Hồi cuối tuần trước, một cựu quan chức Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT) đã hối thúc chính quyền Đài Loan từ bỏ tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông bằng cái gọi là “đường chín đoạn” vì nó thiếu cả cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn.
Ông William Stanton, cựu giám đốc văn phòng AIT từ năm 2009-2012 đưa ra tuyên bố trên tại một hội thảo tổ chức ở Đài Bắc hồi tuần trước. Do giữa Mỹ và Đài Loan chưa có quan hệ ngoại giao chính thức nên AIT được coi là nơi đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Đài Loan.
Ông William Stanton, cựu giám đốc văn phòng AIT
Theo ông Stanton, “đường chín đoạn” lần đầu tiên xuất hiện trên một tấm bản đồ cho chính phủ Trung Hoa Dân quốc (ROC) công bố vào ngày 1/12/1947, và ban đầu nó có tới 11 đoạn, và sau đó nó được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) sử dụng. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sau này đã bỏ đi 2 đoạn mà không đưa ra lời giải thích nào, biến nó thành một “đường chín đoạn” bao trùm gần hết Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Stanton nhấn mạnh rằng cả Đài Loan và Trung Quốc đều chưa bao giờ giải thích về những lý lẽ hay ý nghĩa của tấm bản đồ với những đường được vạch ra một cách vu vơ không dựa trên bất cứ mốc địa lý nào như thế này.
Cả Đài Loan và Trung Quốc đều không thể làm rõ được những đường này sẽ được nối lại như thế nào nếu chúng được cho là tạo thành một đường liên tục, và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cựu quan chức này nhấn mạnh.
Ông nói: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nguy hiểm và khó khăn đến mức Đài Loan nên xem xét nghiêm túc việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông bằng đường chín đoạn của mình”.
Ông Stanton cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Mỹ đã từng công khai đề xuất Trung Quốc có hành động tương tự trên Biển Đông.
Vị chuyên gia này giải thích rõ hơn với báo giới Đài Loan rằng hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều coi “đường chín đoạn” mà Trung Quốc và Đài Loan đưa ra trên Biển Đông là “nực cười”. Ông nói: ”.
Tuy nhiên, có vẻ như Đài Loan vẫn kiên quyết không chấp nhận lời khuyên hữu ích này của ông Stanton. Hôm thứ Hai, cơ quan ngoại giao Đài Loan đã lên tiếng bác bỏ lời khuyên này mà vẫn tiếp tục khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của Đài Loan đối với vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” phi lý và phi pháp.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG