Trong hoạt động ngoại khóa môn ngữ văn với đề tài tình yêu và quà tặng của trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, nhiều nữ sinh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Vật chất quan trọng hơn tình yêu?
Đề tài: “Người ta thường gửi gắm tình yêu vào những món quà tặng, nhưng tình yêu đã là môt món quà, em hãy viết bài văn ngắn về đề tài tình yêu và quà tặng”.
Hà Hải Ly (học sinh lớp 10A1) viết: “Theo bạn tình yêu và vật chất cái gì quan trọng hơn? Tôi nghĩ vật chất quan trọng hơn. Đó không phải là suy nghĩ của riêng mình tôi mà là suy nghĩ chung của riêng mình tôi mà là suy nghĩ chung của hàng trăm, hàng nghìn người đang sống trên trái đất.
Bài văn lý giải vì sao Bạch Tuyết, Lọ Lem, Tấm chỉ lấy hoàng tử.
Ngay cả tổ tiên của chúng ta cũn nghĩ như vậy, họ luôn nói với chúng ta thông qua các câu truyện cổ tích. Bạch Tuyết, Lọ Lem, Tấm… họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp hiền hậu nhưng lại lấy chung một người chồng là hoàng tử. Tại sao họ chỉ lấy hoàng tử mà không lấy một người nông dân nghèo, tầm thường, có trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương? Chẳng phải vì Hoàng tử sống trong một tòa lâu đài rộng lớn, có người hầu, kẻ hạ, có tiền có thế”.
Liên hệ đến ngày nay, nữ sinh này cũng chỉ ra rằng: “Không biết có bao nhiêu người phụ nữ vì muốn được giàu sang mà phải chịu làm người tình, vợ bé của người khác, bỏ cả sắc đẹp, tuổi xuân, danh dự của mình. “Chân dài là của đại gia” đó là một câu nói quen thuộc mà mọi người thường nói với nhau chỉ cần bạn là người giàu có thì tự nhiên những cái gì tốt đẹp đều thuộc về bạn”.
Câu chuyện về chàng trai chia tay đòi lại quà cũng được nữ sinh này đưa vào bài viết: “Có một anh ở Long Biên là người bán hoa quả, sau khi chia tay người yêu anh đã đòi hết quà lại và tính cả tiền hoa quả bắt cô người yêu phải trả. Anh ta cũng là một người coi trọng vật chất hơn tình yêu đấy thôi”.
Với những câu chuyện từ thực tế, Hải Ly đặt câu hỏi: “Phải chăng tình yêu cũng chẳng phải là thứ gì quá tốt đẹp, thiêng liêng cao quý. Vì nó mà mỗi năm có hàng trăm người tự tử. Nếu không có tình yêu thì cũng chẳng có câu chuyện bi thương của Romeo và Juliet. Vậy tình yêu sinh ra để làm gì khi nó không quan trọng, cần thiết bằng quà, những món đồ vật chất?”.
Bài viết tưởng chừng là suy nghĩ đơn giản, của một cô nàng ham vật chất, nhưng đoạn kết lại khiến giáo viên bất ngờ: “Nhưng hãy thử tưởng tượng xem bạn thức dậy vào mỗi sáng mà không có ai hỏi thăm, nói chuyện với bạn. Lúc bạn buồn sẽ không có ai đứng cạnh bạn nói “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, không ai cười với bạn, chia sẻ niềm vui. Sẽ chẳng còn ai yêu thương, nhớ tới bạn.
Vì vậy, thế giới sẽ thật vô vị nếu không có tình yêu, sự quan tâm chăm sóc của những người xung quanh. Không có tình yêu thì trái đất vẫn quay, mọi người vẫn sống như sẽ dần trở nên ích kỷ và rồi thế giới sẽ náo loạn”.
Quà tặng là nhiên liệu để duy trì tình yêu!
