫn dầu. Bản thân tập đoàn CNOOC của Trung Quốc cũng áp dụng công nghệ này trong việc khai thác dầu ở châu Phi hay Mỹ Latinh.”
Kho nổi Haiyang Shiyou 118 dài thân 266,64m, diện tích boong tàu tương đương hai sân bóng đá tiêu chuẩn. Chiều cao lên tới 50,5m, ngang tòa nhà 17 tầng. Lượng giãn nước của Haiyang Shiyou 118 là khoảng 35.000 tấn. Sức chứa là 150.000 tấn dầu. Tàu này có khả năng xử lý được 56.000 thùng dầu mỗi ngày.
Ông Đỗ Thái Bình cho biết thêm: “Hiện tại báo chí ta đang bị nhầm lẫn ở hai khái niệm. Khi kho nổi Haiyang Shiyou 118 hoàn thiện, báo chí Trung Quốc đã tung hô nó như một thành tựu vượt bậc của công nghệ biển của họ. Và vị trí mà kho nổi này vận hành đã được xác định là “mỏ dầu Enping 24-2 (Ấn Bình 24-2) ở cửa khẩu sông Châu Giang, phía đông của Biển Đông.”
Tuy nhiên cái Biển Đông đó được hiểu theo khái niệm của Trung Quốc, tức là phía Đông của họ, vùng biển gần HongKong chứ không phải Biển Đông theo khái niệm của Việt Nam. Còn Biển Đông của Việt Nam được Trung Quốc xác định là Nam Hải.
Vị trí mỏ dầu Enping 24-2 này Trung Quốc đã thăm dò từ rất lâu, trước khi giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đến vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nó cũng đã vận hành và khoan thăm dò ở mỏ dầu Enping. FPSO Haiyang Shiyou 118 sẽ được kết hợp với các giàn khoan của Trung Quốc để khai thác mỏ dầu này trước tiên.”
Một kho nổi đời trước của Haiyang Shiyou 118 hoạt động trên biển
Theo thông tin từ ông Đỗ Thái Bình, như vậy đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã kiện toàn khả năng khai thác dầu ở Biển Đông. Và hành động khoan thăm dò của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vừa qua hoàn toàn báo trước việc Bắc Kinh có thể khai thác dầu ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam bất kỳ lúc nào.
Trước câu hỏi này, ông Đỗ Thái Bình cho rằng Trung Quốc có điều kiện kinh tế để làm những công việc đó, và chính sách của Bắc Kinh cũng cổ súy cho việc khai thác năng lượng trên vùng biển mà họ cho là họ có chủ quyền. Với tiềm lực như hiện nay, Trung Quốc có thể khai thác dầu ở bất kỳ chỗ nào trên Biển Đông nếu họ muốn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc khai thác dầu trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam sẽ đẩy cục diện mối quan hệ hai nước xấu đi rất nhiều.
Ông Đỗ Thái Bình cho biết thêm, không chỉ về khai thác tài nguyên biển, các lĩnh vực khác được gọi chung là công nghệ biển của Trung Quốc cũng đang rất hiện đại, từ vận tải, thăm dò, thậm chí là khảo cổ, chưa kể đến quân sự. Điều này cho thấy họ có dã tâm, nhưng họ cũng có chiến lược và định hướng một cách bài bản và rõ ràng.
“Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải tự làm cho mình mạnh lên thay vì lo lắng trước sức mạnh và khả năng của họ.” – Chuyên gia Đỗ Thái Bình nhận định.