Tình hình biển Đông chiều 19/10: Trung Quốc và 'trò chơi nguy hiểm' ở Biển Đông

Ở những đảo, bãi đá mà TQ chiếm được bằng vũ lực trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cả dân sự lẫn quân sự.

Theo French, sự bành trướng của Trung Quốc đã được cảnh báo từ lâu. Nhiều nhà quan sát đã dự báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, trong đó một Trung Quốc đang trỗi dậy sẽ dần dần tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Đây là xu thế tất nhiên, không tranh khỏi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên và đáng lo ngại là xu thế này đã được đẩy nhanh hơn trong giai đoạn đầu, ít nhất là trong khoảng 2 năm qua. Đột ngột và mạnh mẽ, Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy lợi ích quân sự của mình trong khu vực, buộc các nước láng giềng và Mỹ phải đặc biệt cảnh giác.

Trong thời gian vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng các chiến thuật quân sự, dân sự trắng trợn để khẳng định quyền kiểm soát ở Thái Bình Dương, đáng chú ý nhất là việc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Trên những đảo, bãi đá mà Trung Quốc chiếm được bằng vũ lực trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh đã đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cả dân sự lẫn quân sự, hòng sử dụng sự hiện diện của mình trên các hòn đảo để hỗ trợ và nhấn mạnh yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của mình.

Đối thủ chính của Trung Quốc trên Biển Đông là Việt Nam và Philippines - hai nước có phản ứng rõ ràng nhất, mạnh mẽ nhất với các hành vi khiêu khích, xâm lấn của Bắc Kinh. Các nhà phân tích ở cả hai nước rất quan ngại khả năng Trung Quốc sẽ lựa chọn 1 trong 2 nước này để “ra tay”, hòng “giết gà dọa khỉ”. Trung Quốc sẽ tìm cách “bắt nạt” và làm “bẽ mặt” 1 trong 2 nước để làm “bài học” đe dọa nước còn lại rằng “chống cự Bắc Kinh là vô ích và Mỹ không thể tới giúp gì cho bạn”.

Theo French, khác với Philippines, Việt Nam không có thỏa thuận quốc phòng với Mỹ và điều này dễ khiến Hà Nội trở thành một “mục tiêu hấp dẫn” đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, dù kích thước lãnh thổ chỉ bằng 1 phần 30 diện tích Trung Quốc nhưng Việt Nam lại có một truyền thống văn hóa thượng võ đáng gờm mà Mỹ đã từng có bài học vào những năm 60 của thế kỷ trước. Người Trung Quốc cũng nên làm quen với một thực tế rằng, Việt Nam đã đẩy lùi cuộc chiến xâm lược của Bắc Kinh trên toàn tuyến biên giới phía bắc năm 1979 khiến hơn 20 ngàn binh lính Trung Quốc bỏ mạng vô ích.

Không ai trong số các nhà ngoại giao và quan chức Việt Nam mà tác giả Howard French đã từng gặp có bất kỳ ảo tưởng nào về một cuộc đụng độ đối xứng với Trung Quốc, dù là hải quân hay không quân. Nhưng người Việt thường sáng tạo ra những phương pháp và chiến thuật đặc biệt để đánh bại đối thủ mạnh hơn và được trang bị vũ khí hiện đại hơn. Và hiện giờ, người Việt vẫn đang giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước đáng tự hào.

Trong khi đó, Philippines cũng không phải là một mục tiêu dễ dàng đối với Bắc Kinh. Manila đang theo đuổi vụ kiện chống lại Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đồng thời tập hợp sự ủng hộ của dư luận quốc tế, gây sức ép để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nói như Harry Roque, một giáo sư luật tại Đại học Philippines, người cố vấn cho chính phủ Philippines theo đuổi vụ kiện Trung Quốc thì: “Manila có tất cả mọi thứ để chiến thắng và không có lý do gì để thua” trong vụ kiện này.

Ngoài các nỗ lực đầu tư, mua sắm hiện đại hóa quân đội, quan trọng hơn cả là hồi tháng 4-2014, Philippines đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ - một động thái được cho là nhằm đối phó với tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Một tháng sau khi ký kết, trong một bài phát biểu tại Học viện Quân sự West Point, Tổng thống Obama đã khẳng định: “Mỹ sẽ sử dụng các lực lượng quân sự, đơn phương nếu cần thiết, khi các lợi ích cốt lõi của chúng ta bị đe dọa, khi người dân chúng ta bị đe dọa, khi đời sống của chúng ta bị đe dọa, khi an ninh của các đồng minh gặp nguy hiểm”.

Yêu sách chủ quyền quá đáng cùng những hành động hung hăng, khiêu khích, cậy thế “nước lớn bắt nạt nước nhỏ” của Trung Quốc đã bắt đầu gây sự chú ý với cộng đồng quốc tế. Nhiều nước đã xích lại gần Mỹ và bắt đầu bắt tay nhau để nhằm vào mục tiêu chung là “kiềm chế Bắc Kinh”. Và điều này thực sự không có lợi cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là các hành vi của Trung Quốc không chỉ thể hiện sức mạnh đang lên của Bắc Kinh mà còn thể hiện sự bất an, thiếu tự tin trong hàng ngũ lãnh đạo Bắc Kinh trước một cuộc khủng hoảng thời kỳ hậu - tư tưởng “giấu mình chờ thời”. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc đã khuếch đại tiếng nói của chủ nghĩa dân túy cứng rắn từ những người liên tục yêu cầu quốc gia của họ phải đứng cao hơn các quốc gia khác và sở hữu sức mạnh quân sự răn đe.

Điều này đã được thể hiện qua chính câu chuyện của ông Wu Jianmin, cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc với tờ nhật báo Asahi Shimbun (Nhật). Khi được hỏi liệu một nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể công khai thỏa hiệp với các nước láng giềng Trung Quốc hay không, ông Wu Jianmin đã không ngần ngại nói rằng: “Ông ấy sẽ là một kẻ phản bội”.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG