Tìm lợi nhuận từ rủi ro

Thành lập năm 2007, đến nay, Công ty TNHH Đức Cường (Hà Trung - Thanh Hóa), là DN đi tiên phong trên địa bàn huyện về lĩnh vực vận tải và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác.

Vào thăm DN, tiếp xúc và trao đổi với các cán bộ, công nhân viên mới thấy hết “tầm vóc” của một công ty bền bỉ - vững chân - làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mà người “cầm lái” chính là Giám đốc Trịnh Văn Cường.

Khởi nghiệp nhờ… rươi

Nhiều người trong vùng biết đến Trịnh Văn Cường - một doanh nhân trẻ đầy năng động, có nhiều ý tưởng kinh doanh độc đáo. Không chỉ “khát” làm giàu cho bản thân và cho xã hội, anh còn trăn trở làm sao tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

Là con thứ 6 trong một gia đình có 9 anh chị em, anh đã sớm trưởng thành hơn những đứa trẻ khác bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, vất vả. Sự lam lũ trong cuộc sống đã tạo cho anh một “nghị lực thép” làm giàu, góp phần giúp đỡ gia đình. Anh đã phải lăn lộn làm đủ nghề để kiếm sống. Và có lẽ, những lúc gian khó nhất đã tích lũy trong anh nhiều kinh nghiệm, vốn sống và làm việc. Anh chia sẻ: “Năm 2006, nhờ… trời mà tôi bội thu mùa rươi. Với số vốn khoảng 1 tỷ đồng thu được từ bán rươi, tôi tính tới chuyện kinh doanh, làm ăn lâu dài. Đúng vào thời điểm Nhà nước có chính sách khuyến khích phát triển các DN tư nhân, bạn bè kêu gọi chung vốn thành lập công ty, nhưng tôi đã lưỡng lự bởi nhiều lý do. Cuối cùng thì vợ chồng tôi đã quyết định thành lập công ty riêng. Nhờ “lộc trời, lộc đất” nên tôi mới có được Đức Cường hôm nay”.

Giám đốc Trịnh Văn Cường cùng cán bộ doanh nghiệp thực tế mô hình VAC (ảnh: Hà Tuyên)

Nhận thấy nhu cầu vận tải trong huyện còn thiếu và yếu, các nhà máy lớn ở Bỉm Sơn và Tam Điệp (Ninh Bình) cần một lượng lớn nguyên liệu từ Hà Trung, anh xây dựng ý tưởng: “Cần phát triển một đội xe vận tải chuyên chở nguyên vật liệu cho các nhà máy, trước là trên địa bàn huyện, sau là mở rộng ra các vùng lân cận”. Ngay sau đó, Công ty đã đầu tư trang bị gần 30 đầu xe tải trọng tải lớn, cùng nhiều loại phương tiện khác, ngày đêm hoạt động. Kể từ đó, Công ty được biết đến là DN hàng đầu trong huyện về lĩnh vực vận tải. Sau khi đến thăm “dinh thự” Công ty, chúng tôi đã có lời giải cho sự hiếu kỳ của mình về một “Đức Cường” chuyên nghiệp trong lĩnh vực vận tải.

Không dừng lại ở đó, anh Cường còn phát triển trang trại VAC, theo đó, 3 ha dùng để cấy lúa, phần diện tích còn lại chuyên chăn nuôi, đào ao thả cá. “Nguồn lợi nhuận thu đươc từ trang trại chủ yếu để phục vụ bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, công nhân viên Công ty” - anh bộc bạch.

Làm giàu trên đất dốc

Anh Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường UBND huyện Hà Trung tâm sự với chúng tôi: “Do đặc điểm địa hình nghiêng dần từ tây bắc xuống đông nam, nên tuy là huyện đồng bằng nhưng địa phương được bao bọc bởi nhiều dãy đồi, núi cao tạo thành những lòng chảo, mùa mưa thường hay ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Huyện đã triển khai nhiều chương trình và dự án về xen canh cây trồng, đưa các loại máy móc hiện đại về thử nghiệm nhưng không ổn bởi vùng chiêm trũng”. “Không thể xen canh cây trồng, vì vậy, tầng dưới nước có thể nuôi cá hoặc các loại ốc không hại. Người dân trồng lúa ở tầng trên, thu hoạch các loại ốc, cá ở tầng dưới. Cách làm này đang được Công ty áp dụng vào trang trại VAC của mình” - Giám đốc Trịnh Văn Cường góp chuyện.

