Trao đổi với phóng viên chiều 31/12, ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn kiêm Chánh Văn phòng Bộ GTVT, cho biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị thuộc bộ bằng mọi cách phải huy động lực lượng, thuê phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn 22 thuyền viên tàu Vinalines Queen vẫn đang mất tích, dù chỉ còn một chút hy vọng.
Ít nhất 28 tàu tham gia cứu nạn
Ông Nguyễn Văn Công cho biết: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trong cuộc họp chiều 30/12 cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thông qua Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước quanh vùng biển trên đề nghị các nước giúp đỡ. Ngoài thuê máy bay có thể phải thuê cả tàu biển để tiếp cận vị trí tàu mất tích. Sau khi tìm kiếm người mất tích còn phải đánh giá xem có thể trục vớt được tàu Vinalines Queen hay không.
Theo báo cáo của Công ty Vận tải biển Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam), tàu Vinalines Queen được trang bị hiện đại và mua đủ 3 loại bảo hiểm: bảo hiểm cho tàu, cho từng chuyến hàng và từng thuyền viên trên tàu. Theo ông Nguyễn Văn Công, sau khi hoàn tất công tác cứu nạn, Bộ GTVT cùng các cơ quan chức năng sẽ điều tra, xem xét nguyên nhân chìm tàu, trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
Chị Lại Thị Khoa, vợ thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (ngã bệnh sau khi nghe tin anh mất tích) và người thân đang mong chờ anh trở về. Ảnh: HOÀNG ANH
Tàu Vinalines Queen được chi nhánh Công ty Vinalines Hải Phòng mua từ Nhật Bản năm 2009 với giá khoảng 30 triệu USD, bằng vốn vay của Ngân hàng NN-PTNT (Agribank). “Tàu Vinalines Queen gặp nạn do thời tiết như vậy sẽ được bảo hiểm thanh toán đầy đủ theo hợp đồng (?!)” – một cán bộ của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định nhưng thừa nhận đối với những trường hợp này, việc đòi được bảo hiểm cũng khá gian nan.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC), cho biết các hoạt động tìm kiếm vẫn đang được triển khai trong ngày 31/12. Việt Nam MRCC đã gửi thông báo tới các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn của Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan đề nghị tiếp tục hỗ trợ tham gia tìm kiếm các thuyền viên mất tích. 28 tàu đang hoạt động trong khu vực tàu Vinalines Queen mất tích cũng đã đồng ý tham gia công tác cứu nạn. “Việc tìm kiếm được đặt ở mức độ khẩn cấp với nỗ lực tìm kiếm những thuyền viên khác có khả năng còn sống sót và đang trôi dạt trên biển” - ông Vũ nói.
Chở nickel vào thời điểm nguy hiểm
Hiện tàu London Courage đang trên hành trình đưa thủy thủ Đậu Ngọc Hùng về một bến cảng của Singapore. Theo dự kiến, tàu này sẽ cập cảng vào sáng 4/1. Một đoàn công tác của Công ty Vận tải biển Vinalines đã sang Singapore để đón thủy thủ Hùng và sẽ đưa ngay về Việt Nam. “Chúng tôi đã có thư sang phía cảng và chính quyền Singapore nhờ họ tạo mọi điều kiện thủ tục để đưa anh Hùng về đất liền” - ông Vũ nói. Nói về nguyên nhân dẫn tới tàu bị nghiêng, lật và mất liên lạc đột ngột, ông Vũ cho rằng phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
Một số chuyên gia hàng hải cho rằng cần phải thành lập đoàn thanh tra, làm rõ các quy trình trong việc giám định việc chở quặng nickel trong chuyến đi định mệnh này của tàu Vinalines Queen có bảo đảm yêu cầu, quy định hay không. Nhiều người rất ngạc nhiên khi Công ty Vận tải biển Vinalines nhận chở mặt hàng nguy hiểm này vào thời điểm trên biển thường xuyên có gió mùa Đông Bắc. “Những loại quặng như nickel đã được liệt kê vào loại hàng nguy hiểm. Chuyên chở chúng phải tuân thủ đúng theo các quy định Bộ Luật Maritime Solid Bulk Cargoes (IMSBC - Code). Để không tái diễn tai nạn tương tự, cần phải truy rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong vụ này” - một chuyên gia về hàng hải nói.
Khó trục vớt Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thành, Trưởng Khoa Điều khiển tàu biển - Đại học Hàng hải Hải Phòng, nguyên nhân gây chìm tàu có thể do sóng quá lớn làm cho tàu rung lắc mạnh, quặng nickel trong hầm hàng hóa đã hóa lỏng, cộng hưởng gây nên hiện tượng xô nghiêng khiến tàu chìm cực nhanh. Theo tính toán của cơ quan chức năng, vị trí tàu Vinalines Queen chìm có độ sâu khoảng 5.000 m và rất ít có hy vọng trục vớt thành công. Tàu được Vinalines chi nhánh Hải Phòng quản lý, khai thác hơn 2 năm trước khi bàn giao cho Công ty Vận tải biển Vinalines. |