Với cùng chủ đề này, Dương Bích Ngọc (học sinh lớp 10A3) đưa ra hàng loạt định nghĩa hài hước về tình yêu: “Tình yêu cái đề tài xưa hơn trái đất nhưng lại không có bất cứ một nhà thơ, một nhà văn hay một nhà triết học nào có thể viết cho nó một cái mở đầu và kết thúc trọn vẹn. Trong toán học, tình yêu có vẻ giống một con rút gọn chứa ẩn ở mẫu. Mỗi con người, mỗi tình yêu đều cần đặt điều kiện riêng cho mình để có thể tồn tại được. Đối với văn học thì sao? Có ai nghĩ tình yêu giống một thảm cỏ trải qua mưa, nắng, gió nếu được quan tâm, chăm bẵm cẩn thận sẽ kiên trì mọc và xanh đến kiệt cùng không?”.
"Trong toán học, tình yêu có vẻ giống một con rút gọn chứa ẩn ở mẫu. Mỗi con người, mỗi tình yêu đều cần đặt điều kiện riêng cho mình để có thể tồn tại được".
Từ đó, nữ sinh này đưa ra kết luận: “Để tình yêu có thể bền chặt hơn xi măng, kết dính hơn nhựa đường thì chẳng có lý do gì người ta không tìm cách để thể hiện trái tim của mình qua những món quà.
Quà tặng là gì? Hiểu theo cách đơn giản nhất đó là những thứ có thể nhìn, ngắm, cầm, nắm, cân, đong, đo, đếm. Nhưng có nhiều món quà không phải vật chất luôn hữu hình hiện ra trước mắt mà chỉ có thể cảm nhận được. Cũng chẳng lấy làm lạ với cụm từ “tình yêu vật chất” đang tồn tại trong giới trẻ hiện nay khi mà mọi thứ đều phát triển hiện đại, đầy đủ tiện nghi. Người ta dùng vật chất, quà cáp như một thứ nhiên liệu để duy trì tình yêu hay có thể nói là gắn cho nó một cái hạn, sử dụng dài kỳ hơn”.
Tương tự như Hải Ly, nữ sinh lớp 10 này cũng đưa ra những ví dụ thể hiện sự coi trọng vật chất, quà tặng trong tình yêu của giới trẻ hiện nay: “Buồn cười thay những bài hát như Chia tay anh không đòi quà, tưởng đùa mà thật. Tại sao nói như vậy bởi ca từ tuy tếu táo nhưng lại chẳng sai một milimet so với thực tế hiện nay. “Cưa mấy em cấp ba chỉ cần SH và đeo kính Rayban là đủ”, chẳng thể phủ nhận nó đang phản ánh một phần xã hội.
“Giày phải có tất, nồi phải có vung và chính từ suy nghĩ ấy mà một số người quan niệm rằng tình yêu cần đi kèm quà tặng, vật chất nên không có gì ngạc nhiên khi mọi người bị đánh đồng. Đâu có gì khó khăn để “update” hàng trăm, hàng ngàn những câu chuyện méo mó về tình yêu - quà tặng như trên”.
Với những câu chuyện từ thực tế, nữ sinh này bày tỏ quan điểm: “Không phải tất cả nhưng tôi chắc rằng nhiều người đều nhận ra khi tình yêu sinh ra và tồn tại thì chính bản thân nó đã là một món quà vô giá chứ đâu cần phải thêm phụ gia hay bất kỳ chất bảo quản nào khác. Kỳ diệu thay khi tình yêu và quà tặng vừa là một câu hỏi lớn, một lời dẫn dắt đến câu trả lời hàm xúc và có chiều sâu.
Vậy đấy, với cái tuổi 16 còn quá nhiều thứ chưa được trải nghiêm nhưng biết đâu đó lại là một điều hay để tôi có thể đứng từ trên cao nhìn mọi thứ thật rõ ràng và ngồi đây viết những dòng này”.
Cách trình bày thẳng thắn, sử dụng nhiều ví dụ từ thực tế, ngôn ngữ hài hước khiến hai bài viết này hấp dẫn người đọc.