Thuyền trưởng Saigon Queen và hành trình định mệnh

Cách đây hơn 1 năm, ông Luân từng đã chỉ huy tàu hàng 36.000 tấn gặp nạn giữa biển cập bờ an toàn, tránh tổn thất hàng trăm triệu USD cho Nhà nước.

Khi tàu Saigon Queen bị chìm trên vùng biển Sri Lanka sáng 30/10, thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân (SN 1961) tình nguyện đứng giữ thang cho tất cả thuyền viên lên trước. Đến lượt mình, vì kiệt sức, ông đã rơi xuống biển và mất tích...

Từng cứu tàu 36.000 tấn

Chiều 1/11, chúng tôi tìm đến nhà thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân ở số 226 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh. Cả nhà thẫn thờ như người mất hồn, vợ ông,  – bà Hương - ngất lên ngất xuống.

Tiếp chúng tôi, ông Lâm (anh ruột bà Hương) cho biết, ông Luân người Hà Nội. Từ hôm qua đến nay, nghe tin dữ, anh em nhà ông Luân đều bay từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh. Thậm chí có người em vợ sống bên Mỹ, nghe tin cũng lập tức bay về...

Ông Luân có 2 con trai, con đầu tên Hoàng vừa tốt nghiệp khoa Kế toán kiểm toán của Trường ĐH Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh, con thứ 2 đang học lớp 9 Trường Trần Văn Ơn (quận 1). Bà Hương - vợ ông làm trong ngành kiến trúc, rất giỏi nên kinh tế gia đình cũng ổn.

Thấy nghề đi biển nguy hiểm và thấy chồng cũng đã lớn tuổi (51 tuổi), bà bắt ông bỏ nghề nhưng ông không chịu. 30 năm kể từ ngày đi làm, với 10 năm làm thuyền trưởng giỏi, ông gắn bó với Công ty Vitranschart (thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam). Nhận được nhiều lời mời từ các công ty nước ngoài với mức lương hấp dẫn nhưng ông vẫn không nhận lời chỗ nào vì yêu công ty.

Ông Lâm kể, cách đây hơn 1 năm, trong một chuyến đi biển, một tàu 36.000 tấn chở thép cuộn của Vitranschart do ông Luân làm thuyền trưởng đã gặp sự cố ngoài biển. Trong tình cảnh đó, thuyền trưởng Luân hoàn toàn có thể phát lệnh rời tàu và xin cứu hộ. Nhưng bằng tài năng của một thuyền trưởng giỏi với nhiều năm kinh nghiệm, ông đã chỉ huy con tàu cập cảng Quy Nhơn an toàn, tránh tổn thất cho Nhà nước hàng trăm triệu USD.

Ông Luân leo thang lên tàu Pacific Skipper (ảnh: tàu Pacific Skipper cung cấp)

Khi tàu Saigon Queen (6.500 tấn) của Saigon Ship thuê thuyền trưởng của Vitranschart, một lần nữa Vitranschart lại tín nhiệm cử thuyền trưởng Luân đảm nhận…

Giữ thang cho thuyền viên lên trước

Ông Lâm cho biết thêm, ngay khi hay tin tàu Saigon Queen gặp nạn và ông Luân mất tích, cả 2 công ty Saigon Ship và Vitranschart đều cử người xuống thăm hỏi, động viên gia đình.

Saigon Queen có bảo hiểm 4,2 triệu USD

Theo Bảo hiểm Bảo Việt, ngoài khoản bảo hiểm đối với thân tàu, thuyền viên Saigon Queen cũng được bảo hiểm theo hợp đồng trách nhiệm dân sự chủ tàu (P&I). Hai hợp đồng bảo hiểm nêu trên được Công ty CP Vận tải biển Sài Gòn (Saigon Ship) ký với Bảo Việt Sài Gòn đầu năm 2012, cùng với thời hạn 1 năm. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm thân tàu giá trị 4,2 triệu USD (giá trị đầu tư ban đầu của tàu năm 2005 là 7,2 triệu USD). Còn chi tiết bảo hiểm đối với thuyền viên không được tiết lộ.

Theo lời kể của các thuỷ thủ sống sót, khi tàu Saigon Queen gặp sự cố, thuyền trưởng Luân là người cuối cùng rời khỏi tàu theo đúng Luật Hàng hải. Khi tàu Pacific Skipper (mang cờ Hy Lạp) phát hiện những người gặp nạn và đưa thang xuống cứu, lẽ ra ông Luân phải là người đầu tiên lên tàu bởi ông giỏi ngoại ngữ thì phải lên tàu bạn để trao đổi công tác cứu hộ cứu nạn.

Hơn nữa, ông Luân cũng là người lớn tuổi nhất tàu, anh em đều nhường ông Luân lên trước nhưng ông vẫn không chịu. Chưa nói, khi đã phát lệnh cấp cứu, rời khỏi tàu thì ông Luân bình đẳng như mọi người. Thế nhưng ông Luân vẫn tình nguyện đứng dưới giữ thang cho tất cả thuyền viên lên hết rồi mới chịu lên. Vì kiệt sức, ông đã tuột tay, rơi xuống biển…

"Cách đây 1 tháng, chính tôi chở ông Luân ra cảng để lên tàu Saigon Queen. Từ đó đến nay, ông Luân đi trên biển nên cũng không liên lạc về nhà. Bởi tuy trên tàu có điện thoại vệ tinh, nhưng chi phí rất đắt và chỉ dùng cho công việc, cấp cứu"...

Tính ông Luân lại rất nguyên tắc nên không bao giờ dùng điện thoại vệ tinh cho việc riêng. “Ông Luân dự tính chuyến này về xong sẽ nghỉ để vui lòng vợ con và còn thực hiện lời hứa đưa con trai qua Úc du học để lấy bằng thạc sĩ...” - ông Lâm nghẹn ngào kể.

Rời nhà ông Luân, chúng tôi thầm mong ông với tài năng và kinh nghiệm hàng chục năm đi biển, với sự phù hộ của “thần biển”, sẽ vượt qua được tình cảnh khó khăn... Và một ngày nào đó, gần thôi, ông và 3 đồng nghiệp kia sẽ trở về với gia đình, bè bạn...

Sáng 1/11, ông Đỗ Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Saigon Ship (đơn vị chủ quản tàu Saigon Queen) đã có buổi làm việc trực tiếp với thân nhân của thuyền trưởng Nguyễn Minh Luân và 3 thành viên tàu Saigon Queen mất tích. Ông Lâm cho biết, thuyền trưởng Luân là người rất tốt cả về lối sống và chuyên môn. “Chúng tôi phải có trách nhiệm với gia đình các thuyền viên” – ông Lâm nói. Tối 2/11, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) cho biết, công tác tìm kiếm 4 thuyền viên tàu Saigon Queen vẫn chưa có kết quả. Ông Vũ nhận định: “Dù các thuyền viên đều mặc áo phao nhưng trong tình trạng sức khỏe yếu và sóng gió lớn, khả năng sống sót là rất mong manh”. Lực lượng cứu nạn của Sri Lanka vẫn đang tìm kiếm 4 thuyền viên và sẽ kết thúc cuối ngày 3/11.