VAC (vườn, ao, chuồng) là thế mạnh của vùng, tuy nhiên đây chưa thực sự là một lĩnh vực “kiếm lời” của Đức Cường, bởi Đức Cường xây dựng trang trại VAC chỉ để phục vụ nhu cầu cải thiện bữa cơm hàng ngày cho cán bộ, công nhân viên. “Khi làm, không nên nghĩ đến “được” và “mất” thì việc gì cũng dễ thành công” - anh Cường nói.

Mô hình VAC mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp (ảnh: Hà Tuyên)

Xã Hà Vinh - một vùng quê nghèo thuộc huyện Hà Trung. Song, dường như mọi khó khăn đã không làm nản lòng người dân - luôn khát khao để vươn lên, làm giàu chân chính trên chính mảnh đất quê hương. Anh Cường cho biết: “Không phải DN nào cũng có thể phát triển và tồn tại trên mảnh đất này, nhiều DN chọn những vị thế nơi thành thị, có các hoạt động giao thương diễn ra tấp nập để hoạt động, nhưng Đức Cường thì khác, ra đời tại một xã nghèo (hiện trụ sở của Công ty đứng chân trên địa bàn xã). Bởi đơn giản là, Hà Vinh chính là nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, luôn mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bẻ của mình vào sự hồi sinh của mảnh đất”.

Khẳng định chỗ đứng

Trụ sở của Công ty nằm trên trục đường liên huyên Nga Sơn - Bỉm Sơn, một vị trí thuận lợi cho việc giao thương với các nhà máy lớn tại Bỉm Sơn và Tam Điệp. Trong thời điểm giá cả leo thang, lãi suất siết chặt, khiến không ít DN, trong đó có những DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải, vì vậy, làm sao để tìm ra lối thoát không phải là điều đơn giản. Đức Cường đã tìm lối thoát cho mình bằng cách luôn đảm bảo chữ “tín”, cung ứng “đầy” và “đủ” nguyên vật liệu cho các nhà máy. Là thành viên của Hiệp hội DNNVV Thanh Hóa, Đức Cường đang không ngừng nỗ lực để phát triển đơn vị ngày càng lớn mạnh hơn. Điều này được khẳng định rõ qua kết quả các năm của Công ty: Năm 2008, doanh thu đạt 5,9 tỷ đồng; năm 2009, đạt 23 tỷ đồng; năm 2010, đạt 40 tỷ đồng và phấn đấu năm 2011 đạt từ 60 - 100 tỷ đồng… DN đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động địa phương.

Ngoài ra, Công ty còn mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, thủy lợi, xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, xây lắp công trình điện, san lấp mặt bằng, kinh doanh vật tư nông - lâm - ngư nghiệp, kinh doanh bất động sản… Ở lĩnh vực nào Đức Cường cũng làm ăn có hiệu quả - chứng tỏ là một DN mạnh của tỉnh.

Công ty còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp xây dựng nhiều tuyến đường phục vụ dân sinh. Năm 2010, Công ty đã tài trợ 400 triệu đồng cho dự án làm đường liên xã.

Giờ đây, chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của mảnh đất này, càng thêm khẳng định, Đức Cường đã góp phần quan trọng vào sự phát triển ngày càng giàu đẹp của quê hương. Hy vọng rằng, với những gì đã và đang làm được, Công ty TNHH Đức Cường sẽ gặt hái được nhiều thành công, có những bước tiến mới vững chắc hơn.
 

Giám đốc Trịnh Văn Cường trăn trở: “Hiện tại, trong vùng còn có sự chồng chéo giữa các DN, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà nhiều lĩnh vực khác. Tôi nghĩ, các DN không nên “dẫm vào chân nhau” mà cần ngồi lại, bắt tay hợp tác, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, cạnh tranh một cách lành mạnh để cùng phát triển”.